Home / Tin tức / Tin thủy sản

Tăng sức khỏe cho tôm Việt ra thế giới

Tăng sức khỏe cho tôm Việt ra thế giới
Author: Mai Trường
Publish date: Monday. July 1st, 2019

Nâng cao khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn luôn là băn khoăn, trăn trở và mục tiêu phấn đấu của ngành tôm. Làm được điều này mới có thể đảm bảo để tôm phát triển hiệu quả và bền vững.

Ngành tôm vẫn tồn tại không ít khó khăn 

Tăng sức cạnh tranh

Theo Vụ Nuôi trồng Thủy sản, tính đến 19/5, cả nước thả nuôi 643.219 ha tôm nước lợ, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú 581.890 ha (tăng 0,5%), TTCT là 52.328 ha (tăng 1,4%). Cùng đó, sản lượng tôm 5 tháng đầu năm cũng tăng 2,3% so với cùng kỳ khi đạt 211.813 tấn; trong đó, sản lượng tôm sú 121.882 tấn (tăng 1,6%) và TTCT là 89.931 tấn (tăng 3,3%).

Tuy tăng nhẹ cả về diện tích lẫn sản lượng, thế nhưng thời gian qua ngành tôm vẫn tồn tại không ít khó khăn. Nguyên nhân là do chưa chủ động con giống, giá thành sản xuất cao, cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi chưa đảm bảo, công nghệ, kỹ thuật còn hạn chế, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt và cuối cùng là tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất ảnh hưởng uy tín sản phẩm.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, chúng ta sản xuất tôm nhiều, xuất khẩu tôm cũng đứng top đầu thế giới, nhưng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam vẫn thấp so với một số nước. Do đó, cần thay đổi tư duy, tập quán nuôi tôm theo hướng tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ mới, để giảm chi phí, tăng tỷ lệ thành công. “Chỉ cần mỗi công đoạn người nuôi tiết kiệm được một ít, gộp lại cũng sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, giảm được giá thành, giúp tăng tính cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường”, ông Luân nhấn mạnh.

Giảm chi phí đầu vào

Để giảm giá thành trong nuôi tôm, theo ông Trần Đình Luân, các bên phải cùng nhận diện, đánh giá các mô hình thả nuôi khác nhau nhằm tìm ra mô hình, giải pháp hiệu quả nhất để áp dụng vào sản xuất. Người nuôi cần tiếp cận được con giống có chất lượng, biết ương giống có cỡ lớn trước khi thả nuôi, nắm vững quy trình chăm sóc, quản lý ao nuôi… để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tiến tới thực hành nuôi đạt chứng nhận quốc tế như ASC, BAP. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết theo chuỗi, minh bạch và truy xuất được nguồn gốc. Có như thế, giá trị và sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam mới được nâng lên.

Bên cạnh chuyển giao và nhân rộng các mô hình, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học… trong nuôi tôm. Các doanh nghiệp phải là đầu tàu liên kết với người dân để tạo thành chuỗi bền chặt. “Nếu muốn xuất khẩu tôm thuận lợi, việc truy xuất nguồn gốc cần phải thực hiện nhanh và để làm được điều này phải tổ chức lại nuôi tôm theo mô hình các trang trại lớn, HTX hay THT. Tới đây, nuôi tôm phải đăng ký để giúp minh bạch hóa nguồn gốc và tuân thủ đúng các quy định trong nước cũng như nước nhập khẩu”, ông Luân lưu ý thêm.

Tuy có những khó khăn, thách thức nhất định, nhưng ngành tôm cũng có không ít cơ hội. Theo Vụ Nuôi  trồng Thủy sản, thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam còn khá lớn do mức tăng trưởng sản lượng tôm thế giới luôn thấp hơn mức tăng trưởng của nhu cầu; trong đó, nhu cầu tôm sú tại Hàn Quốc, Mỹ vẫn rất cao, đặc biệt là Trung Quốc. Riêng tôm tươi nguyên con đã vào được thị trường mới khó tính như Australia sẽ mở ra cơ hội cho con tôm Việt Nam vào một số thị trường khác.

TS Nguyễn Duy Hòa, Giám đốc kỹ thuật toàn cầu ngành hàng Empyreal, Cargill Inc cho rằng, khả năng cạnh tranh của con tôm Việt Nam chưa phải là quá thấp so với một số nước. “Theo khảo sát của tôi, giá thành sản xuất tôm Việt Nam chỉ cao hơn Ấn Độ và Ecuador, do 2 nước này chủ yếu nuôi với mật độ thưa, các chi phí đầu vào đều thấp, thu hoạch tôm cỡ nhỏ nên giá thành sản xuất tôm thấp hơn tôm Việt Nam. Còn lại, một số nước nuôi tôm lớn khác như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều có giá thành không thấp hơn Việt Nam là bao”, ông Hòa phân tích.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, giảm chi phí, giá thành để nuôi tôm hiệu quả hơn và quan trọng là trong những thời điểm giá tôm thế giới giảm mạnh, người nuôi vẫn có lợi hoặc chí ít cũng bảo toàn được nguồn vốn.


Related news

Khắc chế các điểm yếu của con tôm Khắc chế các điểm yếu của con tôm

Đây là những điểm yếu cố hữu của ngành tôm Việt Nam. Để khắc phục điều này, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, cốt yếu là làm sao cho ra con tôm “sạch”.

Saturday. June 29th, 2019
Nuôi cá chẽm cửa biển Quảng Trị Nuôi cá chẽm cửa biển Quảng Trị

Cá chẽm hay cá vược là loài cá giá trị dinh dưỡng cao đang được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh. Tại tỉnh Quảng Trị, cá chẽm được các hộ đưa vào nuôi thử nghiệm

Saturday. June 29th, 2019
Làm giàu ở nông thôn: Đổi đời nhờ nuôi loài cá bông lau Làm giàu ở nông thôn: Đổi đời nhờ nuôi loài cá bông lau

Với mô hình nuôi loài cá bông lau trong ao đất, anh Lâm Thành Lâm, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng lãi hơn 400 triệu đồng mỗi năm.

Monday. July 1st, 2019