Súp-Lơ Ra Bông Sớm Tại Giống Hay Canh Tác Chưa Hợp Lý?

Mới đây, một nông dân tại xã Ninh An (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho rằng, đại lý tại chợ thị xã đã bán giống súp-lơ “dỏm” làm ông thiệt hại nhiều triệu đồng. Sự việc này vẫn chưa có kết luận.
Súp- lơ ra bông sớm
Những ngày này, ông Nguyễn Thuận (thôn Lạc Hòa, xã Ninh An) rất xót xa mỗi khi đi thăm mấy đám ruộng súp-lơ. Súp-lơ mới trồng hơn 15 ngày, còn lẹt đẹt dưới đất nhưng đã “đẻ non”, cây nào cũng ôm bông trắng. Lo lắng vì súp-lơ nở bông sớm, ông Thuận chia sẻ: “Tôi dự tính bán súp-lơ vào tháng Giêng để không bị “đụng” hàng Tết, nhưng giờ này súp-lơ đều đã trổ bông. 6 triệu đồng mua giống và công làm đất của tôi coi như đi tong”.
Nhiều năm trồng súp-lơ, ông Thuận biết rõ quy luật của thị trường. Vụ Tết thường bị dư hàng, nên ông chia ra diện tích trồng súp-lơ bán Tết và sau Tết để dễ có đầu ra. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao súp-lơ vụ sau Tết đã nở bông sớm một cách bất thường. Theo ông Thuận, hồi tháng 8-2013, ông có mua 8 gói hạt giống súp-lơ tại đại lý Hồng Hải (chợ Ninh Hòa). Trên bao bì có ghi: Hạt giống cải bông White corona F1, khối lượng 10g, nguồn gốc Nhật Bản.
Ông chia ra 4 gói trồng cho thu hoạch tháng Chạp (bán vụ Tết) và 4 gói trồng cho thu hoạch tháng Giêng (bán sau Tết). Thông thường, súp-lơ sau khi ươm 1 tháng thì đưa ra ruộng trồng, sau 50 - 60 ngày cây ra bông và tiến hành thu hoạch. 4 gói giống gieo trước, cây phát triển tốt và đang chuẩn bị thu hoạch. Thế nhưng, 4 gói giống gieo sau (2.000m2), mới trồng được 15 ngày đã có bông.
Với kinh nghiệm của người trồng súp-lơ lâu năm, ông Thuận nhận định, ra bông sớm thế này là hỏng, bởi lá súp-lơ còn quá nhỏ không thể che được bông. Khi bị nắng, súp-lơ sẽ nhanh chóng chuyển sang màu tím và thối rữa, còn nếu có thu hoạch được thì bông quá nhỏ nên cũng không ai mua. Các nông dân có kinh nghiệm trồng súp-lơ trong thôn cũng khẳng định, kiểu ra bông khác thường này coi như bị mất trắng.
Súp-lơ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân trong thôn. Bình quân giá bán 7.000 - 8.000 đồng/búp, lúc thấp nhất cũng được 5.000 đồng/búp, sau khi trừ hết chi phí, 2.000m2 có thể lãi được 10 - 15 triệu đồng.
Chưa thể kết luận
Ngạc nhiên trước hiện tượng súp-lơ ra bông sớm, ông Thuận gọi điện phản ánh với đại lý. Tuy nhiên, cách trả lời của đại lý cũng không giúp ích được gì. Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Thu Hồng - chủ đại lý cho biết, hạt giống lấy từ một công ty nhập khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, có đầy đủ nhãn mác, xuất xứ, chỉ tiêu, chất lượng được cấp có thẩm quyền cấp phép. “Lô hàng này đã bán hết. Tôi động viên nông dân gọi điện cho công ty khiếu nại, bởi chỉ có nông dân mới hiểu rõ tình hình thế nào để phản ánh. Tôi cũng rất xót khi nông dân bị thiệt hại nhưng chẳng biết làm gì hơn” - bà Hồng nói.
Ông Lê Văn Tánh - Phó Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) thị xã cho biết: “Bước đầu, chúng tôi chưa thể kết luận được điều gì. Với cách canh tác xịt thuốc sâu kết hợp bón rong biển theo quy trình của ông Thuận là những loại đều kích thích ra bông, có thể gặp thời tiết lạnh nên súp-lơ cho bông sớm. Tuy nhiên, còn phải đợi giám định của Chi cục BVTV. Trước mắt, đề nghị nông dân gửi đơn về Trạm BVTV thị xã. Sau đó, chúng tôi sẽ mời chủ đại lý làm việc và liên hệ với công ty để có hướng hỗ trợ thiệt hại cho nông dân...”.
Việc xác định giống súp-lơ dỏm hay cách canh tác của nông dân chưa hợp lý vẫn còn phải chờ.
Related news

Tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đang diễn ra tình trạng phá mía đào ao nuôi tôm rầm rộ. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, thị trấn Long Phú là một trong 3 địa phương có diện tích trồng mía lớn của huyện Long Phú với diện tích trên 200ha…

Phát triển “nóng” hoạt động chế biến, kinh doanh trong khi diện tích vườn trồng ngày càng giảm, năng suất thấp, khiến ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Thấy dịch tai xanh và bệnh lở mồm long móng hay bùng phát nên vợ chồng anh Bảy Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) không dám nuôi heo, bò. Đầu tháng 1 dương lịch vừa rồi, anh Bảy mua 1.000 vịt con về thả nuôi thịt mong kiếm thêm nguồn thu nhập. Nuôi được 2 tuần, lo sợ dịch cúm gia cầm gây hại, anh mua vắc xin tiêm phòng cho toàn bộ số vịt ấy.

Ở thủ phủ cây điều Bình Phước thì Thạch Don không phải là người có nhiều đất. Gia đình anh hiện có 11ha đất, trong đó đã có 3ha cao su, vậy mà bình quân mỗi năm vẫn thu hơn 20 tấn điều nhân.

Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, do từ đầu vụ đến nay không có mưa nên mực nước các hồ chứa xuống thấp, sông suối cạn kiệt, hàng trăm héc ta lúa đông xuân trên địa bàn huyện có nguy cơ thiếu nước tưới trong giai đoạn trỗ.