Su Su Quỳnh Liên Xuất Ngoại

Từ nhiều năm nay, cây su su đã giúp bà con nông dân xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vươn lên làm giàu ngay trên đất thổ cư của nhà mình.
Những giàn su su xanh mướt nối tiếp từ nhà này sang nhà khác. Bà con nơi đây đã tận dụng hết mọi khoảng đất trống trong vườn và cả những bãi đất pha cát rộng mênh mông dọc theo bãi biển để trồng su su. Hàng ngày, cứ khoảng 17 đến 18 giờ chiều, những chiếc xe tải từ khắp các tỉnh, thành phía Bắc đỗ dọc trục đường liên xã chờ "ăn" hàng...
Cây su su mới bén duyên trên đất Quỳnh Liên được khoảng chục năm nay. Song nhờ có hiệu quả cao nên đã trở thành một loại cây trồng chủ lực của địa phương, với diện tích hằng năm chiếm trên 60% tổng diện tích cây rau màu của toàn xã: Từ 79ha năm 2010, đến năm 2012 đã tăng lên 100 ha, bình quân mỗi ngày bà con xuất bán trên dưới 100 tấn quả, cá biệt có ngày xuất gần 300 tấn...
Chúng tôi ghé vào nhà ông Nguyễn Văn Thắm, tại xóm 6, xã Quỳnh Liên, một trong số các cơ sở thu gom su su trong dân tại Quỳnh Liên để XK sang Trung Quốc. Giữa sân nhà ông Thắm có 6 người phụ nữ đang cẩn thận bỏ từng quả su su xanh vào trong lớp vỏ xốp bảo vệ, sau đó cho vào bao tải đóng gói chuẩn bị sẵn sàng cho đợt xuất bán vào cuối buổi chiều. Ông Thắm cho biết: "Nhà tôi thu mua tại vườn của dân vào thời điểm hiện nay (24/4/2012) là 1.200 đồng/kg. Đóng gói xuất cho thương lái Lào Cai đưa xe tải về tận đây mua là 1.600 đồng/kg. Họ là đối tác XK trực tiếp sang thị trường Trung Quốc. Cách đây khoảng 3 tuần, thương lái Trung Quốc cũng về thẳng đây để thu mua, nhưng họ cũng chỉ mua theo mặt bằng giá ở đây nên bà con lại quay sang bán cho chúng tôi".
Ông Thắm cho biết thêm: Chưa năm nào giá su su ở đây lại thấp như năm nay. Có thời điểm giá tụt xuống chỉ 500 - 700 đồng/kg. May mà gần cuối vụ (cách đây khoảng 1 tháng) khi thương lái Trung Quốc sang đây thu mua trực tiếp nên giá bán tại vườn mới tăng lên được 1.200 đồng/kg. Họ đề nghị các thương lái ở địa phương thu gom về và họ cung cấp lớp vỏ xốp bảo quản, yêu cầu bọc lót từng quả và đóng gói để vận chuyển đi cho đỡ xây xát. Thế nhưng, do không ký hợp đồng trực tiếp được với chính quyền địa phương nên hơn một tháng nay họ lại thông qua các thương lái Lào Cai làm trung gian thu mua tại Việt Nam để xuất sang Trung Quốc.
Trao đổi với PV, ông Hồ Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: Xã chỉ có chưa đây 300 ha đất nông nghiệp. Từ năm 2000 trở về trước diện tích đất này chủ yếu trồng lạc, khoai lang là chính. Sau đó có một số diện tích được chuyển dịch sang trồng đậu leo, dưa chuột, cà rốt, cà chua… nhưng do đất ven biển Quỳnh Liên là đất pha cát, bạc màu nên năng suất các loại cây trồng ở đây đều thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Đến vụ đông xuân 2003, giống cây su su mới được đưa từ ngoài Bắc về trồng thử trong đất vườn. Điều bất ngờ là loại cây trồng mới này đã cho thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với các loại cây rau màu khác. Bởi thế, diện tích su su nhanh chóng được bà con trong xã nhân rộng ra toàn xã…
Đến năm 2009, nhờ dự án CRS tài trợ, xã Quỳnh Liên cử cán bộ ra Hà Nội tìm kiếm thị trường. Nhờ đó sản phẩm su su Quỳnh Liên tiếp cận và được 4 chợ đầu mối là Dịch Vọng, Long Biên, Thường Tín, Đền Lừ ( Hà Nội), với tư cách là một loại rau sạch. Từ đó tạo đà cho nhân dân Quỳnh Liên mở rộng diện tích, đưa cây su su trở thành một loại cây hàng hóa của địa phương có mặt tại các chợ đầu mối các tỉnh TT- Huế, Đà Nẵng, Thanh Hoá....
Theo ông Nguyễn Văn Thắm: Trước đây ông “đổ” hàng cho các chợ đầu mối ở Hà Nội mỗi ngày trên dưới 10 tấn quả. Sau này mới biết hầu hết số đó được các thương lái xuất sang thị trường Trung Quốc. Vì thế, gần đây, dân Quỳnh Liên ngừng xuất qua trung gian tại Hà Nội. Từ ngày có mối xuất sang Trung Quốc, giá su su thu mua ở Quỳnh Liên luôn ổn định ở mức 1.200 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: "Sở dĩ thương lái Trung Quốc biết và tìm đến thu mua sản phẩm su su tại xã Quỳnh Liên là nhờ chúng tôi lập trang Webse: RausachQuynhlien.gov.vn và mạnh dạn giới thiệu sản phẩm su su của địa phương lên mạng từ đầu tháng 3/2012. Tuy hàng xuất sang Trung Quốc yêu cầu quả mẫu mã đẹp, phải được đóng gói bao bì cho từng quả một (bao bì do TQ cung cấp), giá bán cũng chỉ ngang bằng với giá thị trường nội địa nhưng lại được thanh toán trước, nên các thương lái có điều kiện trả tiền mặt ngay cho người dân nên bà con rất phấn khởi. Hiện xã đã làm tờ trình lên phòng Nông nghiệp huyện, Sở Khoa học và Công Nghệ xin hỗ trợ đăng ký thương hiệu, tiến tới đóng nhãn mác cho sản phẩm su su Quỳnh Liên..."./.
Box: Với diện tích trên 100 ha, mặc dù giá su su năm nay rẻ hơn năm ngoái (bình quân từ đầu vụ đến cuối vụ khoảng 2.000 đồng/kg) nhưng người trồng su su tại xã Quỳnh Liên cũng thu về ngót nghét 10 tỷ đồng. Như vậy cây su su vẫn là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao ở xã Quỳnh Liên (ông Hồ Đức Nghĩa, chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên khẳng định như vậy).
Related news

Ông Phạm Văn Hoàng, Chi hội trưởng Chi Hội nông dân khu phố 3, phường Tân Định, TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết, nghề nuôi chim cút tại khu phố phát triển mạnh khoảng 4 năm trở lại đây. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, khu phố đã thành lập Tổ chăn nuôi chim cút và nhận được sự hưởng ứng của các hộ chăn nuôi.

Sáng qua (8/9), tại Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thực phẩm Cu Ba – bà Maria Del Carmen Concepcion Gonzalez, nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh cây cao su, hiện nay người dân xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đang chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Những mô hình chăn nuôi gà bằng trại lạnh, nuôi heo giống mới... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Chuối Laba còn gọi là chuối tiến vua, chuối Dạ hương, ruột vàng có vị ngọt thanh, thơm dẻo rất đặc trưng, khi chín không có vị chua, nhão như các loại chuối thông thường, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) công nhận là mặt hàng đặc sản của Đà Lạt – Lâm Đồng.

Theo một số trang trại chuyên nuôi cá nước ngọt trong tỉnh Đồng Nai, giá cá lóc bán tại ao, bè hiện đã lên đến 40-42 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 10-12 ngàn đồng/kg so với dịp đầu tháng 5-2014. Giá cá rô đồng tăng 6-8 ngàn đồng/kg, lên 38-40 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, giá các loại cá nước ngọt khác, như: chép, điêu hồng, trắm... mua tại ao, bè cũng tăng từ 3-4 ngàn đồng/kg.