Home / Cây lương thực / Trồng sắn

Sử dụng Ong ký sinh kiểm soát rệp sáp hồng hại sắn

Sử dụng Ong ký sinh kiểm soát rệp sáp hồng hại sắn
Author: Thanh Sơn
Publish date: Wednesday. January 16th, 2019

Rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti), gây hại trên cây sắn (khoai mỳ) là loài sâu hại nguy hiểm, rất khó phòng trừ và là đối tượng sâu hại mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Theo nguồn tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, rệp sáp bột hồng có khả năng lây lan rất nhanh qua hom giống, phát tán qua gió, trôi theo nguồn nước, bám dính trên các phương tiện vận chuyển… và có nguy cơ gây hại nghiêm trọng làm giảm năng suất, chất lượng sắn, cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời không để phát tán lây lan trên diện rộng.

Để hạn chế tác hại và sự lây nhiễm của rệp sáp bột hồng, ngành Bảo vệ thực vật đã đề xuất nhiều biện pháp quản lý như: Không di chuyển hom giống từ vùng nhiễm qua các vùng khác, tiêu hủy triệt để những vườn bị nhiễm nặng, phun thuốc bảo vệ thực vật trên những vườn bị nhiễm nhẹ và đặc biệt áp dụng biện pháp kiểm soát sinh học.

Sử dụng ong kí sinh kiểm soát rệp sáp bột hồng hại sắn đã được nghiên cứu và áp dụng khá thành công ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Thái Lan. Do đặc tính của rệp sáp bột hồng khi gây hại làm cho đỉnh sinh trưởng xoắn lại và chúng thường tập trung chủ yếu mặt dưới của tán lá (Hình 1) do vậy thuốc hóa học rất khó tiếp xúc, mặt khác hiện nay, thuốc hóa học không có khả năng diệt trứng, đó là những lý do khi phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ rệp sáp bột hồng hiệu quả rất thấp.

Đặc điểm của ong kí sinh Anagyrus lopezi; ong thuộc bộ cánh màng-Hymenoptera, họ Encytidae, thuộc nhóm biến thái hoàn toàn. Ong có kích thước nhỏ 1,2-1,4 mm, cơ thể màu đen, sự khác biệt rõ nhất giữa ong đực và ong cái ở cặp râu đầu, râu đầu ong đực có màu đen, ong cái có đốt màu đen, trắng xen kẽ. Thời gian phát dục từ trứng đến vũ hóa trưởng thành dao động từ 17-21 ngày. Theo ghi nhận ban đầu đây là loài ong chuyên tính cao, trưởng thành vừa ăn rệp vừa kí sinh (đẻ trứng vào cơ thể rệp). Một ngày một ong cái vừa ăn rệp, vừa kí sinh khoảng 50 con rệp sáp bột hồng, trong đó kí sinh 10-20 con rệp, cao nhất 30 con rệp, ong đực ăn khoảng 20-30 con rệp. Một ong cái có thể kí sinh 50-100 quả trứng. Ong có khả năng sinh sản đơn tính, ong cái không giao phối vẫn có thể đẻ trứng, nhưng trứng đó nở ra toàn ong đực. Ong trưởng thành hoạt động chủ yếu vào ban ngày và trong điều kiện nhiệt độ thích hợp 280C, ở nhiệt độ lạnh ong không hoạt động 

Nhờ khả năng khống chế rệp sáp tuyệt vời, các nhà khoa học đã vận dụng những đặc điểm này trong lĩnh vực bảo vệ thực vật (Bio-control) mà không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Về nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực kiểm soát sinh học, đó là lợi dụng đặc điểm có lợi của loài sinh vật này để khống chế sự bùng phát gây hại của loài khác và ong Anagyrus lopezi là ví dụ điển hình.

Tại Thailand, báo cáo ghi nhận dịch rệp sáp bột hồng hại sắn bùng phát từ tháng 4 năm 2008 là 120.000 acres và đến năm 2010 tăng lên 500.800 acres. Sau khi áp dụng các biện pháp phòng trừ, nhận thấy biện pháp nhân nuôi và thả phóng thích ong Anagyrus lopezi với 300 cặp/ha có hiệu quả rất tốt. Tính đến tháng 5 năm 2013, diện tích nhiễm rệp sáp bột hồng trên cây sắn tại Thailand giảm còn lại 161 acres (1 acre = 0,4 ha).

Tại tỉnh Tây Ninh, nơi đầu tiên ở Việt Nam công bố dịch rệp sáp bột hồng hại sắn vào cuối tháng 5 năm 2013 đã áp dụng khá thành công biện pháp quản lý rệp sáp bột hồng hại sắn bằng phương pháp nhân nuôi và thả phóng thích ong kí sinh dưới sự giúp đỡ của chuyên gia Thailand. Kết quả bước đầu ghi nhận hiệu quả kiểm soát rệp sáp bột hồng hại sắn tại Tây Ninh rất tốt, diện tích nhiễm giảm rõ rệt. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh cho biết sử dụng ong Anagyrus lopezi kiểm soát rệp bột hồng hại sắn rất an toàn, hiệu quả và không gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên rất cần có sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước về kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo con người khi tham gia chương trình.

Đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, rệp sáp bột hồng đã xuất hiện và gây hại trên cây sắn đang là vấn đề thời sự được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt các cơ quan chuyên môn. Căn cứ vào nội dung làm việc giữa lãnh đạo Chi cục TT&BVTV với Trung tâm BVTV phía Nam vào ngày 10/9/2013 về việc đề xuất biện pháp phòng trừ rệp sáp bột hồng hại sắn trong giai đoạn hiện nay. Sau khi thảo luận và đáng giá cho thấy, mặc dù diện tích nhiễm trên địa bàn chưa cao, mức độ gây hại chưa nghiêm trọng, tuy nhiên việc triển khai các biện pháp tròng trừ rệp sáp bột hồng trên địa bàn là rất cần thiết và nên đi theo hướng bền vững lâu dài, đó là áp dụng biện pháp phòng trừ sinh học. Theo nguồn thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện Chi cục đang xây dựng kế hoạch quản lý rệp sáp bột hồng hại sắn bằng ong kí sinh.


Related news

Bệnh virus khảm lá sắn Bệnh virus khảm lá sắn

Đây là đối tượng dịch hại mới và lần đầu tiên xuất hiện gây hại ở nước ta. Tác nhân gây bệnh do virus – tên khoa học: Sri Lanka Cassava Mosaic Virus.

Friday. January 11th, 2019
Kỹ thuật bón phân cho cây khoai mì Kỹ thuật bón phân cho cây khoai mì

Cây khoai mì còn có tên gọi khác là cây sắn. Khoai mì không kén đất, song đất thích hợp là loại đất nhẹ tơi xốp và thoát nước tốt, pH 4,5-7,5.

Monday. January 14th, 2019
Tiến bộ kỹ thuật mới: Sử dụng ong ký sinh (Anagyrus lopezi) để quản lý rệp sáp bột hồng Tiến bộ kỹ thuật mới: Sử dụng ong ký sinh (Anagyrus lopezi) để quản lý rệp sáp bột hồng

Tiến bộ kỹ thuật mới: Sử dụng ong ký sinh (Anagyrus lopezi) để quản lý rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihot) hại sắn (Manihot esculenta Crantz)

Tuesday. January 15th, 2019