Sử Dụng Đúng Các Loại Thuốc, Hóa Chất Nâng Cao Sản Lượng Tôm Nuôi
Muốn vụ nuôi thành công, tôm nuôi đạt sản lượng cao đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố: thức ăn, con giống, quản lý môi trường ao nuôi… Trong đó, yếu tố liều lượng của các loại thuốc, hóa chất được người nuôi sử dụng góp phần rất lớn trong việc nâng cao sản lượng tôm nuôi.
Trong tất cả các loại hình nuôi tôm hiện nay, đa số người nuôi tôm đều sử dụng thuốc, hóa chất để bảo vệ môi trường trong suốt vụ nuôi. Đặc biệt, ở loại hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) do mức độ thâm canh cao nên nhu cầu chất lượng môi trường để bảo đảm cho tôm phát triển tốt trong suốt vụ nuôi là tất yếu.
Đối với nhóm thuốc, hóa chất
Khi sử dụng thuốc, hóa chất cho ao nuôi, ngoài theo dõi hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất thì người nuôi cần phải kết hợp các yếu tố khác như: thời điểm sử dụng, điều kiện môi trường thực tế của ao nuôi cho từng loại hóa chất.
Đối với Chlorine: Tùy thuộc vào hàm lượng Chlorine có trong Calci hypochloride, pH ao nuôi, hàm lượng chất hữu cơ, độ trong của nước, ammoniac… mà người nuôi sử dụng liều lượng phù hợp. Nếu dùng khử trùng đáy ao thì liều lượng là 50-100 ppm, khử trùng nước dùng 20-30 ppm, khử trùng các loại dụng cụ dùng 200-220 ppm. Xử lý ký sinh trùng ao nuôi dùng 0,1-0,2 ppm.
Người nuôi cần lưu ý phổ diệt trùng của Chlorine rất rộng, nên các vi khuẩn có lợi trong nước và đáy ao có thể bị diệt, làm cho đáy ao bị trơ và nước khó lên màu. Khi đó cần sử dụng các loại men vi sinh để khôi phục lại hệ vi sinh của đáy ao cũng như gây màu nước.
Khi dùng Chlorine để sát trùng nước, dư lượng của khí Clo có thể gây độc cho vật nuôi, đặc biệt trong những ngày đầu thả giống. Do vậy cần trung hòa Chlorine bằng Natri thiosulfate với liều lượng 1 kg/1.000 m3 nước, sau đó mới sử dụng.
Với thuốc tím KMnO4 dùng để khử trùng nước: 4-5 ppm trước khi thả nuôi. Diệt tảo với nồng độ: 1-2 ppm cho ao đang nuôi. Ngoài ra, thuốc tím là chất oxy hóa mạnh nên lưu ý vào thời điểm nắng nóng làm độ mặn tăng cao thì việc sử dụng KMnO4 quá nhiều sẽ làm ion MnO4 chuyển hóa thành MnO2 gây độc cho tôm nuôi. MnO2 là sản phẩm oxy hóa cuối cùng giữa thuốc tím và các chất hữu cơ tạo thành chất gây độc đối với động vật nuôi.
Đối với nhóm vi sinh
Anh Nguyễn Công Quốc, Trưởng Phòng quản lý nuôi thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Cà Mau, khuyến cáo: “Nếu người nuôi không tìm hiểu kỹ các loại thuốc, hóa chất trước khi sử dụng thì ao nuôi sẽ mất oxy gây nguy hiểm cho tôm, cá.
Cách nhận biết các loại thuốc, hóa chất bằng cảm quan trên thị trường hiện nay, nếu trên bao bì, nhãn mác của chai sành màu đen thì đa số sử dụng vào thời điểm ban đêm. Còn những loại hóa chất bằng chai nhựa thì sử dụng vào ban ngày và phải đúng liều để tránh thiệt hại cho tôm nuôi”.
Thường người nuôi tôm sử dụng Pondlus, ENCHOICE thành phần gồm những vi sinh vật có lợi như: Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis có tác dụng làm giảm chất thải hữu cơ gồm: thức ăn thừa, phân tôm, xác động, thực vật…, làm giảm chất độc, cải thiện chất lượng nước. Thời điểm sử dụng tốt nhất 8-9 giờ sáng, liều lượng sử dụng thường người nuôi thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, người nuôi tôm cần biết về hoạt tính của các loại thuốc, hóa chất khi tiếp cận và sử dụng. Thường những nhóm thuốc, hóa chất chứa thành phần iodin có hoạt chất chính là chất oxy hóa khi gặp ánh sáng sẽ mất hoạt tính, không còn tác dụng. Những chất nằm trong nhóm BKC thì ngược lại do có đặc tính hấp thu oxy nên không sử dụng vào ban đêm.
Ông Nguyễn Văn Đô, ấp Rạch Bần, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Trời, đã 10 năm nuôi tôm công nghiệp và hơn 6 năm sử dụng vi sinh trong nuôi tôm, ông chia sẻ: “Thường tôi sử dụng liều lượng cao hơn nhà sản xuất 1,2-1,5 lần. Nhờ vậy sản lượng tôm nuôi của tôi không ngừng tăng theo từng năm. Riêng năm 2010, với 1 ha nuôi sản lượng 9-10 tấn tôm loại 28 con/kg so với những năm trước chỉ 5-6 tấn tôm”.
Đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp mới phát sinh đầm nuôi mới thì biện pháp quản lý môi trường ao nuôi bằng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học (CPSH) và thức ăn đúng liều lượng, nồng độ là cần bám sát, học hỏi kinh nghiệm từ người đã nuôi lâu năm rất cần thiết.
Cần xem kỹ nhãn mác hướng dẫn về liều lượng sử dụng ghi trên các loại thuốc, hóa chất và áp dụng đúng thời điểm để mang lại hiệu quả cao trong quá trình sử dụng. Theo đó, nên liên hệ trực tiếp với cán bộ khuyến ngư tại địa phương khi có nhu cầu sử dụng thuốc, hóa chất.
Khi sử dụng các loại CPSH ngoài sử dụng đúng nồng độ và liều lượng thì thời điểm sử dụng sao cho CPSH đạt hiệu quả cao nhất còn tùy thuộc vào sự hiểu biết của người sử dụng. Tốt nhất là thời điểm 2 giờ chiều, hay lúc thời điểm nhiệt độ nước ao nuôi phù hợp nhất trong ngày để vi sinh nhân khối.
Ông Tiết Tiến Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau, cho biết: “Người dân cứ ngỡ cho vi sinh xuống là tốt cho môi trường nhưng thật ra nếu đưa vi sinh xuống ao không đúng thời điểm và liều lượng sẽ không có tác dụng. Người nuôi tôm cần phải hiểu được bản chất của từng loại chất sử dụng khi cho xuống ao để cải tạo môi trường”.
Để ngành kinh tế mũi nhọn Cà Mau phát triển bền vững, ngoài áp dụng đúng khâu kỹ thuật vào ao nuôi thì người nuôi tôm cần quan tâm hơn về liều lượng các loại thuốc, hóa chất trong quá trình sử dụng nhằm nâng cao năng suất tôm nuôi và góp phần rất lớn trong khâu ổn định môi trường và phòng ngừa dịch bệnh trong vùng nuôi.
Related news
Mới đây, một dòng vi khuẩn Vibrio mới đã được phân lập từ các hệ thống nuôi tôm tại Thượng Hải, Trung Quốc trên những cá thể tôm được xác định là mắc phải EMS
Nghiên cứu ra một chất Poly hydroxyl isocopalane từ loài xốp biển Callyspongia sp có khả năng chống lại virus hội chứng đốm trắng trên tôm thẻ chân trắng
Hội chứng tôm chết sớm (EMS) được gây ra bởi nhóm vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus. Bệnh xuất hiện đầu tiên ở miền Nam Trung Quốc năm 2009 và ngày càng lan rộng
Bệnh tôm được coi là nguyên nhân hàng đầu cho các thiệt hại của nghề nuôi tôm. Lịch sử của nghề nuôi tôm đã ghi nhận những đại dịch ở quy mô toàn thế giới
Nguyên nhân chính gây ra bệnh đã chứng minh được ở ĐH Arizona là do 1 dòng của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hiện diện trên đường ruột của con tôm.