Sử dụng bồn nylon cải thiện năng suất nuôi lươn trên cạn
Với mô hình sử dụng bồn nylon nuôi lươn trên cạn, người nuôi không cần dùng nước mà lươn vẫn sống tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi lươn trên cạn trong bồn nylon cho nông dân năng suất, thu nhập cao. Lươn nuôi trong bồn nylon phát triển khá đồng đều.
Theo tin tức từ Zing News, người dân tại các huyện ở An Giang, Đồng Tháp đang đổ xô nuôi lươn trên cạn vào mùa nước lũ do mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và cách nuôi không quá phức tạp. Lươn là loài sống dưới bùn, nhưng với mô hình này, người nuôi không cần dùng nước mà lươn vẫn sống tốt, cho hiệu quả kinh tế.
Người dân tận dụng đất trống hai bên đường hoặc xung quanh nhà, đóng cọc xung quanh rồi trải nylon làm ô bao để nuôi. Bể nuôi thông thường có chiều dài khoảng 4m, ngang 2 - 2,5m, cao 1m trở lên. Trong bể, người nuôi bỏ đất bùn và các loại cây như lục bình, thân cây ngô, cây sậy, rơm khô, lá chuối... làm chỗ cho lươn trú ngụ.
Ông Nguyễn Văn Xuẩn, thành viên câu lạc bộ Nông dân ấp Vĩnh Lợi là một trong những nông dân đầu tiên tại xã này nuôi lươn trong bồn nylon. Với lượng lươn giống ban đầu là 400 kg (bình quân 25 - 30 con/kg), sau 7 - 9 tháng nuôi, ông Xuẩn thu hoạch được khoảng 980 kg lươn thịt.
Giá bán bình quân 70.000 - 140.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lãi gần 29 triệu đồng. Vào mùa nước nổi các năm sau đó, ông Xuẩn mở rộng diện tích và gần như mùa nào cũng thu lợi hơn 40 triệu đồng từ mô hình nuôi lươn trên cạn.
Để nuôi lươn trong bồn nylon, nên chọn nơi khu vực đất cao, hướng về phía mặt trời, tránh gió bão, nguồn nước phong phú, chất lượng nước tốt. Diện tích xây bồn từ 10 - 30 m2 là thích hợp nhất, chỉ cần mua bạt nylon không thấm nước là có thể xây dựng thành bồn nuôi.
Chiều cao mỗi bồn từ 1 - 1,3 m, bỏ đất ruộng (đang canh tác) vào trong hồ lươn khoảng 1/2 - 2/3 diện tích để cho lươn chui vào đó cư trú. Nên độn thêm rơm, cây chuối mục để tạo môi trường tốt hoặc cho lục bình hay trồng rau mác, rau dừa vào trong hồ để tạo bóng râm trong bồn.
Mực nước trong bồn nuôi từ 20 - 30 cm, mực nước sâu quá, ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của lươn. Lươn là loài không ưa ánh sáng nên trước khi bố trí bồn nuôi, phải có mái che hoặc làm giàn trồng cây leo tránh được sự thay đổi môi trường một cách đột ngột.
Chọn con giống: Nguồn lươn ngoài tự nhiên càng lúc càng cạn kiệt, việc sinh sản nhân tạo của lươn hiện nay còn rất hạn chế, đa phần người nuôi phải mua của người dân xúc ủ, đặt trúm, đánh bắt bằng xung điện...
Lươn có 3 loại (theo màu sắc). Loại I: lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Loại II: màu vàng xanh, phát triển bình thường. Loại III: màu xám tro, chậm lớn. Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 - 60 con/kg. Lươn giống thả nuôi phải đồng cỡ, không bị sây sát, khỏe mạnh. Mật độ thả nuôi tốt nhất từ 60 - 80 con/m2.
Cách cho ăn: Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 - 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn hai lần/ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu là các loại cá đồng, ốc bươu vàng, cua hoặc cá biển mua về xay ra cho ăn.
Trong quá trình chăm sóc, khi cho lươn ăn, cần phải nắm vững nguyên tắc “4 định”: (định chất, định lượng, định thời gian, định vị trí) để điều chỉnh thức ăn cho hợp lý. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn dư trong bồn từ 1 - 2 giờ nên vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước, theo thông tin từ Trang tin điện tử Việt Linh.
Related news
Tháng 9, tháng 10 âm lịch, bãi thoi thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lại trở nên nhộn nhịp bởi người dân bắt đầu vào mùa thu hoạch rươi
Đánh giá hiệu quả và khả năng nhân rộng dự án nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Nuôi lươn trong bể lót bạt không đòi hỏi diện tích lớn; kỹ thuật đơn giản; không tốn nhiều chi phí con giống, thức ăn, thời gian chăm sóc lại cho năng suất cao.