Sốt giống bơ ngoại
Lãi cao
Những ngày này, đến bất cứ nơi nào của tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đều nghe người dân bàn tán về việc trồng thành công giống bơ nhập khẩu từ Mỹ có tên gọi là bơ Booth.
Ông Nguyễn Khắc Ngữ ở thôn Đức Thành, xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) chia sẻ, giống bơ Booth và bơ Hass có xuất xứ từ Mỹ, được gia đình ông nhập về từ Úc năm 2003 và trồng trên 10 ha đất của gia đình. Đến nay, vườn bơ của ông Ngữ đã cho thu hoạch được 5 năm.
Ông Ngữ hào hứng cho biết: "Năm 2004, trong một chuyến du lịch thăm người thân ở Úc, tôi mua về 3 cây giống bơ Booth. Trồng giống bơ quý này được 2 năm, tôi bắt đầu lấy chồi ghép với các gốc bơ cũ để cải tạo vườn cây. Từ năm thứ 2, những cây bơ Booth ghép mạnh khỏe đã bắt đầu cho quả, đến năm thứ 5 có cây cho từ 2 - 3 tạ quả/vụ.
“So với cà phê, trồng bơ hiệu quả hơn hẳn do đầu tư ít, thu nhập lại cao hơn trên cùng một diện tích. Trồng bơ Booth thì lợi nhuận càng nhiều hơn do trái vụ, năng suất và giá bán lại cao hơn. Bơ nội địa bình quân khoảng 10.000 đồng/kg thì bơ Booth có giá tại vườn từ 75.000 đồng/kg trở lên”.
Với cây bơ Booth, chỉ cần dọn vườn rồi đào hố vừa phải, bón lót phân chuồng xong đợi khi mùa mưa đến thì xuống giống. Hiện nay, không chỉ tôi mà vườn cây của hơn 10 hộ khác trong vùng đều sinh trưởng mạnh, cành to, khỏe, khả năng phát triển cành, tán khá mạnh, tỉ lệ ra hoa đậu quả cao. Trồng bơ Booth là một cơ hội làm giàu mới cho bà con nông dân, ông Ngữ nói thêm.
Khi thị trường xuất hiện thêm những giống bơ cao sản ngoại nhập khác, ông Ngữ cũng chủ động mua về bổ sung cho vườn của mình thêm bơ Hass được cả thế giới ưa chuộng. Bơ Hass là giống bơ đặc biệt, thích hợp với khí hậu Tây Nguyên. Giống bơ được đưa nguyên cây từ Úc về phát triển rất tốt, cho trái đồng đều, chất lượng hoàn toàn giống với thế giới. Đây là giống bơ độc nhất chỉ có ở trang trại ông Ngữ tại Việt Nam.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Kiến Phương ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong, Đắk Nông) cũng hân hoan trong niềm vui sau sự khởi đầu thành công từ cây bơ Booth.
Anh Phương cho biết: "Hiện gia đình có 3 trang trại, tổng diện tích trên 20 ha, cây trồng chủ yếu là bơ Booth trái vụ. Đến nay, bơ đã đi vào kinh doanh được hơn 2 năm. Đây là kết quả sau nhiều năm gian khổ bám trụ tại vùng đất đầy khắc nghiệt này và đã giúp gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân nơi đây đạt được giấc mơ đổi đời.
Theo anh Phương, toàn bộ trang trại của anh nằm trong khu vực đèo 52, đoạn giáp ranh giữa 2 huyện Đắk Glong và Krông Nô, vốn là một vùng núi cao, khe sâu, với thổ nhưỡng phần lớn diện tích là… đá cháy. Thế nhưng, anh đã không ngại kiên trì động viên mọi người trong xóm cải tạo đất hoang, học hỏi người dân bản địa cách trồng hoa màu, chăn nuôi để ổn định cuộc sống.
Trước khi quyết định chọn cây bơ để thay cho hoa màu, anh đã đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc tại Trung tâm thực nghiệm của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các nhà vườn của tỉnh Đắk Lắk. Có thể nói, cây bơ không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương. Qua hơn 5 năm trồng, bước vào vụ thu hoạch đầu tiên anh đã lấy lại vốn.
Lợi nhuận cả tỷ đồng/ha
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn bơ đang giai đoạn sung sức, anh Phương giải thích, ưu điểm của giống bơ này là cho thu hoạch sau vụ bơ chính khoảng 2 - 3 tháng (từ tháng 8 - 10).
Đặc biệt, loại bơ này quả to và đều, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao, trung bình khoảng 2 quả/kg. Việc đầu tư trồng bơ hiện nay không đòi hỏi nguồn vốn lớn, với 1 ha đất chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng gồm tiền giống, công, phân bón và trong 2 năm đầu thực hiện “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách trồng xen hoa màu là có thể có vườn bơ rồi. Từ năm thứ 5, vườn cây sẽ cho thu lãi lớn, năng suất bình quân đạt trên 80 tấn quả/ha, các năm tiếp theo sẽ tăng cao hơn.
Với hướng đi hiệu quả này, tin chắc rằng nền kinh tế nông thôn của tỉnh Đắk Nông nói riêng và của khu vực Tây Nguyên nói chung đang có chuyển dịch mạnh mẽ nhờ cơ cấu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Hiện trang trại của anh Phương đã trồng được 4.000 cây với khoảng cách 7m x 7m, mỗi ha trồng trên dưới 200 cây. Hiện hơn 1.000 cây bơ của anh đã cho trái, cây rất lớn và nhiều trái, rất ít bị sâu bệnh.
Nếu tính ra mỗi cây bơ cho thu hoạch 200 kg, mức giá trung bình là 50.000 đồng/kg thì một cây bơ cũng đem về trên 10 triệu đồng. Với 1.000 cây, gia đình thu về cả chục tỷ đồng/năm, tính ra lợi nhuận lên đến cả tỷ đồng/ha. Việc chăm sóc giống bơ nhập ngoại này cũng giống như những cây bơ khác.
Đặc biệt, việc tiêu thụ trái bơ Booth thương phẩm rất thuận lợi. Khi đến mùa thu hoạch, chỉ cần điện thoại là thương lái đánh xe đến tận vườn thu mua nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi ngày có cả chục thương lái khắp nơi kéo về tận vườn lùng sục, thu mua cung cấp cho thị trường.
Còn bây giờ, với gần 20 ha bơ trong vùng đã được anh Phương thu gom hết để đưa đi tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… nên người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 40 ha trồng bơ Booth, đây là một đối tượng cây trồng mới, đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống trong tỉnh.
Viện KHKT nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã khảo nghiệm và nhân giống thành công 4 giống bơ nội địa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, gồm giống H1, H2, H3, H4, 2 giống bơ nhập từ Úc và Mỹ lần lượt là giống bơ Booth 7 và giống bơ Hass.
Các dòng bơ nói trên của trang trại có rất nhiều trái, trái có màu xanh đậm, trọng lượng từ 0.5 - 0.7kg/trái. Cơm sáp, dẻo, có màu vàng chanh, hạt nhỏ . Ở độ tuổi 4 - 5 cây bơ cao khoảng 4m, trái trĩu cành. Vào đầu tháng 3 bắt đầu có trái và tới đầu tháng 8 có thể thu hoạch, khi đó bơ mùa đã hết, giá thị trường cao.
Related news
Chỉ những gié lúa lép xẹp trên đồng, ông Nguyễn Hoàng Lượm (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch) rầu rĩ cho biết, nhà ông trồng gần 3ha lúa nhưng có đến hơn 1 công (1 công = 1.000m2) mất trắng vì lúa không kết hạt.
Đó là quan điểm của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia trong việc quản lý và cung cấp cho người nuôi tôm những con giống chất lượng cao.
Thông tin từ Sở NNPTNT Bạc Liêu, thực hiện mô hình tưới ngập khô xen kẽ trong chương trình "1 phải - 5 giảm" và ứng phó với tình trạng khô hạn