Sôi động thị trường cá tra
Thống kê của VASEP cho thấy, sau khi sụt giảm liên tục trong hai năm 2019, 2020, xuất khẩu cá tra đã bật tăng trở lại trong tháng 3/2021 và sang tháng 4/2021 vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, cho thấy thị trường giao thương mặt hàng này đang dần hồi phục.
Nhu cầu tăng mạnh
Đầu tháng 3/2021, xuất khẩu cá tra đã dần hồi phục trở lại khi đạt 137 triệu USD, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 lên 336 triệu USD, tăng 0,6%. Đến tháng 4/2021, xuất khẩu cá tra đạt 142 triệu USD, tăng 14,5% so tháng 3/2020 và tăng 3,6% so tháng 3/2021.
Thị trường Mỹ, giá cá tra nhập khẩu tăng khoảng 6 – 7% kể từ cuối tháng 2/2021. Giá fillet cá tra tại Mỹ đã tăng từ 1,6 – 1,65 USD/pound (tương đương 81.000 – 83.500 đồng/kg) hồi cuối tháng 2/2021 lên 1,7 – 1,75 USD/pound (tương đương 86.000 – 89.000 đồng/kg). Đây sẽ vẫn là thị trường có ảnh hưởng lớn đến kết quả xuất khẩu cá tra, duy trì tăng trưởng dương trong năm.
Thị trường Trung Quốc cũng sôi động trở lại khi việc mua bán đi lại tại quốc gia này được “cởi trói” hơn so với năm 2019. Dự báo, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tháng 5/2021 và những tháng tới sẽ hồi phục mạnh hơn, khi nước này dần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thương tại các cảng biển và nới lỏng các thủ tục kiểm soát COVID-19 đối với thủy sản nhập khẩu, nhất là thủy sản đông lạnh.
Tín hiệu vui cho xuất khẩu cá tra là hiện nay Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh đáng kể tại thị trường châu Âu. Theo thông tin từ VASEP, hầu hết các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU đều có xuất xứ từ Việt Nam. Các nhà cung cấp Việt Nam và các nhà nhập khẩu châu Âu đã xây dựng được mối quan hệ bền vững và lâu dài với nhau; do đó Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao. Bangladesh và Trung Quốc là những quốc gia khác xuất khẩu sản phẩm cá tra sang EU, nhưng với khối lượng không đáng kể so với Việt Nam.
Tại Anh, với Hiệp định UKVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này năm 2020 đạt 65,6 triệu USD, tăng 48% so năm 2019. Dự kiến năm 2021, mức tăng trưởng xuất khẩu cá tra sang Anh có thể tăng trưởng ít nhất là 10% so năm trước.
Nga là thị trường thu hút nhiều chú ý trên bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam 3 tháng đầu năm nay. Đây vốn là thị trường truyền thống tiềm năng của các doanh nghiệp trong giai đoạn 10 năm trở về trước. Tuy nhiên, với chính sách nhập khẩu khác biệt so với các thị trường khác, nên các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này cũng trải qua nhiều diễn biến thăng trầm. Trong quý I/2021, thị trường này nổi bật về mức tăng trưởng lên tới 126,3% so cùng kỳ năm trước, đạt 10 triệu USD.
Tín hiệu tích cực từ sản xuất, chế biến
Những tín hiệu lạc quan về thị trường, đặc biệt là từ các hiệp định thương mại tự do đã giúp các doanh nghiệp và người nuôi cá tra tin tưởng, tập trung đầu tư mở rộng nuôi trồng, chế biến phục vụ xuất khẩu.
Sản lượng cá tra thu hoạch quý I/2021 ước đạt 321,8 nghìn tấn, tăng 0,8% so cùng kỳ năm trước, chiếm gần 47% sản lượng cá nuôi trồng và chiếm 34,2% tổng sản lượng thủy sản. Mục tiêu ngành cá tra năm 2021, sản lượng đạt ít nhất 1,65 triệu tấn; chế biến xuất khẩu là 1,6 tỷ USD, tăng 5% so năm 2020.
Các doanh nghiệp ngành cá tra đang mạnh dạn đầu tư và đổi mới các dây chuyền, đa dạng hóa sản phẩm. Năm 2021, dây chuyền mở rộng sản xuất collagen và gelatin của Vĩnh Hoàn tăng thêm 1.500 tấn thành phẩm/năm chính thức đi vào họat động, tăng 75% công suất so năm 2020. Các chuyên gia tin rằng dây chuyền nâng cấp của Vĩnh Hoàn sẽ đạt 50% công suất vào năm 2021 và 80% công suất vào năm 2022; từ đó, doanh thu mảng này đạt khoảng 1.000 tỷ đồng năm 2021, tăng 60% so năm 2020.
Chú trọng vào chất lượng
Nhu cầu cá tra nguyên liệu tăng cao và “đòn bẩy” là các hiệp định thương mại tự do, ngành cá tra kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm hơn nữa, để có thể đứng vững và phát huy lợi thế từ thị trường.
Như với thị trường EU, doanh nghiệp cần phải đảm bảo các sản phẩm được xử lý và dán nhãn chính xác cũng như tuân theo tất cả các yêu cầu bắt buộc của thị trường này, nếu không chúng có thể bị từ chối tại biên giới hoặc không bán được. Thủy sản dành cho thị trường châu Âu thường được kiểm tra trước khi vận chuyển, đôi khi trong phòng thí nghiệm của chính người mua, hoặc trong các phòng thí nghiệm được công nhận (độc lập). Các quy tắc của EU về vệ sinh thực phẩm, bao trùm tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối và đưa ra thị trường đối với tất cả thực phẩm dùng cho người.
Các sản phẩm bị phát hiện không tuân thủ quy định ATTP sẽ bị báo cáo trong Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF). Nếu doanh nghiệp nào nằm trong danh sách đó, các container hàng của công ty sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng tại cảng nhập. Việc kiểm soát này có thể mất từ 2 đến 3 tuần sau khi đến cảng. Mọi chi phí phát sinh, doanh nghiệp sẽ phải trả với tư cách là nhà xuất khẩu.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 16%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 10,3%; Brazil tăng 17%; Colombia tăng 33,4%; Mexico tăng 22,7%; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) tăng 35% và Nga có mức tăng trưởng mạnh nhất so cùng kỳ năm 2020, lên tới 104%.
Related news
Theo những người sáng lập Manolin *, việc sử dụng dữ liệu hiệu quả có khả năng thay đổi sức khỏe cá trong ngành nuôi trồng thủy sản.
Các nhà nghiên cứu lạc quan về khả năng phát triển một loại vắc xin uống chống lại bệnh sán lá gan nhỏ ở cá rô phi, sau những thử nghiệm đầy hứa hẹn ở Thái Lan.
Việc chăn nuôi tôm ngày nay có xu hướng phát triển mạnh mẽ do công nghệ được nâng cấp nhằm đạt được hiệu suất cao hơn và sản xuất thành công.