Sau thu hoạch, nông dân Hà Tĩnh tất bật chăm sóc cây bưởi
Để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh cho cây bưởi giai đoạn sau thu hoạch, thời điểm này người trồng bưởi Hà Tĩnh đang tiến hành các biện pháp kỹ thuật làm đất, bón phân cho cây.
Sau khi thu hoạch, cây bưởi cần được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật
Tầm 1 tháng nay, gia đình bà Hoàng Thị Lan (Hương Trạch – Hương Khê) tập trung chăm sóc 80 cây bưởi vừa cho thu hoạch. Bà Lan cho biết: “Vụ vừa rồi, nhà tôi bán trên 3.000 quả bưởi, trị giá trên 80 triệu đồng. Giai đoạn sau thu hoạch là thời điểm bưởi cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Người trồng chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật thì cây mới tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, vụ sau bưởi mới ra hoa, đậu quả cao. Do vậy thời gian này, nhà tôi đang tập trung bón phân chuồng, đạm, lân supe, kali clorua, vôi bột theo tỷ lệ thích hợp cho bưởi”.
Gia đình ông Lê Văn Minh (xã Thượng Lộc – Can Lộc) cũng đang tất bật chăm sóc gần 60 gốc bưởi 4 năm tuổi. Theo ông Minh, bón phân cũng cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. "Sau khi thu hoạch, chúng tôi tiến hành vệ sinh vườn sạch sẽ, tỉa cành tạo tán, đồng thời bón phân giúp cây phục hồi thân lá, phát triển bộ rễ mới với lượng phân 25% đạm + 25% lân + 100% phân chuồng + 100% vôi.
Trước khi bón phân, phải đào rãnh quanh tán gốc rộng chừng 25 cm, sâu tầm 30 cm, trộn và rải đều phân quanh rãnh, lấp đất kín, kết hợp tưới nước. Ngoài ra, để phòng trừ cỏ dại và bảo vệ gốc bưởi sau mỗi trận mưa lớn, nhà tôi còn tủ gốc bằng rơm rạ, cây phân xanh...” - ông Minh chia sẻ.
Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có 2.805 ha bưởi, tập trung ở các huyện Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà... Những năm gần đây, người sản xuất đã tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, một số diện tích vẫn xảy ra tình trạng chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật, nhất là giai đoạn sau thu hoạch, dẫn đến sâu bệnh hại, ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm những vụ sau.
Theo ngành chuyên môn, nếu bưởi sau thu hoạch không được chăm sóc cẩn thận, dinh dưỡng không cân đối, đất thiếu hữu cơ sẽ dẫn đến tình trạng cây còi cọc, chậm phát triển. Nếu mật độ cây quá dày, thiếu ánh sáng cộng với địa hình đất thấp trũng, độ ẩm cao lại thường xuyên bị ngập nước sẽ dễ phát sinh sâu bệnh.
Do đó, để hạn chế sâu bệnh, người trồng bưởi cần xây dựng hệ thống thoát nước tốt, bón phân cân đối. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra mức độ phát sinh gây hại của bệnh, nhất là những vùng hàng năm thường bị bệnh gây hại nặng để phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Huân – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, làm đất, bón phân cho bưởi sau thu hoạch một cách cụ thể, khoa học. Các địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt cũng như chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh hại cho bưởi.
Theo đó, cần điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo kịp thời, chính xác các đối tượng sâu bệnh như: Bệnh loét, sẹo, bệnh nứt thân xì mủ, vàng lá thối rễ, sâu vẽ bùa, rệp... để có biện pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả bằng thuốc hóa học. Lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người trồng phải đọc kỹ hướng dẫn in trên bao bì, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách) để phát huy tối đa hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật”.
Related news
Với mô hình trang trại tổng hợp có liên kết đầu ra, ông Trịnh Tuấn Anh đã vượt qua thời kỳ “bão giá”. Mỗi năm, trang trại 2,5 ha của ông cho lãi trên 500 triệu
Ngoài hoa hồng chiếm ưu thế, còn có hoa đồng tiền (cúc đồng tiền) người tiêu dùng rất thích mua, trưng trong nhà với quan niệm “lúc nào tiền cũng đầy nhà”
Anh Huỳnh Công Chánh (An Giang) trồng 6ha cam sành trên đất phèn, cùng với sản xuất lúa giống chất lường cao, thu trên 1,2 tỷ đồng/năm.