Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn
Các mô hình này được giới thiệu, chia sẻ trong chương trình “Sáng kiến nông dân” do Hội Nông dân huyện Đăk Glong, Oxfam và Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) tổ chức sáng 10.3 tại địa phương này.
Thay đổi nhờ tổ hợp tác
Có mặt tại buổi giao lưu, anh Nguyễn Trọng Thượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) Tân Tiến (xã Đăk P’Lao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông) hào hứng chia sẻ về mô hình nuôi dê của các thành viên trong nhóm.
Kết thúc chương trình, ban tổ chức trao 2 giải Sáng kiến nông dân tặng THT Tân Tiến với mô hình nuôi dê và nhóm nông dân Cùng nhau phát triển ở xã Đăk Ha với mô hình tổ chức Gala văn hóa giữa các dân tộc thiểu số trong vùng.
Được thành lập từ tháng 8.2014 với nền tảng kinh tế không đồng đều giữa các xã viên, anh Thượng cũng như nhiều bà con trong THT rất khó khăn trong việc tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế. Sau nhiều lần họp bàn,THT Tân Tiến quyết định đổi công, đi làm rẫy cho nhau nhưng không lấy tiền công. Số tiền này dùng để xây dựng hai mô hình nuôi dê thử nghiệm.
“Chỉ từ 6 con dê ban đầu, đến nay, THT đã có 21 con dê giống, các xã viên cùng nuôi. Dê thì cứ thả nó tự kiếm ăn rồi chiều cả đàn cùng tự về chuồng. Dê sinh nở đơn giản, đẻ 2 lứa một năm. Chăm sóc dê còn dễ hơn nuôi bò”, anh Thượng vui vẻ. Với mô hình này, năm 2015, anh Thượng đoạt giải Ba cuộc thi Sáng kiến nông dân của huyện Đăk Glong.
Trong khi đó, chỉ mới 27 tuổi nhưng anh nông dân Đinh Văn Phong, Tổ trưởng THT Cà phê A-Z lại khá quyết tâm với mô hình sản xuất, chế biến cà phê bền vững. Phong chia sẻ, nhiều lần trăn trở về công việc trồng, hái rồi bán cà phê cho thương lái, quần quật quanh năm nhưng nhiều lúc thu về không đủ để đầu tư cho vụ sau.
Trên cơ sở đó, Phong cùng một số nông dân trong vùng xây dựng chuỗi cà phê từ A-Z, từ trồng, hái rồi chế biến thành thành phẩm rồi tự tìm mối bán. Phong cũng nhờ một số người quen tư vấn in bao bì, thiết kế website, quảng cáo sản phẩm…
“Nhóm chưa có nhiều kinh phí nên đang chế biến ở mức độ bán thủ công. Tụi em dùng một cái lồng tự chế bằng inox rồi rang xay cà phê, có thể chế biến 4 – 5kg/mẻ. Sắp tới, tổ sẽ đầu tư việc chế biến bài bản hơn”- Phong khẳng định.
Phải là nông dân toàn cầu
Tại buổi giao lưu “Sáng kiến nông dân”, nhiều ý kiến cho rằng việc khuyến khích các mô hình sản xuất, kinh doanh sáng tạo là rất cần thiết trong thời buổi hiện nay. Các sáng kiến của nông dân thường xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên dễ thành công.
Ông Mai Thanh Tùng – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Đăk Glong cho rằng, những sáng kiến thành công của nông dân thường được thực hiện theo nhu cầu thiết thực của cuộc sống. Do đó, trước khi đầu tư một mô hình sản xuất, việc suy nghĩ, tìm câu trả lời cho câu hỏi sản phẩm làm ra bán cho ai, đáp ứng nhu cầu của những thị trường nào là việc rất quan trọng.
Còn theo ông Lê Quang Dần – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong, thời buổi kinh tế thị trường, bà con nông dân phải chuyển từ thế bị động sang chủ động. Dựa trên những phương pháp, kỹ thuật sản xuất hiện có, bà con nông dân cải thiện sang tạo thêm để tạo ra những cái mới, đáp ứng nhu cầu cuộc sống sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động.
“Bà con đừng ngại rằng chúng ta ở vùng sâu, vùng xa. Nông dân bây giờ cũng phải là nông dân toàn cầu, tham gia vào WTO, TPP, AEC… Dần dần, nông nghiệp phải hướng tới môi trường hội nhập, mở rộng thị trường rộng lớn hơn chứ không chỉ bó hẹp trong một thôn, một xã…”- ông Dần nói.
Trong khi đó, anh Đinh Văn Phong cho rằng, chính quyền địa phương cần công bố, cập nhật thông tin nông nghiệp của từng vùng cụ thể, các thông tin quy hoạch, mục tiêu phát triển… để tránh trường hợp nông dân đầu tư trồng cà phê ở vùng quy hoạch trồng tiêu của huyện, vừa gây tốn kém, vừa không mang lại hiệu quả lâu dài.
Ông Đặng Cảm – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đăk Glong cũng cho rằng, do đặc điểm địa lý cách trở nên trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Đăk Glong gặp nhiều khó khăn. Dẫu vậy, địa phương khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo để mang lại hiệu quả cao.
Related news
Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Thế nhưng, hiện nay nhiều nông dân Bạc Liêu vẫn còn sản xuất thủ công từ khâu cải tạo đất đến thu hoạch lúa. Và chuyện thất thoát sau thu hoạch, giảm lợi nhuận là điều hiển nhiên.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn, mặn gây ra trong nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 11.3, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) đã phối hợp nhiều cơ quan chức năng các tỉnh, thành trong vùng tổ chức hội thảo “Tiết kiệm nước trong nông nghiệp cho các vùng nhiễm mặn ở ĐBSCL”.
Không chỉ có các diện tích lúa, cây ăn trái bị khô héo và mất trắng, đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử đang diễn ra còn khiến chăn nuôi gia súc, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị thiệt hại nghiêm trọng.