Sản xuất tôm giống: Lượng và chất chưa song hành
Hiện nay, nếu xét về năng lực, các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ để cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt đó là vẫn còn một lượng lớn tôm giống không bảo bảo chất lượng cung cấp cho người nuôi.
Năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất tôm giống Ảnh: PTC
Đủ lượng, thiếu chất
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, cả nước có hơn 2.422 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.861 cơ sở sản xuất giống tôm sú và khoảng 561 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, với sản lượng ước hơn 100 tỷ con. Những con số này cho thấy, công suất của các cơ sở sản xuất giống cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho người nuôi.
Ông Phan Tuấn Cự, Giám đốc DNTN Tuấn Cự (Bình Thuận) cho biết, theo tính toán, muốn sản xuất được 100 tỷ con tôm thương phẩm thì nhu cầu giống phải có 400 - 500 tỷ con chất lượng. Các công ty sản xuất tôm giống trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được đủ con giống cung ứng cho thị trường. Thậm chí, nếu nhu cầu thị trường cần thì các doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong nước có thể sản xuất được nhiều hơn con số trên. Song chất lượng vẫn là bài toán khó khi vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn đang sản xuất và cung ứng giống ra thị trường.
Trong buổi Tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam cho biết: “Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống của ta hiện nay đủ về mặt số lượng nhưng ít về mặt chất lượng, như vậy nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến công cuộc phát triển ngành tôm”.
“Tất cả cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hai đặc điểm hạn chế chung. Thứ nhất, nguồn tôm bố mẹ hầu hết được lấy từ hai nguồn. Một là khai thác, đánh bắt ngoài biển, đối với Việt Nam chúng ta là đánh bắt tại Vịnh Thái Lan. Hai là, nguồn tôm bố mẹ, như tôm thẻ chân trắng, được nhập khẩu tới hơn 90%. Có một số đơn vị trong nước đã tiến hành cung cấp tôm bố mẹ đã được gia hóa. Tuy nhiên, nguồn tôm có uy tín cũng đều là tôm nhập từ nước ngoài về. Thứ hai là vấn đề tổ chức sản xuất. Tất cả cở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hạ tầng kỹ thuật yếu kém, chưa đồng bộ. Hạ tầng phần mềm, tức là khả năng tiếp thu và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất con giống cũng hạn chế, dẫn đến việc chưa chủ động sản xuất ra được tôm giống chất lượng cao”, ông Xuân chia sẻ thêm.
Rất cần giống tốt
Ông Vũ Hải Đường, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Thủy sản Bình Minh (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) - một doanh nghiệp đang nuôi tôm công nghệ cao mùa đông cho biết: “Hiện, Công ty đang có 10 ao nuôi (8 ao rộng 1.800 m2, 1 ao 900 m2 và 1 ao 700 m2). Ngoài ra, còn có 2 ao ương với diện tích 500 m2/ao. Đối với nuôi tôm, có rất nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng phải đối diện với nhiều rủi ro, trong đó quan trọng nhất là vấn đề con giống. Công ty đang sử dụng tôm giống của Công ty C.P Bình Định. Nhìn chung, chất lượng tôm giống khá tốt, phát triển nhanh, tránh được các bệnh dịch; từ đó giúp Công ty nuôi tôm thành công với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay”.
“Công ty rất thận trọng trong việc lựa chọn con giống bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của một vụ nuôi. Chúng tôi sẵn sàng đặt hàng doanh nghiệp sản xuất tôm giống riêng cho Công ty dù phải mua với giá cao hơn, miễn sao chất lượng được đảm bảo”, ông Đường chia sẻ thêm.
Trên thị trường hiện nay, chất lượng tôm giống không đồng đều, thật giả lẫn lộn, giá mỗi nơi một kiểu. Với sản xuất công nghiệp quy mô lớn, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất có đủ điều kiện, khả năng liên kết chặt chẽ với nơi sản xuất giống để mua được con giống tốt; Nhưng với những người dân nuôi nhỏ lẻ, số lượng ít thì khó tiếp cận với cơ sở sản xuất giống tốt. Vậy làm thế nào để người dân không mua phải giống trôi nổi, giống chưa qua kiểm tra?
Nhiều chuyên gia cho rằng, người nuôi tôm nên mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín trên thị trường; cần phải liên kết với nhau để mua với số lượng lớn mà không cần qua trung gian. Việc liên kết này vừa giúp giảm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo sẽ tiếp cận được với tôm giống chất lượng. Song song đó, các cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên và đột xuất, từ đó có phân loại theo dạng cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A hay B hay C. Chứng nhận đó là cơ sở quan trọng để người dân phân biệt được chất lượng của cơ sở sản xuất giống và giá thành có tương ứng với chất lượng giống mình đang sử dụng hay không.
Từ đầu năm đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Tổng cục An ninh (A86) - Bộ Công an và Công an kinh tế các địa phương (PA81) thành lập đoàn thanh tra đột xuất và tiến hành xử phạt nghiêm đối với nhiều cơ sở sản xuất tôm giống vi phạm ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Với những hành động quyết liệt này, hy vọng chất lượng tôm giống sẽ ngày càng được nâng cao, giúp người nuôi tôm hân hoan với những vụ nuôi thắng lợi, hoàn thành tốt các mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra với ngành tôm Việt Nam.
>> Theo ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam, để có thể sản xuất ra tôm giống chất lượng tốt, các cơ sở sản xuất phải tuân thủ và đáp ứng được 5 yếu tố: Nguồn tôm bố mẹ tốt, đảm bảo khả năng sản xuất giống tốt; Trại giống phải đảm bảo được điều kiện an toàn về mặt sinh học; Nguồn nước phục vụ trước, trong và sau quá trình sản xuất giống phải được xử lý ở nhiều cấp, đảm bảo an toàn môi trường; Sử dụng thức ăn chất lượng cao; Dùng các vi sinh, enzym, không được sử dụng kháng sinh.
Related news
Lysolecithin được chứng minh là một giải pháp đạt hiệu quả kinh tế nhờ cải thiện nhũ tương hóa và tiêu hóa chất béo; đồng thời, kích thích hấp thu dinh dưỡng
Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết…
Thị trường tiêu thụ khó khăn... nhưng ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Nghệ An vẫn đạt và vượt kế hoạch. Thành công trên được xác định ở khâu đột phá về giống