Sản xuất, tiêu thụ cá tra giống: Còn nhiều âu lo
Nghề nuôi cá tra thương phẩm và xuất khẩu ở vùng ĐBSCL trồi sụt thất thường kéo theo các cơ sở sản xuất cá tra giống cũng gặp không ít khó khăn. Làm thế nào để ổn định, nâng cao chất lượng con giống, những giải pháp vốn đã “thuộc lòng” nhưng dường như việc thực hiện vẫn còn khó khăn.
Nguồn cá tra giống đang được củng cố lại chất lượng Ảnh: PT
Quanh chuyện cung - cầu
Những tháng đầu năm 2017, giá cá tra nguyên liệu có thời điểm tăng 26.000 - 27.000 đồng/kg, đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm qua, giúp người nuôi có lợi nhuận. Nhiều hộ “treo ao” đã thả nuôi trở lại, kéo theo nhu cầu về cá tra giống tăng vọt, khiến giá ở mức khá cao, 50.000 đồng/kg loại 45 - 50 con/kg, song nhiều cơ sở nhân giống cá tra lại không còn giống để bán.
Một chủ cửa hàng thuốc thú y thủy sản cũng là thương lái thu mua cá giống ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Do ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, dịch bệnh nhiều nên tỷ lệ ương cá tra giống thành công trên địa bàn chỉ đạt 3 - 5%, khiến lượng cá tra giống rất khan hiếm. Có thời điểm, tôi cũng không có cá giống để cung cấp cho các doanh nghiệp và người nuôi”.
Hiện nay, giá cá tra giống ở ĐBSCL đã có xu hướng hạ nhiệt bởi nguồn cung đang dồi dào trở lại, dao động quanh mức 40.000 - 42.000 đồng/kg. Tuy giá này có giảm so các tháng đầu năm nhưng vẫn còn rất cao so nhiều năm trước đây và những người sản xuất giống nhìn chung đang có lợi nhuận. Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ trang trại nuôi cá tra ở phường Thới An, quận Ô Môn (Cần Thơ), nguyên nhân giá cá tra giống giảm vì hiện đang là mùa thuận để thả nuôi cá tra, nên nguồn cung cá tra giống bắt đầu dồi dào. Nhiều hộ sản xuất cá giống đã mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thả nuôi cá tra nguyên liệu.
Dù nguồn cung dồi dào, song nguồn cá tra giống chất lượng để đáp ứng nhu cầu vẫn là “bài toán” nan giải tại nhiều địa phương. Đơn cử như tại Vĩnh Long, thực tế, năm 2016, sản lượng cá tra sản xuất tại tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận như Đồng Tháp, An Giang… Khảo sát của Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho thấy, nhu cầu con giống của tỉnh năm 2017 ước khoảng 53,3 triệu con, tuy nhiên, hiện toàn tỉnh chỉ có 18,45 ha đang ương giống với sản lượng ước khoảng 18,44 triệu con.
Cách nào để ổn định?
Theo Tổng cục Thủy sản, toàn vùng ĐBSCL hiện có 130 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Đồng Tháp (76 cơ sở). Dự kiến năm 2017, sản xuất khoảng 18 tỷ cá tra bột, khoảng 2,2 tỷ cá giống cung cấp cho nuôi thương phẩm. Năm 2017, nhu cầu thay thế đàn cá bố mẹ của ĐBSCL là 31.000 con, trong đó 15.000 con đã được các cơ sở nuôi đăng ký nhận đàn hậu bị của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, sản lượng cá tra đạt khoảng 1,2 triệu tấn/năm, chiếm tỷ lệ 30% của toàn ngành với kim ngạch xuất khẩu hàng năm 1,5 - 1,8 tỷ USD. Năm 2017, dự kiến diện tích nuôi cá tra giữ ở mức 5.500 ha, sản lượng hơn 1,15 triệu tấn, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD.
Một hộ nuôi cá tra tại thị xã Tân Châu (An Giang) chia sẻ: “Muốn sản xuất, tiêu thụ cá tra giống ổn định, trước hết việc xuất khẩu các sản phẩm fillet ra thế giới phải ổn định. Năm nào doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đạt kim ngạch cao thì năm đó tình hình tiêu thụ cá tra giống rất tốt. Ngược lại cực kỳ khó khăn bởi đầu ra của con giống chính là các doanh nghiệp, hộ nuôi cá thương phẩm phục vụ cho xuất khẩu. Đây là chuỗi liên hoàn và phụ thuộc lẫn nhau”. Vì vậy, theo ông việc đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa chính là con đường giúp các hộ sản xuất cá giống phát triển ổn định.
Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam cho rằng, điểm yếu của ngành cá tra là số lượng và chất lượng con giống chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, Bộ NN&PTNT cần tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất giống cá tra có được đàn cá bố mẹ chất lượng, ứng dụng công nghệ cao ở những địa phương có nhiều thế mạnh về ngành này.
Chất lượng cá tra giống là yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng thịt, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Để giải quyết vấn đề này cần phải hoàn thiện quy trình kỹ thuật ương giống, nâng cao năng lực quản lý, cần có sự hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng và sự liên kết giữa nông dân và nhà khoa học.
>> Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện Dự án sản xuất giống cá tra chất lượng cao. Nhiệm vụ của Dự án là sản xuất 60.000 cá hậu bị, mỗi năm cung cấp 15.000 con có chất lượng cho các cơ sở sản xuất giống; Xây dựng 2 mô hình sản xuất giống cá tra; Đào tạo 50 cơ sở sản xuất giống cá tra. Dự kiến tháng 7/2017, Viện sẽ phát tán 15.000 con cá tra bố mẹ theo yêu cầu của Dự án. Số cá này sẽ tham gia sinh sản khi được hơn 3 tuổi vào khoảng tháng 5/2019.
Related news
Bột bã mía khi đưa xuống ao sẽ tạo môi trường cho vi sinh phát triển, lấn át những vi sinh gây hại cho tôm, giúp môi trường nuôi ổn định
Mô hình nuôi thủy sản khép kín với dây chuyền sản xuất thức ăn, 11 bè cá ven sông Tiền, 7 công đất vườn đang cho trái, thu nhập tiền tỉ mỗi năm.
Đây là mô hình liên kết giữa Công ty Phương Nam và các hộ dân Thái Thụy, Thái Bình - được triển khai từ năm 2012.