Sản xuất phân hữu cơ từ bèo
Xã Bình Giang nằm ở vùng đông huyện Thăng Bình, nơi có dòng sông nước lợ Trường Giang chảy qua. Hàng ngày, nước thải từ các ao nuôi tôm đổ ra dòng sông này khá nhiều nên bèo phát triển rất mạnh, gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường nước. Trước tình hình đó, thời gian qua Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình phối hợp với UBND xã Bình Giang và nhóm hộ nông dân ở thôn Bình Túy triển khai thực hiện mô hình thu gom và xử lý bèo thành phân hữu cơ tại chỗ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn.
Theo tìm hiểu, quy trình sản xuất phân hữu cơ từ bèo tại xã Bình Giang như sau:
- Nguyên liệu:
+ Bèo: 700kg, cắt nhỏ bằng máy và phơi héo trước khi ủ.
+ Phân chuồng chưa hoai mục: 300kg.
+ Phân Super lân: 4kg
+ Chế phẩm sinh học Trichoderma: 2kg và chế phẩm Emic: 400g
- Tiến hành ủ:
+ Rải một lớp bèo khoảng 25 - 30cm, rải một lớp phân chuồng, một lớp mỏng phân Super lân, sau đó tưới đều chế phẩm Emic lên lớp nguyên liệu trên. Tiếp tục tiến hành như vậy cho đến khi đống ủ đạt chiều cao khoảng 1,2 - 1,5m thì che phủ đống ủ bằng lá cây, bạt ny lon.
+ Sau khi ủ, khoảng 7 - 10 ngày tiến hành đảo lộn đống ủ 1 lần. Khi đảo lộn đống ủ lần cuối, bổ sung chế phẩm Trichoderma để tăng chất lượng phân. Sau 2 tháng, đống ủ hoai mục và thành phân hữu cơ.
Có thể nói, việc thu gom và xử lý bèo thành phân hữu cơ tại xã Bình Giang của huyện Thăng Bình là mô hình rất có hiệu quả. Bởi, nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương sản xuất phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhằm tiết kiệm một phần chi phí đầu tư, đặc biệt là tạo ra sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sống. Do vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cấp huyện và chính quyền các địa phương cần tích cực hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình này.
Related news
Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tham quan mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng dưa vàng, dưa lưới.
Mô hình liên kết trong chăn nuôi bò thịt đã giúp nâng cao thu nhập cho người dân, khắc phục một số bất cập trong chăn nuôi, mở ra hướng đi mới cho ngành
Được phát hiện cách đây hơn nửa thế kỷ, Phytoplasma là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh trên nhiều loại cây trồng khác nhau