Sản xuất măng tây xanh theo liên kết chuỗi
Măng tây xanh là loại cây trồng mới, cho giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ khá lớn trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên địa bàn tỉnh.
Nông dân tham quan vườn măng tây tại hộ anh Lê Xuân Lực.
Từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017 - 2018, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp Phòng Kinh tế Phan Thiết và Trạm Khuyến nông Hàm Thuận Nam, cùng chính quyền địa phương triển khai xây dựng mô hình “Sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới kết hợp hệ thống tiết kiệm nước theo liên kết chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm”. Theo đó, tổng diện tích thực hiện 0,75 ha/7 hộ tham gia, tại xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) và Tiến Thành, Tiến Lợi (TP. Phan Thiết). Mô hình được thực hiện từ tháng 12/2017 đến tháng 7/2018, Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư phân bón và 50% hệ thống nhà lưới, tưới tiết kiệm nước. Qua đó, nhằm chuyển giao quy trình trồng cây măng tây xanh đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong tỉnh; liên kết với HTX ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Trước khi thực hiện mô hình, trung tâm phối hợp trực tiếp với HTX nấm Phúc Thịnh và Công ty Hoàng Nguyên chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây măng tây và hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới với nhà lưới cho hộ tham gia mô hình. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật tại đồng ruộng cho hộ dân tham gia, như chuẩn bị đất, gieo giống, chăm sóc… Trong số các hộ dân tham gia mô hình, có anh Lê Xuân Lực, thôn Hiệp Hòa, xã Tân Thuận (Hàm Thuận Nam) với 1,5 sào đất trồng cây măng tây xanh theo hướng an toàn. Anh Lực cho biết, ở 4 tháng đầu măng tây sinh trưởng và phát triển bình thường, chồi măng xanh tốt. Đến tháng thứ 5 xuất hiện sâu đất, sâu đục thân và sâu xanh. Các đối tượng gây hại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển và nẩy chồi mới để thay thế cho cây mẹ, nhưng đã được xử lý kịp thời. Đến nay, sau 7 tháng trồng, gia đình anh Lực đã thu hoạch mỗi ngày từ 5 - 7 kg măng tây, với giá bán 50 ngàn đồng/kg. Anh Lực chia sẻ: “Thời gian đầu trồng cây măng tây, gia đình còn bỡ ngỡ, nhưng trước hiệu quả của loại cây này, tôi đã mạnh dạn và tin tưởng hướng đi đúng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng của mình”.
Chị Phạm Thị Hồng - cán bộ phụ trách mô hình (Trung tâm Khuyến nông) cho biết: Năng suất thực thu dự kiến trong toàn mô hình đạt 1.350 kg/sào. Tổng chi phí đầu tư của mô hình măng tây xanh (năm thứ nhất) 48,7 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí đầu tư lãi gần 19 triệu đồng/sào. Ngoài ra, việc ứng dụng tưới nước tiết kiệm còn đảm bảo lượng nước tưới vừa phải, đảm bảo cho cây măng tây sinh trưởng và phát triển tốt. Hệ thống nhà lưới giúp bảo vệ măng tây khỏi côn trùng phá hoại, từ đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…
Ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, mô hình sản xuất măng tây xanh trong nhà lưới, kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm theo liên kết chuỗi bước đầu đã thành công. Việc chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc măng tây xanh trong nhà lưới theo hướng an toàn cho các hộ, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Quan trọng hơn, mô hình liên kết được với HTX nấm Phúc Thịnh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá 50.000 đồng/kg, nên hộ dân yên tâm đầu tư sản xuất lâu dài.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Ngọc Loan - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận cho biết rất phấn khởi trước sự phát triển của cây măng tây xanh trên địa bàn xã. Đây là loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cho nông dân. Thời gian tới, xã sẽ thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nhân rộng mô hình này…
Related news
Nuôi trùn quế, góp phần sản xuất, cung ứng nguồn phân hữu cơ trùn quế chất lượng cao cho nhiều nhà nông trong tỉnh và các tỉnh, thành khu vực
Thuốc trừ sâu là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và một số loại tồn tại lâu dài gây ô nhiễm cho đất
Các nông dân Anh đến tham quan Hà Lan cũng biết rằng việc tự động hóa ngày càng khó khăn hơn trong trồng trọt, do thu hoạch cây trồng không đồng nhất