Sản xuất lúa gạo theo VietGAP
Để SX lúa gạo đảm bảo an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe người lao động, Cty TNHH MTV Cà phê 721 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar, Đăk Lăk) đã triển khai toàn bộ diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cánh đồng lúa SX theo VietGAP của Cty Cà phê 721
Những ngày này, cán bộ của Cty Cà phê 721 đang bận rộn cho việc xuống giống vụ ĐX. Các phòng ban đều bám ruộng, bám dân để chỉ đạo sản xuất. Toàn bộ diện tích SX lúa (257 ha) của đơn vị đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Cty Cà phê 721 cho biết: Cty quyết tâm xây dựng cánh đồng lúa sạch có quy mô lớn nhất tỉnh Đăk Lăk (một năm 2 vụ diện tích lúa VietGAP là 514ha). Dù rất khó khăn với nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng Cty đã vượt qua để có được giấy chứng nhận VietGAP với thương hiệu “Gạo bảy hai mốt”.
Ông Vĩnh Thuộc, Trưởng phòng Nông nghiệp - Kế hoạch - Kinh doanh, Cty Cà phê 721 cho biết: Để có được sự đồng thuận làm lúa VietGAP là cả một vấn đề, bởi với 251ha đất lúa có đến 400 hộ nhận khoán. Ban đầu vận động làm rất khó khăn, bởi đã SX theo VietGAP, người lao động phải áp dụng triệt để “1 phải, 5 giảm”, sạ thưa, kéo theo giảm phân, thuốc BVTV...".
Gia đình chị Đặng Thị Hiền, hộ nhận khoán 2ha đất SX lúa ở đội 3 thuộc Cty Cà phê 721 cho biết: Trước đây, tôi sạ dày từ 180 – 200kg/kg/ha, lúa thường bị đổ ngã, sâu bệnh nhiều làm tăng chi phí SX. Khi tham gia mô hình, vụ hè 2018 tôi sạ 80 - 100 kg/ha. Thời điểm sau xuống giống khoảng 1 tháng thấy lúa thưa. Khi lúa đẻ nhánh mới thấy đẹp và đến khi thu hoạch năng suất cao hơn SX bình thường, giá lúa cũng được Cty thu mua cao hơn.
Anh Phan Minh Phong ở đội 3, nhận khoán đất SX lúa với diện tích 0,8ha cho biết: SX lúa theo VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều công đoạn như: xử lý các loại bao bì đựng phân thuốc, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người; tăng cường áp dụng kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”... Nhờ áp dụng gieo sạ mật độ thưa hơn, bón phân cân đối... nên vụ hè 2018 đã giảm chi phí khoảng 2 triệu đồng/ha mà năng suất lúa lại cao hơn trước đây.
Theo anh Phong, trước đây khi phun thuốc BVTV xong, người trồng lúa thường vứt bao bì tại bờ ruộng, giờ thì thu gom để tiêu hủy, không làm ảnh hưởng đến môi trường. Hiện anh Phong cũng có kho bảo quản phân thuốc riêng, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm. SX theo VietGAP đã tốt giá cả lại cao, còn khâu tiêu thụ hoàn toàn yên tâm bởi Cty thu mua toàn bộ.
Bà Nguyễn Thị Thủy cho hay: "Vụ ĐX 2015 – 2016, lần đầu tiên Cty triển khai SX lúa theo chuỗi, theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện tập trung đầu tư, tập trung sản phẩm, người lao động còn rất nhiều bỡ ngỡ, nghi ngại. Nhưng khi có lợi ích gia tăng, người tiêu dùng tiếp nhận, đánh giá cao và tin tưởng “Gạo bảy hai mốt” thì chúng tôi mới có thể khẳng định mình đã đi đúng hướng.
Phát huy những kết quả đã đạt được và sự đồng thuận của người lao động, Cty đã hợp tác SX các loại giống lúa lai Nhị Ưu 838, Bắc Ưu 903, GS55… có giá trị kinh tế mang lại thu nhập cao cho người lao động…".
Chuỗi SX, chế biến, bảo quản và tiêu thụ lúa của Cty đã được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, HACCP, ISO 9001-2018. Để xây dựng thương hiệu “Gạo bảy hai mốt”, năm 2015 Cty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo có công nghệ hiện đại với công suất 10.000 tấn/năm và nhà máy sấy lúa có công suất 80 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 12 tỷ đồng. Nhà máy không chỉ giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu lúa 257 ha/vụ (514 ha/năm) của Cty mà còn góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong vùng.
Related news
Rau lá giang, một loại gia vị không thể thiếu trong một số món ăn dân dã. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây rau này
Việc sử dụng phân bón lá thường xuyên có thể khiến cây trồng giảm sự phát triển bộ rễ không? Việc này có ảnh hưởng gì đến sự sinh trưởng của cây trồng?
Đàn lợn nái trong mô hình có khả năng sinh sản tốt, đáp ứng yêu cầu của dự án, phát huy được tiềm năng con giống, có năng suất cao hơn