Sắn mất mùa kép
Ông Trần Tiến, một người trồng sắn ở thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc (Cam Lâm) cho biết, chưa năm nào người trồng sắn thất bát như năm nay, sắn không chỉ mất mùa mà còn mất giá. Hiện vụ sắn đã đi được hai phần ba chặng đường, song nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.
Cũng theo ông Tiến, nguyên nhân sắn mất mùa là do hạn hán kéo dài. Từ khi xuống giống sắn trời không có mưa nên sắn sinh trưởng và phát triển kém, cây èo uột, trong đó nhiều diện tích sắn bị chết.
“Như vụ sắn năm nay gia đình tôi trồng 1 ha nhưng thu hoạch chưa tới 5 tấn (tươi), giảm hơn nửa so với năm ngoái. Trong khi giá bán cũng thấp từ 1.000-1.200 đ/kg, sau khi trừ chi phí tôi lỗ gần 20 triệu đồng”, ông Tiến than vãn.
Gia đình ông Tiến còn có thu, chứ như nhà bà Trương Thị Mỹ Trang, người cùng thôn vụ sắn năm nay mất trắng hoàn toàn. Do mất nguồn thu, bà Trang phải đi làm thuê cho thương lái sắn trong xã, công việc hàng ngày của bà là phơi sắn cho khô rồi vào bao với giá 150 ngàn đồng/công.
Gặp chúng tôi, giọng bà Trang buồn rầu nói: “Thời tiết năm nay quá khắc nghiệt. Cây sắn vừa trồng được 2 tháng lên chừng vài lá đã gặp đợt nắng nóng kéo dài, gia đình tôi trồng lại nhưng không ăn thua. 5 sào sắn vụ này tôi mất đứt hơn 10 triệu đồng”.
Vì sao sản lượng thấp nhưng giá sắn nguyên liệu vẫn giảm? Theo ông Trần Văn Quang, một thương lái thu mua sắn trên địa bàn xã Cam Hiệp Bắc, giá sắn được ông thu mua căn cứ giá công ty đưa ra, ông cũng không biết nguyên nhân.
Giá sắn đã giảm lại tồn khô nhiều. Từ đầu năm đến nay ông Quang thu mua khoảng 100 tấn sắn (khô) nhưng mới chỉ xuất được 20 tấn.
Tại thị trấn Cam Đức nông dân thu hoạch sắn cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Xuân, tổ dân Nghĩa Nam cho biết, gia đình trồng 6 sào sắn nhưng do nắng hạn gay gắt nên hơn nửa diện tích thiệt hại. Vừa rồi ông huy động nhân công gia đình thu hoạch được 2 tấn, bán với giá 1.100 đ/kg, sau khi trừ chi phí ông lỗ vài triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thư, cán bộ quản lý nông nghiệp- Kinh tế thị trấn Cam Đức cho biết, vụ sắn này toàn huyện trồng 130 ha, 52 ha bị thiệt hại do hạn hán, số diện tích còn lại đến nay người dân đã thu hoạch dứt điểm, năng suất dao động từ 1,2-1,5 tấn/sào, cộng với giá bán thấp từ 1.000-1.200 đ/kg nên người trồng thất thu.
“Nắng hạn không chỉ khiến vụ sắn thất thu mà còn ảnh hưởng đến việc xuống giống sắn cho vụ mới. Mọi năm thời điểm này, trời đã có vài cơn mưa rải rác bà con đã xuống giống, nhưng năm nay hạn nặng nên chưa xuống giống được”, ông Thư cho biết thêm.
Theo phòng NN-PTNT huyện Cam Lâm, tổng diện tích sắn toàn huyện gần 1.200 ha, giảm 300 ha so với năm ngoái. Đến thời điểm này bà con đã thu hoạch hơn nửa diện tích. Do năng suất và giá bán thấp nên người trồng sắn ngao ngán.
Tương tự, tại huyện Khánh Sơn, niên vụ 2015-2016 trồng 525 ha sắn, năng suất ước khoảng 4 tấn khô/ha, giảm 20% so với vụ trước. Do giá thu mua thấp từ 1.000-1.200 đ/kg (tươi), cùng với chi phí công lao động, vận chuyển tăng cao, hầu hết người trồng sắn không có lãi.
Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT Khánh Sơn cho biết, về lâu dài phòng sẽ tham mưu huyện giảm diện tích trồng sắn, để trồng những cây có giá trị kinh tế cao và ổn định.
Related news
Để xuất khẩu trái cây ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là thị trường khó tính, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã “hợp tung” (liên kết) thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Mới lên lưng chừng núi Măng Rơi đã cảm giác thời tiết thay mùa. Cái nắng cô đặc bên này đèo cứ nhạt dần rồi pha loãng trong những tảng mây màu khói đèn lởn vởn trên các rặng núi cao... Phía sau cái vẻ ảm đạm của thời tiết ấy, vùng đất Tu Mơ Rông có một “điểm sáng” nhiều niềm tin: Sâm Ngọc Linh.
Sau thời gian thử nghiệm, các trang trại trồng dâu tây theo công nghệ của Nhật Bản và Hàn Quốc ở Lâm Đồng đã bắt đầu cho thu hoạch, cung cấp sản phẩm ra thị trường. Qua đó, góp thêm một sản phẩm dâu sạch tại phố núi Đà Lạt đến với người tiêu dùng cả nước.