Sa nhân dưới tán rừng thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm
Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ 2 nhãn hiệu cộng đồng của huyện Mường Khương, trong đó có loại quả quý được trồng dưới tán rừng.
Quả sa nhân mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho người nông dân vùng cao Mường Khương. Ảnh: T.L
Theo đó, 2 nhãn hiệu vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận bảo hộ gồm: Nhãn hiệu “Sa nhân Mường Khương” và nhãn hiệu tập thể “Chè ô long Cao Sơn”.
Hiện nay, diện tích sa nhân Mường Khương (Lào Cai) khoảng 1.073 ha, phân bố tại 16 xã của huyện Mương Khương, tập trung ở tại các xã như Nậm Chảy (354 ha), Thanh Bình (116 ha), Tả Ngải Chồ (100 ha), Pha Long (93 ha) và Thị trấn Mường Khương (116 ha)…
Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng trên 400 ha. Những năm gần đây, diện tích trồng cây sa nhân trên địa bàn huyện Mường Khương tiếp tục được mở rộng và phát triển. Do phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của huyện nên cây sa nhân phát triển khá tốt, năng suất trung bình ước đạt 11 tạ/ha quả tươi, sản lượng ước đạt trên 400 tấn. Với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, sa nhân mang lại nguồn thu hằng năm trên 45 tỷ đồng.
Chè ô long Cao Sơn là cây chè Kim Tuyên được trồng tại xã Cao Sơn từ năm 2011 với 10 ha. Sau 3 năm triển khai, cây chè Kim Tuyên được đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và đem lại sản phẩm chè chất lượng tốt, thu nhập cao cho người nông dân.
Thấy được giá trị kinh tế từ cây chè Kim Tuyên mang lại, người dân xã Cao Sơn đã mở rộng diện tích trồng chè Kim Tuyên. Hiện tại toàn xã có gần 200 ha, được trồng chủ yếu tại các thôn Ngải Phóng Chồ, Cao Sơn, Lồ Suối Tủng, Pa Cheo Phìn A và B, Lao Cu Chải.
Định hướng của huyện Mường Khương đối với hộ dân trồng chè là chú trọng giải quyết tốt khâu chăm sóc, thâm canh và sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn mở rộng diện tích trồng chè; tạo cơ chế để doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân để trồng chè chất lượng cao theo hướng hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững.
Huyện Mường Khương cũng tạo điều kiện để Công ty TNHH Mường Hoa liên kết với nông dân trong khâu cung ứng vật tư và thu mua sản phẩm chè búp tươi. Công ty TNHH Mường Hoa đã xây dựng nhà xưởng lắp đặt hệ thống chế biến chè ô long ngay tại trung tâm xã Cao Sơn, giúp người trồng chè yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.
Hệ thống chế biến tại chỗ nên chè búp tươi sau khi thu hái được đưa vào hệ thống xử lý và chế biến nên đảm bảo chất lượng tươi ngon đạm vị. Chè ô long Cao Sơn của được đánh giá là chất lượng tốt, hương vị đậm đà đặc biệt, phần lớn sản phẩm phục vụ xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, sản phẩm “Sa nhân Mường Khương” và “Chè ô long Cao Sơn” được đăng ký, xác lập quyền và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ sẽ tạo ra sức mạnh tập trung, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, chống lại các hành vi xâm phạm.
Qua đó, từng bước xây dựng một thương hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng, giúp người tiêu dùng có được một sản phẩm tốt nhất đúng nguồn gốc xuất xứ, có kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Việc đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Sa nhân Mường Khương” và “Chè ô long Cao Sơn” giúp nâng cao danh tiếng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ đó tạo cơ hội gia tăng giá trị, tăng thu nhập và lợi ích cho người dân nông dân...
Với việc thêm 2 nhãn hiệu được bảo hộ, đến nay huyện Mường Khương đã có 7 nhãn hiệu cộng đồng dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận (2 nhãn hiệu) và nhãn hiệu tâp thế (5 nhãn hiệu).
Related news
Không chỉ phá hoại mùa màng và cây trồng với tốc độ đáng kinh ngạc, phân của loài sâu bướm thải ra còn làm cho biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn?
Từ phụ phẩm vỏ cà phê, người nông dân trồng cà phê đã ủ làm thành phân hữu cơ bón lại cho cây, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa làm đất tơi xốp.
Nhờ sử dụng phân bón hữu cơ được chế biến từ chất thải của chế biến sắn, đã giúp tăng mạnh về năng suất, chất lượng, phát triển bền vững cây điều của Bình Phước