Rơm Rạ Thành Phân Bón
Hỗ trợ nông dân (ND) xử lý rơm rạ tươi thành phân bón hữu cơ là chương trình được Hội Nông dân huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) thực hiện từ 2 năm nay.
Chương trình này không chỉ tiết kiệm chi phí trồng trọt, tăng năng suất cây trồng mà còn góp phần thực hiện an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.
Vụ đông năm nay, chị Nguyễn Thị Hoài cùng vài hộ khác ở thôn Kiên Đức, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình trồng chung 6 mẫu khoai tây giống mới Atlanic. Tại khu ruộng trồng khoai tây của nhóm, chị Hoài tấm tắc, chỉ ít nữa là thu hoạch được rồi, nhưng cây và lá khoai vẫn xanh khỏe, xanh chắc. Chứ phải cái anh giống khoai cũ thì lá đã úa rũ từ lâu. Được thế này, không chỉ vì khoai giống mới mà còn do bón phân ủ từ rơm rạ đấy…”.
Tận dụng rơm rạ
Chị Hoài cho biết, đây là năm thứ 2 gia đình chị và nhiều hộ khác trong xã Thái Bảo thực hiện chương trình ủ rơm rạ tươi thành phân hữu cơ. Phân hữu cơ ủ từ rơm rạ tươi bón cho lúa chiêm, lúa mùa đều rất tốt, cứng cây, lá xanh khỏe khoắn chứ không xanh rì rì như bón phân đạm. Theo đó, năng suất lúa tăng 15-20%.
“Cái hay là bón phân hữu cơ ủ từ rơm rạ đất ruộng tơi xốp hẳn lên, trồng cây màu vụ đông thuận lợi hơn, năng suất cũng cao hơn là bón phân hóa học… Mới làm 2 năm nay, nhưng chúng tôi yên tâm với loại phân bón ủ từ rơm rạ này rồi…”- chị Hoài bộc bạch. Để trồng 6 mẫu khoai tây vụ đông, nhóm của chị Hoài đã phải ủ 3 đống rơm rạ tươi với thể tích ước khoảng 40m3 và dùng hết 30 lọ chế phẩm sinh học để xử lý.
Anh Lê Đình Nho - Chi hội trưởng Chi hội ND thôn Kiên Đức, xã Thái Bảo chia sẻ cách xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ: “Rơm rạ tươi dồn thành đống, chọn một khoảng đất trống, bên dưới đáy có lót bạt nylon. Cứ một lớp rơm rạ tươi lại phun 1 lượt chế phẩm sinh học. Rơm rạ trộn chế phẩm sinh học xong thì buộc kín lại để tầm 25-30 ngày sau thì có thể mang ra ruộng được”. Theo anh Nho, việc xử lý rơm rạ tươi thành phân bón hữu cơ dễ làm, tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp, giúp bồi bổ và cải tạo đất đai trong canh tác...
Hai giảm và một tăng
"Việc xử lý rơm rạ tươi thành phân bón hữu cơ dễ làm, tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp, giúp bồi bổ và cải tạo đất đai...”.
Anh Lê Đình Nho
Theo ông Nguyễn Vũ Chiến - Chủ tịch Hội ND xã Thái Bảo, chương trình hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ đã góp phần giảm nguy cơ tai nạn giao thông do phơi rơm rạ, giảm ô nhiễm môi trường do đốt rơm rạ và tăng được năng suất cây trồng.
Anh Nho chia sẻ: “Trước kia, rơm rạ vứt tứ tung từ mặt đê sông Đuống cho tới chân ruộng, dân đốt tràn lan khói bay mịt mùng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đã thế lại ô nhiễm môi trường. Hai năm nay, rơm rạ được thu gom lại xử lý thành phân hữu cơ giúp giải quyết được bao cái lợi cho dân”.
Năm 2012 là năm đầu tiên Hội ND được UBND huyện giao chủ trì thực hiện thí điểm chương trình hỗ trợ ND xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Theo đó, ngân sách huyện hỗ trợ 100% chi phí mua 600 lọ chế phẩm sinh học cấp cho ND để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ.
Ông Nguyễn Thế Chi - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Gia Bình cho biết, năm 2013, ngân sách huyện hỗ trợ 80% chi phí mua chế phẩm sinh học. Toàn huyện đã dùng hơn 3.000 lọ chế phẩm sinh học để ủ hơn 3.000 tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ tươi. Chương trình hỗ trợ chế phẩm sinh học cho ND để xử lý rơm rạ thành phân bón được thực hiện tại 14/14 xã, thị trấn của huyện Gia Bình…
Related news
Tính bền vững trong sản xuất không phải “đao to búa lớn” mà chỉ là quan tâm thay thế một số những thói quen cũ, những ý thức cũ, phá bỏ một số lề lối cũ bằng những tư duy đổi mới, sáng tạo...
Đã trở thành truyền thống, trước khi bước vào vụ đông, tỉnh Yên Bái đều tổ chức lễ phát động ra quân SX.
Viện BVTV phối hợp với Chi cục BVTV Khánh Hòa vừa tổ chức hội nghị đầu bờ giới thiệu các giống lúa chịu hạn.
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), để có câu trả lời chính xác cho nông dân, cần đưa giống mới về thử nghiệm trên chân đất ít có điều kiện canh tác.
Vụ đông 2015, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kiên trì chủ trương hỗ trợ SX cây trồng truyền thống, nhất là cây ngô.