Rầy nâu hoành hành lúa hè thu
Dù nông dân đã phun thuốc diệt trừ ngay khi phát hiện, nhưng hiện nay hàng loạt diện tích lúa đang giai đoạn trổ bông đều ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) vẫn bị đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng (rầy) ồ ạt hoành hành. Trong đó có nhiều đám lúa bị rầy cắn phá chỉ còn trơ gốc rạ. “Vừa thấy lúa có rầy là tôi phun liền hai bình thuốc nhưng nó không chết, mà còn đẻ nhiều hơn. Giờ thì đám lúa hơn một sào này chỉ còn rầy với rạ thôi!”, chỉ đám lúa xơ xác, ông Trần Đại, ngụ thôn Xuân Đình nói.
Cùng với Hành Thịnh thì nông dân xã Phổ Thuận (Đức Phổ) cũng đứng ngồi không yên khi rầy sinh sản quá nhanh. Nhiều diện tích lúa vì thế bị nhiễm rầy với mật độ trên 10.000 con/m2. Điều này khiến nông dân lao đao. Vì với mật độ rầy dày đặc như thế thì cây lúa không bị cháy cũng mục, kéo theo năng suất sụt giảm hoặc thất thu, thậm chí mất trắng. Chẳng thế mà khi nhìn đám lúa hai sào dày đặc rầy, lão nông Đặng Hùng rầu rĩ nói: “Thấy lúa trổ đều ngỡ chắc ăn, ai ngờ lại bị rầy hại đến thất thu”.
Trước tình hình rầy gây hại lây lan nhanh, Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ đã chỉ đạo Trạm Bảo vệ thực vật tăng cường công tác tuyên truyền, cử cán bộ kỹ thuật về các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm rầy để hỗ trợ bà con nông dân trong việc diệt trừ. Bởi theo ông Lê Thanh Tân - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện: “Không thể chủ quan với rầy. Vì với điều kiện thời tiết như hiện nay, rầy rất dễ tái phát sinh và gây hại trên diện rộng. Nhất là khi toàn huyện đã có trên 100ha nhiễm rầy”.
Không chỉ hai địa phương trên mà hiện giờ, rầy cũng đã phát sinh và cắn phá trên 2.150ha lúa của nông dân trong tỉnh. Trong đó tập trung ở 6 huyện là Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi.
So với vụ hè thu năm 2014 thì năm nay, số diện tích lúa bị rầy gây hại tăng 4 lần (riêng diện tích nhiễm rầy nặng tăng hơn 13 lần). Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Phạm Bá thì mức độ lây lan cũng như sự gia tăng gây hại của rầy là do “điều kiện thời tiết thuận lợi, kết hợp với cây lúa đang thời kỳ mẫn cảm nên rất dễ bị rầy tấn công”. Ngoài hai yếu tố trên thì ông Phạm Bá cho rằng, nguyên nhân cũng vì nông dân không tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn khi phun thuốc diệt rầy. Đó là bà con tự ý tăng nồng độ, liều lượng của thuốc mà lại giảm lượng nước; rồi không chịu vạch lúa thành từng băng rộng để phun thuốc tập trung vào phần gốc (nơi ở của rầy) mà lại phun sơ sài ở phần ngọn. Điều này khiến rầy không chết, lại kháng thuốc nên càng sinh sản mạnh, tốc độ lây lan vì thế cũng càng nhanh.
Hiện nay, bên cạnh việc dùng xe tuyên truyền cổ động ở 7 huyện, thành phố; cắt cử cán bộ kỹ thuật túc trực ở các địa phương có diện tích lúa bị nhiễm rầy nặng để hướng dẫn bà con nông dân quy trình, biện pháp diệt trừ, thì Chi cục BVTV cũng đã đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn cũng như HTX đôn đốc nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Nếu bà con phát hiện rầy có mật độ từ 2 – 3 con/dảnh lúa thì dùng một trong các loại thuốc Oshin 20WP, Chess 50WG, Azorin 400WP, Admire 100OD, Bassa 50ND, Vicondor 50EC… phun diệt. Sau khi phun thuốc 5 – 6 ngày, nếu mật độ rầy còn cao thì tiếp tục phun lại lần hai. Tuy nhiên, theo ông Phạm Bá: “Điều quan trọng nhất là khi sử dụng thuốc diệt rầy là nông dân phải giữ mực nước trong ruộng từ 5 – 7cm; đồng thời phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối để tránh hiện tượng lép hạt do thuốc gây ra”.
Related news
Nhu cầu về thực phẩm vào dịp Tết dự tính tăng khoảng 30%, tuy nhiên, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, với việc tăng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, nguồn cung sẽ được đảm bảo.
Sau một thời gian bị lãng quên, hiện vú sữa tím được nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa (Kế Sách - Sóc Trăng) quan tâm vì đây là loại cây cho lợi nhuận cao nhờ cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.
Sau lũ, nông dân xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị con giống để tái đàn và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt vừa qua.
Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Hùng ở làng Can Bi, xã Phú Xuân (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) đã tìm ra con đường làm giàu cho mình: Nuôi chim cút.
Những ngày công tác ở vùng trung du huyện Hoài Ân (Bình Định), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đẹp về những tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng. Một trong số đó là ông Mai Văn Rõ (52 tuổi), Trưởng thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.