Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau An Toàn Khó Phát Triển

Rau An Toàn Khó Phát Triển
Publish date: Wednesday. October 1st, 2014

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh vừa sơ kết thực hiện quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, khoảng cách giữa mục tiêu phát triển và thực tế còn rất... xa!

Quy hoạch hơn 15.000 ha rau năm 2020

Theo Sở NN&PTNT, thực trạng sản xuất, kinh doanh nông sản - nhất là rau quả ở nước ta nói chung và Tây Ninh nói riêng còn nhiều bất cập về an toàn thực phẩm, gây tác động tiêu cực đến sức khoẻ cộng đồng.

Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng Quy hoạch vùng sản xuất rau tập trung trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2011, Quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ RAT trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Quy hoạch chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 2011 - 2015 sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp: đào tạo cán bộ, tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các mô hình điểm, xây dựng một số cửa hàng kinh doanh sản phẩm RAT...

Cụ thể xây dựng 9 mô hình sản xuất RAT tại các huyện, thành phố; xây dựng cửa hàng kinh doanh sản phẩm RAT (khoảng 30% trong tổng số 420 cửa hàng theo quy hoạch đến năm 2020), mỗi huyện bố trí 2 cửa hàng tiện lợi để tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm; xây dựng dự án mô hình sản xuất RAT theo hướng công nghệ cao...

Đến năm 2015, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP là 5.000 ha (trong đó diện tích sản xuất chuyên canh là 522 ha).

Giai đoạn 2016 - 2020, triển khai những giải pháp cần thiết để phát triển RAT. Các cửa hàng kinh doanh RAT theo quy hoạch đều phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong lĩnh vực kinh doanh RAT. Đến năm 2020, toàn tỉnh đạt diện tích gieo trồng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.000 - 16.000 ha. Trong đó diện tích sản xuất chuyên canh là 3.883 ha.

Chưa thực sự quan tâm phát triển RAT

Từ khi quy hoạch được phê duyệt đến nay (2012 - 2014), nhìn chung, diện tích sản xuất rau trên toàn tỉnh dao động nhẹ. Tính đến năm 2014, diện tích trồng rau chuyên canh trên địa bàn tỉnh đạt 638,6 ha tại 6 huyện, thành phố là: Gò Dầu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh, Hoà Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng. Các nhóm rau trồng chủ yếu gồm: Rau ăn quả các loại, rau ăn thân lá và rau gia vị.

Ngành Nông nghiệp đã tổ chức một số hoạt động như xây dựng 4 điểm trình diễn trồng rau ăn lá trong nhà lưới (mỗi điểm quy mô diện tích 0,1 ha); xây dựng một mô hình “Cánh đồng sinh thái” trên diện tích 2,5 ha với sự tham gia của 10 hộ nông dân; xây dựng mô hình sản xuất RAT theo VietGAP...

Đến năm 2014, diện tích sản xuất chuyên canh rau đủ điều kiện để chứng nhận VietGAP trên địa bàn tỉnh là 402 ha. Các vùng sản xuất chuyên canh này đã được phân tích mẫu nước tưới, đất trồng đạt yêu cầu chứng nhận. Đã có 15 điểm (diện tích 53,3 ha và 200m2 nhà xưởng) của 1 tập thể và 217 hộ nông dân được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau.

Có 3 mô hình đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP/rau với diện tích 8,4 ha của 26 hộ nông dân. Hai mô hình còn lại đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện để đơn vị tư vấn thẩm định, cấp giấy chứng nhận.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, diện tích sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế là do những nguyên nhân khách quan. Theo Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg, ngày 30.7.2008 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, 100% diện tích sản xuất rau tại các vùng sản xuất tập trung phải đạt yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tại mục c, Khoản 2, Điều 5 của Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9.1.2012 quy định ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận đánh giá để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ nên nhiều nông dân chưa tiếp cận được nguồn kinh phí này.

Việc sản xuất rau theo quy trình VietGAP cần có nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng kho chứa, nhà xưởng, khu vực pha chế thuốc... Đồng thời, nông dân phải được trang bị kiến thức sản xuất nhất định và tuân thủ đúng theo quy trình... Đây là những nguyên nhân làm cho việc áp dụng VietGAP vào sản xuất còn hạn chế. Nguồn kinh phí cấp cho chương trình RAT hằng năm chưa đủ nhu cầu cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch.

Ít người mua, khó bán

Trong thời gian qua, Sở NN&PTNT Tây Ninh đã phối hợp với Sở NN&PTNT thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”. Tổ chức ký hợp đồng nguyên tắc giữa các cơ sở sản xuất rau trên địa bàn tỉnh với các chợ đầu mối nông sản, các trung tâm thương mại, siêu thị của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được vì còn nhiều vướng mắc ở các khâu vận chuyển, giao nhận, hình thức thanh toán...

Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau và các đơn vị tiêu thụ như Co.opMart Tây Ninh, bếp ăn tập thể các công ty, xí nghiệp, trường học, cơ quan nhưng hiện nay vẫn còn trong giai đoạn… trao đổi thông tin.

Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống chuyên kinh doanh mặt hàng RAT. Người sản xuất không có nơi để tiêu thụ ổn định, giá bán sản phẩm chưa có sự khác biệt giữa rau sản xuất theo quy trình VietGAP với rau thông thường chưa được chứng nhận, nên chưa kích thích được nông dân tham gia sản xuất theo VietGAP.

Trong khi đó, ban chủ nhiệm các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế về năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, chưa chủ động liên hệ tìm đầu ra cho sản phẩm (thường ứng trước vốn sản xuất từ các thương lái địa phương sau đó bán sản phẩm để trừ dần nợ).

Diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún (mỗi nông dân thường sản xuất trên diện tích từ 100 - 5.000 m2; các hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô chỉ từ 2,3 - 6,8 ha) nên không thể đáp ứng được yêu cầu về số lượng chủng loại rau của các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.

Về quản lý Nhà nước, chưa có sự liên kết, phối hợp giữa ngành Nông nghiệp và các sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ RAT.

Để đạt được mục tiêu chương trình RAT theo đúng tiến độ cần có nguồn kinh phí kịp thời và đầy đủ theo các dự án ưu tiên thực hiện trong quy hoạch. Tuy nhiên, hằng năm, Sở NN&PTNT vẫn không được phân bổ đầy đủ ngân sách theo dự toán trong quy hoạch để thực hiện.

Để thực hiện có kết quả theo quy hoạch sản xuất, tiêu thụ RAT, cần có doanh nghiệp trung gian hoặc hợp tác xã làm cầu nối để tập hợp sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về chủng loại, số lượng, thời gian giao nhận, điều kiện bảo quản và phương tiện vận chuyển để cung ứng cho các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, siêu thị, bếp ăn tập thể…

Đồng thời, dựa vào quy hoạch, các địa phương cần định hướng phát triển thành các vùng chuyên canh sản xuất RAT tập trung; mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất RAT với quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao.


Related news

Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Trồng Lúa ? Chuyển Đổi Đất Lúa Đã Chậm Lại Làm Gì Để Giữ Ổn Định Đất Trồng Lúa ? Chuyển Đổi Đất Lúa Đã Chậm Lại

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết giữ ổn định 3,8 triệu ha đất lúa đến năm 2020, có ý kiến lo ngại khó thực hiện được chủ trương này, nhưng thực tế hiện nay tốc độ chuyển đổi đã chậm lại; thậm chí có địa phương xin chuyển đổi mục đích sử dụng, quay lại trồng lúa !

Thursday. May 10th, 2012
“Bà Đỡ” Của Nhà Nông “Bà Đỡ” Của Nhà Nông

Đưa về những giống lúa mới, giúp nông dân ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt, thực hiện tốt việc liên doanh liên kết, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm của nông dân - đó là những gì mà từ nhiều năm nay, Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Liên Thôn, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai đã làm được.

Thursday. June 14th, 2012
Trồng Cây Gì Để Chống Đói Sau Khi Lũ Rút? Trồng Cây Gì Để Chống Đói Sau Khi Lũ Rút?

Các loại ngô ngọt, ngô rau dùng làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao vì bán được giá, thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ khoảng 65-90 ngày)

Sunday. May 27th, 2012
Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tạm Lắng Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi Tạm Lắng

Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ven biển ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu đã tạm lắng, không phát hiện thêm vùng nuôi mới bị nhiễm bệnh.

Friday. June 15th, 2012
Nuôi Cá Sấu Công Nghệ Cao Nuôi Cá Sấu Công Nghệ Cao

Với quy trình công nghệ hiện đại khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu… Trại cá sấu Tồn Phát, ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM) hiện đã được Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc tế (CITES) cho phép xuất khẩu cá sấu, góp phần mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi.

Monday. March 12th, 2012