Quýt đường xanh tốt, quả sum suê trên đất bạc màu, khô cằn
Vừa đặt chân đến nhà bà Võ Thị Thê ở thôn Đông Thuận (Bình Trung), ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là vườn quýt đường chi chít trái, với nhiều quả chín căng mọng.
Bà Thê phấn khởi cho biết, đúng một tháng nữa là sẽ vào vụ thu hoạch chính đầu tiên, sau 3 năm trồng.
Đây là vùng đất khô cằn, vừa pha cát, đất sét lại bạc màu.
Thế nhưng, khi được Trạm Khuyến nông Bình Sơn chọn trồng thử nghiệm cây quýt đường, thì loại cây này đã “trụ được”, sinh trưởng tốt.
“Từ vườn tạp, trồng cây chỉ lấy củi, giá trị kinh tế rất thấp, nay 1 sào đất vườn nhà tôi đã được phủ kín bởi 150 cây quýt đường.
Vườn cây xanh tốt, cho quả ngọt, nên vợ chồng tôi vui lắm”, bà Thê cho hay.
Sau 3 năm chăm bón, vườn quýt đường nhà bà Thê đã cho trái trĩu cành.
Chọn giống cây ghép để trồng nên chỉ sau 1 năm chăm sóc, quýt cao đến chừng 1m đã cho quả, nhưng theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, hai năm đầu phải bấm hoa, ngăn quá trình tạo quả, để cây tập trung nuôi cành, lớn nhanh.
Bắt đầu từ năm thứ 3, khi cây lớn và có tán rộng mới cho đậu trái và thu hoạch.
Áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, tích cực chăm bón, nên đến nay gần 500 gốc quýt đường được trồng thử nghiệm ở 4 hộ gia đình đã đến kỳ cho quả.
Ông Trịnh Phú Đô, một trong 4 hộ trồng quýt đường cho biết: “Dù là năm đầu tiên bắt đầu để quả, nhưng trung bình một cây đã ra từ 30 - 40 quả, tương đương khoảng 4kg.
Một tháng nữa thu hoạch rộ, ước chừng 150 gốc thu hơn 500kg quýt.
Hiện cây phát triển, sinh trưởng khá tốt, phù hợp với chất đất và khí hậu nơi đây, nên những năm tiếp theo, tôi tin năng suất cây quýt đường sẽ cao hơn nữa”.
Dù chưa đến ngày thu hoạch, nhưng dạo quanh vườn quýt đã thấy những trái quýt đường da căng láng, mỏng vỏ, màu xanh ngả sang vàng.
Những hộ dân trồng quýt ở đây cho hay, đó là dấu hiệu để nhận biết trái chín, có thể ăn được.
Quýt đường chín có vị ngọt thanh, thơm và vỏ mỏng, rất dễ bóc vỏ nên so với các loại trái cây thuộc họ nhà cam, chanh, thì quýt đường được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Theo bà Võ Thị Thê, cây quýt đường dễ trồng nhưng muốn cây cho quả ngọt, mọng nước thì phải bón phân đủ liều lượng urê, lân, kali để giúp cây phát triển cành, tưới đủ nước, giữ ẩm cho cây và tuyệt đối không để ngập úng.
Còn gần nửa tháng nữa mới xuất bán lứa đầu tiên ra thị trường, nhưng bà Thê tin tưởng cho biết, với giá thu mua như hiện nay từ 20 – 30 nghìn đồng/kg thì gần 150 gốc quýt đường, cũng thu về ít nhất hơn 10 triệu đồng.
Ông Vũ Thế Sơn - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Bình Sơn cho biết: Quýt đường là loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao và đầu ra rất ổn định, nên Trạm đã quyết định chọn trồng thí điểm.
Sau 3 năm trồng, cây sinh trưởng tốt và bắt đầu cho quả ngọt.
Hy vọng giống cây mới này có thể giúp người dân Bình Trung phát triển kinh tế bền vững, cải tạo từ vườn tạp thành vườn cây ăn trái, từng bước chuyển đổi thành vùng chuyên canh quýt đường.
Related news
Hòa Bình là tỉnh miền núi, là cửa ngõ nối liền khu vực Tây Bắc với đồng bằng Bắc Bộ. Nhắc đến Hòa Bình, không thể không nói đến công trình thủy điện Hòa Bình kỳ vĩ, những suối nước khoáng nóng nổi tiếng ở Kim Bôi, hay những thung lũng hoang sơ đẹp mê đắm lòng người…
Quả hình thuôn dài như ngón tay người, vỏ mỏng, ăn có vị ngọt,... loại nho có tên “mỹ nhân chỉ” của Trung Quốc đang cực kỳ hút khách, thậm chí còn cháy hàng dù chúng có giá đắt gấp 5 lần loại nho sữa của Ninh Thuận.
Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã công bố danh sách 119 điểm bán nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản của 16 tỉnh, thành phố phía Bắc.