Quyết tâm xây dựng xã văn hóa nông thôn mới
Cảnh quan môi trường ở địa phương ngày càng được cải thiện.
Giảm nghèo là điều mà địa phương đặc biệt quan tâm từ khi chia tách.
Bởi Lương Nghĩa xác định, khi đời sống người dân ổn định, công tác tuyên truyền sẽ hiệu quả hơn, nhất là việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Địa phương đã bắt tay vào thực hiện nhiều giải pháp để người dân thoát nghèo.
Khi mới chia tách, thu nhập bình quân đầu người trên dưới 10 triệu đồng/người/năm.
Địa phương xác định phải từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đồng thời tìm nơi hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.
Các mô hình như trồng dưa hấu, rau màu, nuôi cá trên ruộng lúa… được triển khai.
Người dân được tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông qua các cuộc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…
Song song đó, địa phương còn nêu gương, nhân rộng những mô hình thoát nghèo, mô hình làm ăn hiệu quả để người dân học tập.
Bên cạnh đó, địa phương còn quan tâm đến việc mở lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; vận động Quỹ vì người nghèo, Quỹ an sinh phúc lợi xã hội… để xây dựng nhà tình thương, giải quyết cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất…
Mỗi năm, Lương Nghĩa giảm từ 1 đến 2% hộ nghèo, hiện giờ còn khoảng 17%.
Nhắc đến những hộ thoát nghèo ở Lương Nghĩa, nhiều người vẫn nhớ hộ ông Danh Quận, ở ấp 10.
Trước đây, gia đình ông nghèo lắm, các con còn nhỏ, đi học, chưa tiếp giúp được việc gì.
Thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào tiền đi làm thuê, làm mướn của vợ chồng ông.
Không nản lòng, ông bà quyết tâm chịu cực, chịu khổ, chắt chiu từng đồng để lo cho con ăn học.
Tranh thủ sau những giờ đi làm thuê, ông bà trồng rau, nuôi heo, nuôi cá trên mảnh đất nhỏ của gia đình.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay và kỹ thuật, cộng với việc chi tiêu tằn tiện, các con biết thương cha mẹ, luôn chăm ngoan, học giỏi, gia đình ông đã dần đẩy lùi cái nghèo, các con ông cũng được học hành nên người.
Hiện, 1 người đang học thạc sĩ, 2 người đang học đại học.
Ông chia sẻ, đây chính là niềm vui, hạnh phúc của gia đình.
Đời ông bà đã nghèo khó rồi, ông muốn các con mình phải thoát ra khỏi.
Muốn vậy chỉ có việc học… Sự cố gắng vươn lên của gia đình ông luôn là tấm gương cho mọi người ở đây noi theo.
Không chỉ ông, mà còn nhiều người dân ở ấp này, đã ý thức trong việc làm ăn để cải thiện cuộc sống và chăm lo cho con cái ăn học.
Đây chính là điểm sáng luôn là đề tài để mọi người nói chuyện với nhau, như gia đình của ông Lâm Khem, Danh Thể, gia đình chị Thị Mỹ Dinh…
Cùng với việc quan tâm giảm nghèo, nâng chất đời sống tinh thần cũng được địa phương đặc biệt quan tâm.
Anh Lê Quốc Cường, cán bộ văn hóa, xã hội xã Lương Nghĩa, cho biết, hàng năm, để tạo phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao cho địa phương, Lương Nghĩa tổ chức hội thi, hội thao, để các ấp cùng tham gia.
Qua đó, vừa tạo sân chơi lành mạnh, vừa là dịp để địa phương phát hiện và chăm bồi những nhân tố mới.
Càng tổ chức, sự tranh đua của từng ấp càng thể hiện rõ.
Thông qua những dịp này, địa phương lồng ghép tuyên truyền và cung cấp nhiều thông tin cho nhân dân, qua các phần thi.
Cùng với việc tổ chức sân chơi lành mạnh, thu hút sự quan tâm của người dân, địa phương còn quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo thêm nhiều điểm sinh hoạt thường xuyên.
Bên cạnh đó, Lương Nghĩa từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa, thư viện xã, nhà thông tin ấp… để tạo thêm nhiều điểm đến, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người dân.
Từ đó, ý thức người dân từng bước nâng cao.
Đây là điều kiện để địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa.
Họ cũng bắt đầu quan tâm nhiều đến cảnh quan môi trường, thông qua cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, được tổ chức gần 10 năm nay, làm cho cảnh quan có sự thay đổi rõ nét…
Lương Nghĩa đang từng bước xây dựng và giữ vững các danh hiệu văn hóa và nâng chất theo từng năm.
Hiện giờ, xã có hơn 91% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 5/5 ấp giữ vững danh hiệu văn hóa, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/người/năm; đã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới.
Ông Lương Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, cho biết, Lương Nghĩa phấn đấu mỗi năm giảm 1 đến 2% hộ nghèo, xây dựng 2 tiêu chí nông thôn mới, nâng chất và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa… để từng bước hướng đến xã văn hóa nông thôn mới và xã nông thôn mới.
Để làm được điều này, đòi hỏi sự quyết tâm của địa phương, sự đồng lòng của người dân và điều quan trọng địa phương đang cần là sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp có liên quan.
Related news
Vừa đọc được tin trên báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngay ngày hôm sau tôi đã mò lên Bắc Giang để đi thăm cơ sở nuôi vịt trời đầu tiên ở Việt Nam. Đây là trại nuôi vịt trời của anh Tô Quang Dần ở bên hồ Cây Đa, thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Gắn bó và trồng quýt nhiều năm nay, ông Phạm Văn Thí (ở ấp Bầu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xem là một trong những người trồng quýt giỏi ở vùng này.
Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp.
Diện tích đất trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, do nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác thu được lợi nhuận cao hơn.
Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh.