Quy trình tạm thời tưới nhỏ giọt cho cây cà phê vối thời kỳ kinh doanh
Quy trình tạm thời tưới nhỏ giọt cho cây cà phê vối thời kỳ kinh doanh được ban hành theo Quyết định số 5100/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/12/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Quy trình tưới nhỏ giọt áp dụng cho cây cà phê vối thời kỳ kinh doanh tại Tây Nguyên và những vùng có điều kiện khí hậu và đất đai tương tự. Có thể áp dụng cho khu vực có độ dốc địa hình dưới 20%.
Mục tiêu áp dụng quy trình: Tiết kiệm nước tưới trong canh tác cà phê vối trên 30%; nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê trên 15%.
I. XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM TƯỚI NƯỚC
1. Thời điểm tưới nước lần đầu (tưới bung hoa lần 1)
- Thời gian: Từ tháng 2 đến đầu tháng 3.
- Thời điểm: Căn cứ 1 trong 2 yếu tố sau:
+ Biểu hiện của cây cà phê: Khi hoa đã phân hóa đầy đủ, nụ hoa có màu trắng ngà, dài khoảng 1 - 1,5 cm; cây đã có triệu chứng héo tạm thời, lá rũ xuống vào ban ngày là thời điểm tưới nước thích hợp nhất;
+ Độ ẩm đất ở tầng 0 - 30 cm: Từ 27 - 28% dung trọng đất khô.
Lưu ý: Độ ẩm đất được xác định bằng phương pháp sử dụng thiết bị đo độ ẩm đất chuyên dụng như máy tensiometer (đo độ ẩm cầm tay), máy cân sấy,...
2. Xác định thời điểm tưới nước các lần tiếp theo
- Tưới bung hoa lần 2 (vào đầu tháng 3): Cách lần tưới đầu từ 15 - 20 ngày.
- Tưới nuôi quả:
+ Trong mùa khô (từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4): Thời gian giữa các lần tưới là 10 ngày;
+ Trong mùa mưa (từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10): Chỉ tưới khi cần bón phân qua hệ thống tưới hoặc bón phân theo cách truyền thống mà không có mưa.
- Tưới thời kỳ quả chín và thu hoạch (từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11): Thời gian giữa các lần tưới là 10 ngày.
Lưu ý:
- Giai đoạn phân hóa mầm hoa (từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 2 năm sau): Không được tưới;
- Thời điểm bón phân nên điều chỉnh phù hợp với các thời điểm tưới nước để đạt hiệu quả bón phân cao nhất;
- Đối với vườn cà phê lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt khi cây đã bước vào giai đoạn kinh doanh, cần tưới gom rễ trong 1 - 2 tháng với kỹ thuật tưới gom rễ theo hướng dẫn tại Phụ lục I.
II. LƯỢNG NƯỚC TƯỚI
Tổng mức tưới toàn vụ từ 900 m3/ha đến 1.200 m3/ha, tưới từ 15 - 18 lần với mức tưới mỗi lần như sau:
- Tưới bung hoa lần 1: 250 lít/gốc, tương đương 275 m3/ha;
- Tưới bung hoa lần 2: 150 lít/gốc, tương đương 165 m3/ha;
- Tưới nuôi quả:
+ Trong mùa khô: 50 - 80 lít/gốc, tương đương 55 - 88 m3/ha;
+ Trong mùa mưa: 20 lít/gốc, tương đương 22 m3/ha;
- Tưới thời kỳ quả chín và thu hoạch: 50 lít/gốc, tương đương 55 m3/ha.
Lưu ý: Trong thời kỳ cần tưới nếu có mưa với lượng >30 mm, có thể thay thế cho một lần tưới.
III. KỸ THUẬT TƯỚI
1. Lựa chọn thiết bị tưới
- Thiết bị tưới bao gồm: máy bơm, đường ống và van điều tiết, cụm điều khiển trung tâm, dây tưới,... (Phụ lục II).
- Định mức xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1 ha cà phê: Phụ lục III.
2. Lắp đặt hệ thống tưới
Lắp đặt hệ thống tưới theo hướng dẫn tại Phụ lục IV.
3. Kiểm soát lượng nước tưới
Kiểm soát lượng nước tưới trong từng đợt tưới: Dựa trên chỉ số đồng hồ đo lưu lượng được lắp trên hệ thống đường ống.
4. Kỹ thuật tưới phân
Thời kỳ và các quy định khác về bón phân thực hiện theo Quy trình tái canh cà phê vối ban hành kèm theo Quyết định số 2058/QĐ-BNN-TT, ngày 31 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Kỹ thuật tưới phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt như sau:
- Chọn phân: Chọn loại phân có khả năng hòa tan 100% trong nước, như đạm đơn, phân lân có khả năng hòa tan, kali đơn hoặc các phân NPK dạng hòa tan chuyên dụng cho hệ thống tưới nhỏ giọt theo khuyến cáo của nhà sản xuất (Phụ lục V).
- Hòa phân: Cho phân vào bình hòa phân bón, điều chỉnh van và cấp nước vào để hòa tan phân bón. Trong quá trình hòa phân, chú ý sự phù hợp giữa các loại phân (Phụ lục V). Nếu các loại phân không phù hợp với nhau, có thể hòa riêng và chia làm các đợt tưới, bón khác nhau.
- Tưới phân: Điều chỉnh hệ thống van để nước tưới chảy qua hệ thống châm phân bón. Khi chỉ số trên đồng hồ đo áp lực là 2,5 bar, tiến hành mở van và tưới phân cho cà phê.
- Lượng và loại phân bón: Phụ lục VI.
5. Quản lý vận hành và sửa chữa hệ thống tưới
a. Máy bơm
- Thường xuyên kiểm tra điều kiện về điện áp và nhiệt độ máy bơm, theo dõi khả năng làm việc của máy bơm thông qua đồng hồ đo áp lực nước;
- Máy bơm khi đã vận hành khoảng 100 giờ cần phải được làm sạch ổ đỡ và thay dầu mỡ; vận hành khoảng 200 giờ cần tháo kiểm tra tất cả các bộ phận, làm sạch, đánh rỉ, sửa chữa hoặc thay thế các linh kiện bị hỏng;
- Tuân thủ quy trình vận hành sửa chữa máy bơm của nhà sản xuất.
b. Thiết bị lọc nước cần được kiểm tra và xúc rửa định kỳ sau 20 giờ tưới hoặc hệ thống có hiện tượng tắc (chỉ số đồng hồ đo áp lực giảm xuống).
c. Hệ thống đường ống
- Sau một vụ tưới phải mở các van cuối đường ống chính, ống nhánh và mở tất cả đầu cuối của đường ống cấp cuối cùng để thau rửa sạch đường ống.
- Cách thau rửa:
+ Đóng van các ống nhánh, mở nắp cuối ống chính và tiến hành tháo nước thau ống chính;
+ Sau khi thau rửa ống chính xong, khóa nắp cuối ống chính và mở các van nhánh để thau rửa ống nhánh và dây tưới;
+ Việc thau rửa được tiến hành cho từng cấp ống; thời gian thau rửa khoảng 15 phút;
+ Nếu cần thiết có thể sử dụng hoá chất hỗ trợ như Clo, axit Phosphoric 32% để thau rửa đường ống theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
d. Các loại đồng hồ áp lực, đo lưu lượng: Kết thúc mùa tưới tiến hành bảo dưỡng, điều chỉnh hệ thống đồng hồ đo.
đ. Dây tưới nhỏ giọt
- Định kỳ 3 tháng một lần xả ống nhỏ giọt để đẩy các chất cặn bẩn, kết tủa trong ống và đầu nhỏ giọt ra ngoài, mỗi lần xả ống nhỏ giọt mở không quá 5 đầu bịt cuối dây nhỏ giọt và mở trong thời gian từ 3 - 5 phút, sau đó đóng lại và tiếp tục mở 5 hàng ống kế tiếp.
- Thường xuyên kiểm tra ống nhỏ giọt và đo lưu lượng đầu nhỏ giọt; nếu lưu lượng giảm hoặc không đều có thể do đầu nhỏ giọt bị tắc, cần kiểm tra để xử lý.
- Khi xảy ra trường hợp bị tắc nghẹt đầu nhỏ giọt, cần lấy mẫu xác định nguyên nhân gây tắc nghẹt và xử lý theo quy trình hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nếu dây tưới bị đứt do quá trình canh tác, cần nối hoặc thay thế dây tưới.
Related news
Bón phân ĐYT NPK Văn Điển sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu các yếu tố dinh dưỡng cho cây bí đạt năng suất cao, chất lượng tốt.
Phong trào này ngày càng phát huy hiệu quả và giúp nhiều hộ thoát nghèo. Một trong những tổ nổi bật nhất là Tổ ĐKTT số 1, ấp 1, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp.
Nhận thấy măng tây xanh có giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu tại Việt Nam, nông dân nhiều địa phương đã đưa loại cây này vào sản xuất