Home / Hải sản / Tôm sú

Quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh (Phần 1A)

Quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh (Phần 1A)
Author: BBT (gt)
Publish date: Tuesday. February 27th, 2018

Kỹ thuật chuẩn bị ao nuôi, chọn và thả giống, chăm sóc, quản lý và thu hoạch

Trong năm 2014, tình hình thiệt hại trên tôm nước lợ do bệnh hoại tử gan tụy cấp có giảm, nhưng bệnh đốm trắng vẫn tăng và diễn ra trên diện rộng. Mặc dù vậy, trong các vùng nuôi tôm bị bệnh vẫn có những mô hình nuôi đạt kết quả tốt do có quy trình quản lý nuôi chặt chẽ. Trên cơ sở kết quả khảo sát các mô hình nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh, Tổng cục Thủy sản đã tổng kết đánh giá và xây dựng “Quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh” để phổ biến nhân rộng.

Để vụ tôm nước lợ năm 2015 đạt nhiều thắng lợi, theo đúng khung lịch mùa vụ và theo đúng hướng dẫn tại “Quy trình tạm thời nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh”, Khuyến nông Việt Nam giới thiệu chi tiết nội dung quy trình để người dân nuôi trồng thủy sản áp dụng vào sản xuất.

 I. ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

- Cơ sở nuôi nằm trong vùng quy hoạch.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng phải đáp ứng yêu cầu sản xuất như: Điện, kho chứa thức ăn, kho chứa và bảo quản máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu và công trình phụ trợ khác tuỳ theo từng cơ sở. Có hệ thống cấp đủ nước sạch và thoát nước riêng biệt, có ao chứa chiếm 20-25% diện tích nuôi và phải có hệ thống ao xử lý nước thải.

- Cơ sở nuôi phải đảm bảo có trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng như: máy quạt nước, quạt nước, máy bơm nước, chài, vợt các loại, cân, thau, xô, dụng cụ đo môi trường: pH, oxy, NH3, H2S, độ mặn, kiềm,...  và các thiết bị phụ trợ khác.

- Thả giống đúng lịch mùa vụ do địa phương hướng dẫn.

Sơ đồ mặt bằng hệ thống ao nuôi tôm nước lợ

II. KỸ THUẬT ÁP DỤNG

2.1. Chuẩn bị ao nuôi:

2.1.1. Cải tạo ao nuôi, ao chứa:

- Bước 1: Tháo cạn nước ao nuôi và ao chứa. Loại bỏ các địch hại có trong ao (tôm, cua, ốc, côn trùng, cá tạp…). Vét bùn đáy ao, tu sửa bờ, các cống cấp nước, thoát nước. San đáy ao dốc về phía cống thoát. Phải đầm nén kỹ bờ ao hoặc lót bạt để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Rào lưới quanh ao để tránh các loài ký chủ trung gian gây bệnh từ bên ngoài như: cua, còng, rắn...

- Bước 2: Bón vôi bột nông nghiệp liều lượng như bảng 1:

pH của đất ở đáy ao, bờ ao

Lượng vôi (tấn ha)

4,5 - 5,0 1,5 - 2,5
5,1 - 6,0 1,0 - 1,5
6,1 - 6,5 0,5 - 1,0

Bảng 1: Lượng vôi sử dụng theo pH đất

- Bước 3: Bừa kỹ cho vôi ngấm vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH. Ao lót bạt đáy chỉ cần vệ sinh khử trùng.

- Bước 4: Phơi đáy ao từ 20-30 ngày.

Đối với những ao không phơi được đáy: bơm cạn nước tối đa có thể, dùng máy cào chất thải về góc ao, bơm chất thải vào ao chứa thải, sau đó tiến hành bón vôi với liều lượng như bước 2.

* Lưu ý: Sau mỗi vụ nuôi, phải phơi khô cứng nền đáy ao chứa, ao nuôi khoảng 1-2 tháng để ngắt vụ, tiêu diệt các mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi môi trường nền đáy.

2.1.2. Chuẩn bị hệ thống quạt nước và thời gian sử dụng

a. Vị trí đặt cánh quạt nước

- Cách bờ 1,5 m.

- Khoảng cách giữa 2 cách quạt nước 60 – 80 cm, lắp so le nhau.

- Tùy theo hình dạng ao mà bố trí cánh quạt nước nhằm tạo được dòng chảy tốt nhất và cung cấp đủ nhu cầu oxy cho tôm nuôi.

b. Số lượng máy quạt nước

- Đối với tôm sú theo hướng dẫn tại bảng 2.

Diện tích ao (m2) Mật độ: 15-20 con Mật độ: 20-25 con Tốc độ vòng quay (vòng/phút)
3.000 20-25 cánh 25-30 cánh 100-120
5.000 50-60 cánh 60-80 cánh 100-120

Bảng 2: Số lượng máy quạt nước cho ao nuôi tôm sú

- Đối với nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng dẫn tại bảng 3:

Tôm thẻ chân trắng đòi hỏi oxy rất lớn. Do đó, tùy theo mật độ thả nuôi có thể thiết kế hệ thống quạt nước bằng cánh quạt nhựa hoặc kết hợp cánh quạt nhựa và cánh quạt lông nhím hoặc các cánh quạt cung cấp oxy khác để cung cấp oxy cho ao nuôi. Vòng tua của cánh quạt nhựa nên >120 vòng/phút (tại bảng 3).

Diện tích ao (m2) Mật độ (con/m2) Số lượng dàn quạt cánh Số lượng dàn quạt lông nhím
3.000 30-60 4 dàn (10 cánh quạt/dàn) 1
60-100 4 dàn (10 cánh quạt/dàn) 2
4.000-5.000 30-60 6 dàn (10 cánh quạt/dàn) 2
60-100 6 dàn (10 cánh quạt/dàn) 3-4

Bảng 3: Số lượng máy quạt nước cho ao nuôi tôm thẻ chân trắng

Bố trí hệ thống quạt nước và thời gian chạy quạt nước phải đảm bảo nhu cầu oxy cho tôm nuôi, đặc biệt thời điểm chiều tối/đêm/gần sáng khi hàm lượng oxy hòa tan giảm dần/xuống thấp nhất trong ngày.

Cần tăng cường thời gian chạy quạt hoặc bố trí thêm hệ thống quạt cho tôm nuôi, đặc biệt vào những thời điểm nắng nóng hoặc mưa kéo dài.

2.1.3. Xử lý nước và lấy nước vào ao chứa và ao nuôi:

- Bước 1: Lấy nước vào ao chứa qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp. Để ổn định 3-7 ngày.

- Bước 2: Chạy quạt nước liên tục trong 2 - 3 ngày để kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá tạp nở thành ấu trùng.

- Bước 3: Diệt tạp, diệt khuẩn nước cấp trong ao chứa vào buổi sáng (8h) hoặc buổi chiều (16h) bằng Chlorine nồng độ 20-30 ppm (20-30kg/1.000m3 nước), hoặc những chất diệt tạp có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam (không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm).

Một số hóa chất có thể dùng để diệt tạp, diệt khuẩn nước:

- Thuốc tím (KMnO4): 20 - 50 kg/ha, tạt đều khắp ao và để ít nhất sau 24 giờ mới tiến hành gây màu nước.

- BKC (Benzalkonium Chlorinde) ≥50%: là 3-5 ppm (30-50 kg/ha).

- Hợp chất Iodine ≥10%: 1-3 lít/1.000m3 nước. 

* Lưu ý: Chỉ sử dụng một trong các loại hoá chất: hoặc thuốc tím, hoặc Chlorine, hoặc BKC, hoặc Iodine. Nếu sử dụng Chlorine để diệt trùng thì trước đó từ 3-5 ngày không nên sử dụng vôi vì vôi làm tăng pH, giảm khả năng diệt trùng của Chlorine.

- Bước 4: Quạt nước liên tục trong 10 ngày để giải phóng dư lượng Chlorine. Kiểm tra dư lượng chlorine trong nước bằng thuốc thử.

- Bước 5. Thả cá rô phi vào ao chứa: 50 kg cá rô phi đơn tính, cỡ cá 50 gr/con/3000m2 ao.

- Bước 6. Lấy nước từ ao chứa đã được xử lý vào ao nuôi qua túi lọc.

* Lưu ý:

+ Đối với ao chứa duy trì nuôi cá rô phi liên tục trong suốt quá trình.

+ Không lấy nước vào ao khi: (1) nước ngoài kênh/mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa; (2) nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh; (3) nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.

+ Đặc biệt lưu ý tiêu diệt triệt để giáp xác, các vật chủ trung gian (thực hiện nghiêm về thời gian và kỹ thuật cải tạo ao nêu trên) và không để chúng xâm nhập vào hệ thống ao nuôi.

2.1.4. Gây màu nước ao nuôi:

- Gây màu nước giúp phát triển vi sinh vật phù du, ổn định môi trường nước, tạo môi trường thuận lợi hạn chế tôm bị sốc, tăng tỉ lệ sống.

- Sử dụng các chế phẩm vi sinh của các công ty có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng (như TA-GOLD, Rhodo powder, Pro BCS....) được ủ với cám gạo, mật đường, bột đậu nành... trước khi tạt vào ao nuôi để gây màu nước.

- Kết hợp với đánh vôi Dolomite + CaCO3 liều lượng 20 kg/1000 m3.

* Lưu ý:

+ Không dùng phân vô cơ gây màu nước.

+ Kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố môi trường nước ao nuôi đảm bảo trong ngưỡng thích hợp trước khi thả giống:

TT Thông số Đơn vị Giá trị cho phép
1 Oxy hòa tan (DO) mg/l ≥ 3,5
2 pH 7÷9, giao động trong ngày không quá 0,5
3 Độ mặn 5÷35
4 Độ kiềm mg/l 60÷180
5 Đô trong cm 20÷50
6 NH3 mg/l <0,3
7 H2S mg/l <0,05
8 Nhiệt độ °C 18÷33

Bảng 4. Chất lượng nước cấp vào ao nuôi và nước ao nuôi tôm

2.2. Chọn và thả giống:

2.2.1. Chọn giống:

- Nguồn gốc: Chọn mua tôm giống từ các cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định; tôm Postlarva có phiếu xét nghiệm âm tính về các mầm bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, IMNV, hoại tử gan tụy...

- Cỡ giống: tôm sú tối thiểu Postlarvae (P15) tương ứng chiều dài 12mm; tôm thẻ chân trắng tối thiểu Postlarvae (P12) tương ứng chiều dài 9-11mm. Cảm quan đánh giá về kích cỡ, màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối. Tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt. Phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa. Phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám. Đường ruột đầy thức ăn. Không bệnh phát sáng.

- Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc bằng formol trước khi thả: Thả 100-200 tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch formol nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống >95% là đạt yêu cầu.

2.2.2. Thả giống:

- Mật độ thả: Tôm sú: 15 - 25 con/m2. Tôm thẻ chân trắng: 60 - 80 con/m2.

- Cách thả:

+ Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Cân bằng nhiệt độ nước giữa bao giống và nước ao nuôi bằng cách ngâm bao giống trong ao cho đến khi cân bằng nhiệt. Sau đó, cho nước từ từ vào bao, cầm phía đáy bao từ từ dốc để tôm theo nước ra ao nuôi.

+ Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 - 12 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4 mg/l.

- Vị trí thả: thả đều các điểm trong ao là tốt nhất.  

* Lưu ý: Đối với tôm sú có thể thả giống ương vào 01 ao nuôi với mật độ từ 40 – 50 con/m2 và nuôi trong thời gian 1 – 1,5 tháng, sau đó san thưa qua các ao còn lại. Cách làm này giúp chăm sóc tôm nuôi và kiểm soát tỉ lệ sống tốt hơn và tiết kiệm chi phí sản xuất và công lao động.


Related news

Nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến cho năng suất cao Nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến cho năng suất cao

Tại Cà Mau, bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật nuôi tôm theo hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến giúp năng suất tôm sú tăng cao rất khả quan.

Thursday. November 30th, 2017
Bệnh thiếu dinh dưỡng trên tôm sú Bệnh thiếu dinh dưỡng trên tôm sú

Thức ăn công nghiệp quan tâm nhiều đến lợi nhuận tối đa với chi phí tối thiểu, không chú trọng để đảm bảo có đầy đủ các chất dinh dưỡng vi lượng

Thursday. November 30th, 2017
Quản lý yếu tố môi trường để tăng năng suất nuôi tôm sú Quản lý yếu tố môi trường để tăng năng suất nuôi tôm sú

Yếu tố môi trường có ý nghĩa quan trọng trong nuôi tôm sú, nhất là khi gặp điều kiện bất lợi năng suất sẽ giảm. Để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi tôm

Friday. December 22nd, 2017