Quy trình quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi Citripestis Sagittiferella tại tỉnh Bến Tre
Bến Tre có diện tích bưởi da xanh rất lớn, khoảng trên 6000 ha; đây là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, giúp người dân tăng thu nhập đáng kể và cũng là một trong 8 nông sản chủ lực trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, diện tích bưởi phân bố chủ yếu tại các huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và thành phố Bến Tre...
Cách thả ong mắt đỏ.
Tuy nhiên, trên bưởi thường xuất hiện các đối tượng gây hại khá phổ biến rệp sáp, sâu vẽ bùa, bọ trĩ, sâu đục trái,... Trong đó, sâu đục trái là đối tượng gây hại chính trên bưởi và làm giảm năng suất bưởi và mất giá trị thương phẩm. Do đó, để quản lý tốt sâu đục trái gây hại trên bưởi và an toàn hơn với môi trường sinh thái, tùy điều kiện từng vùng mà người trồng bưởi cần áp dụng linh hoạt những biện pháp cụ thể sau đây:
Bước 1:
Vệ sinh vườn sau thu hoạch: Sau thu hoạch cần cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già, cành vô hiệu, cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời cây đang mang quả để hạn chế tiêu hao dinh dưỡng và tạo thông thoáng vườn cây.
Chú ý : phải khử trùng dụng cụ cắt tỉa bằng nước Javel hoặc cồn 90o khi cắt hoặc tỉa cành để tránh lây bệnh qua cây khác. Đối với những cành lớn hơn 3cm thì phải dùng cưa. Những vết thương lớn sau khi cắt tỉa cần phải dùng thuốc trừ bệnh quét mặt vết cắt nhằm tránh vết thương bị thối tạo điều kiện thích hợp cho côn trùng và mầm bệnh tấn công.
Bước 2:
* Nhân nuôi và thả ong ký sinh Trichogramma sp (ong mắt đỏ) trong vườn bưởi. Sau đó, sử dung ong ký sinh ong mắt đỏ ký sinh trứng sâu đục trái bưởi (nông dân có thể tự nhân nuôi loài ong ký sinh này) thả ra vườn bưởi. Thả ong vào buổi sáng sớm hoăc chiều mát.
Thành trùng ong mắt đỏ (Trichogramma sp).
* Các biện pháp hỗ trợ để tạo điều kiện cho nguồn ong ký sinh phát triển:
+ Trồng các loại cây có hoa màu sắc sặc sở, nhiều mật, ra hoa quanh năm như hoa sao nhái, sài đất, đậu phọng dại,…vừa tạo độ ẩm cho vườn cây, chống xói mòn trong mùa mưa, hạn chế cỏ dại vừa tạo điều kiện cho nguồn ong ký sinh phát triển trong vườn.
+ Sử dụng trứng ngài gạo dán vào hộp treo trong vườn để tạo điều kiện cho ong ký sinh đẻ trứng, nếu trong vườn không có ổ trứng sâu đục trái khi ong vũ hóa.
+ Trồng cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất trong mùa nắng vừa hạn chế xói mòn, ngập úng trong mùa mưa vừa tạo nguồn ký chủ cho ong ký sinh đẻ trứng, vì ong ký sinh Trichogramma sp là loài đa ký chủ, chúng có thể ký sinh trên trứng của nhiều loài côn trùng bộ cánh vẩy, trong đó có trứng của các loài sâu hại cỏ dại và các loại cây khác.
* Nhân nuôi kiến vàng trong vườn
Kiến vàng được xem là thiên địch của nhiều loài sâu hại trên cây có múi, loài kiến này sẽ ăn trứng, sâu non và tấn công bướm. Do vậy, cần tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn bưởi.
Chú ý: khi thả ong ký sinh và nuôi kiến vàng nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ong và kiến.
Bước 3:
Khoảng 1 tháng sau khi đậu trái tiến hành tỉa trái (loại bỏ trái phát triển kém, méo mó, chỉ nên để 1-2 trái /chùm). Bao trái với loại bao bằng vải lưới mùng tuyl (hở đáy hoặc kín đáy). Nên sử dụng dầu khoáng phun để "vệ sinh" trái trước khi bao và không cần thiết phun bất kỳ loại thuốc nào để phòng trừ sâu đục trái sau khi bao. Trong quá trình bao trái nếu có xuất hiện nhóm rệp sáp sử dụng dầu khoáng để phòng trừ.
Bước 4:
Nếu không áp dụng biện pháp bao trái có thể sử dụng Nấm trắng (Beauveria bassiana) là chế phẩm sinh học hoặc sử dụng dầu khoáng trong quản lý sâu đục trái bưởi. Sử dụng nấm trắng với liều lượng 0,5 kg/16lít, sử dụng dầu khoáng với liều lượng 160ml/16 lít nước, phun 30 ngày/ lần hoặc quan sát khi thấy trứng xuất hiện trên trái.
Khi phun dầu khoáng cần chú ý không phun lúc trời nắng gắt, liều lượng quá cao và lúc cây đang bị khô hạn.
Bước 5:
Trong quá trình canh tác, thường xuyên thăm vườn phát hiện khi có trái bưởi bị sâu gây hại nên thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, sau đó đem tiêu huỷ bằng cách cho vào nước vôi 1 - 5 % (1-5 kg vôi pha với 100 lít nước), sâu trong trái bưởi sẽ chết sau vài giờ, đây là cách hạn chế lây lan nguồn sâu một cách rất hiệu quả.
Bước 6:
Chăm sóc cho cây khỏe: Bón phân cho cây bưởi khỏe, phát triển mạnh. Liều lượng phân sử dụng cho cây bưởi theo từng giai đoạn tuổi cây và năng suất vụ trước. Bón dư phân đạm, bón phân không cân đối không những năng suất không cao, tăng giá thành mà còn tạo điều kiện cho sâu bệnh tấn công, làm giảm chất lượng bưởi. Tăng cường bón phân hữu cơ làm tăng sức đề kháng cho cây và tăng chất lượng trái bưởi.
Nước cùng với phân bón là hai yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng lớn nhất đến sinh trưởng phát dục của cây bưởi. Độ ẩm thích hợp ổn định là biện pháp rất cơ bản để tăng sản lượng và chất lượng. Vườn thoát nước tốt trong mùa mưa, mực thủy cấp > 80cm.
Phân bón lá có hiệu quả trong việc cung cấp dinh dưỡng trong những giai đoạn khủng hoảng mà việc cung cấp dinh dưỡng qua rễ không đáp ứng được đầy đủ. Dinh dưỡng cung cấp qua phân bón lá chủ yếu là một số vi lượng. Tuy nhiên, không được lạm dụng phân bón lá sẽ tạo điều kiện cho một số bệnh phát triển.
Related news
Với thắc mắc trên, TS Tống Khiêm đã giới thiệu kĩ thuật bón phân cho bưởi như sau:
Bưởi da xanh là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo: vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột - mang lại giá trị kinh tế cao
Bưởi da xanh có thể bị muỗi đục lá và sâu bướm phượng tấn công. Hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp phòng trừ loại côn trùng gây hại này