Quy trình nuôi cá hô thương phẩm
Cá hô là loài cá quý hiếm được liệt vào Sách Đỏ. Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản Nam bộ đã nhân giống và nuôi thương phẩm cá hô tại một số tỉnh miền Tây mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi cá hô trong ao đất có thế đạt trọng lượng 3 - 4 kg/con sau hơn 2 năm. Ảnh: Phan Thanh
Điều kiện ao nuôi
Việc lựa chọn vị trí ao nuôi là yếu tố rất quan trọng. Nền đất không bị nhiễm phèn, thông thoáng, không có tán cây che phủ. Gần nơi cung cấp nước như: sông, kênh, rạch lớn, có thể chủ động được nguồn nước phục vụ cho suốt cả vụ nuôi. Thuận tiện giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển thức ăn, cá giống và vận chuyển cá khi thu hoạch, đồng thời giảm được chi phí sản xuất cho vụ nuôi. Ao nuôi có diện tích từ 2.000 m2 trở lên; độ sâu từ 1,5 m (mực nước đảm bảo thường xuyên). Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, bờ ao phải đảm bảo chắc chắn, không rò rỉ, không tràn bờ khi mùa nước lên. Nhiệt độ nước thích hợp từ 26 - 300C, pH thích hợp từ 7 - 8,5. Hàm lượng ôxy hòa tan lớn hơn 3 mg/l. Chất lượng nguồn nước cấp cho ao nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm.
Trước khi thả cá phải thực hiện các bước chuẩn bị ao như: Tháo cạn hoặc tát cạn ao, bắt hết cá tạp trong ao, diệt cá tạp bằng rễ dây thuốc cá (có thể dung saponin liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất). Dọn sạch rong, cỏ dưới đáy và bờ ao; Vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn dày 0,2 - 0,3 m (nếu có thể); Lấp hết hang hốc, lỗ mọi rò rỉ và tu sửa lại bờ, mái bờ ao; Dùng vôi CaO rải khắp đáy ao và bờ ao với lượng vôi 7 - 10 kg/100 m2 để điều chỉnh pH thích hợp, đồng thời diệt hết các mầm bệnh còn tồn lưu ở đáy ao; Phơi đáy ao 2 - 3 ngày đến khi nào vừa ráo mặt ao, không nên phơi ao quá lâu sẽ có hiện tượng xì phèn không có lợi cho ao nuôi; Sau cùng, cho nước từ từ vào ao qua cống có chắn lưới lọc để ngăn cá dữ và địch hại lọt vào ao, giữ mức nước ao 1,5 m trở lên.
Chọn và thả giống
Cá thả nuôi cần được chọn lựa cẩn thận, đảm bảo chất lượng để cá tăng trưởng tốt trong quá trình nuôi. Cá phải mạnh khỏe, không bị nhiễm bệnh, đều cỡ, không bị xây xát, nhiều nhớt, bơi lội nhanh nhẹn. Cá giống mới đưa về, trước khi thả xuống ao nên tắm bằng nước muối 2 - 3% trong 5 - 10 phút để loại trừ hết các ký sinh và chống nhiễm trùng các vết thương hoặc vết xây xát trên thân cá.
Có thể nuôi cá quanh năm. Kích cỡ cá giống 5 - 20 g/con. Mật độ thả nuôi 0,5 con/m2 (đối với nuôi đơn), nuôi ghép mật độ 0,2 con/m2 cá hô và cá nuôi ghép là 0,3 con/m2. Thời gian thả giống vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
Quản lý, chăm sóc
Cho ăn: Giai đoạn giống đến 200 g/con: Thức ăn hỗn hợp dạng mảnh (thức ăn công nghiệp) do các nhà máy sản xuất thức ăn cung cấp. Giai đoạn từ 200 g/con trở lên ăn thức ăn viên nổi. Mỗi ngày cho cá ăn 1 lần, khẩu phần ăn 3 - 5% trọng lượng thân, hàm lượng protein 28 - 32%. Khi cho ăn, thức ăn phải được đưa xuống ao từ từ để toàn bộ số cá trong ao nuôi đều có thể ăn được; cá sử dụng hết lượng thức ăn không gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Quản lý ao nuôi: Hàng ngày phải chú ý theo dõi hoạt động của cá, mức độ sử dụng thức ăn, tình hình thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý và đạt hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, quan sát ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường như ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở, đăng cống hư hỏng. Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu khác thường, phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời. Thay nước cho ao nuôi định kỳ 2 lần/tháng, mỗi lần thay khoảng 25 - 30% lượng nước ao. Mỗi tháng tiến hành kiểm tra cá một lần. Khi kiểm tra, bắt ngẫu nhiên khoảng 25 - 30 cá thể để xác định khối lượng, đánh giá sự tăng trưởng của cá và phát hiện tình trạng bệnh của cá trong ao nuôi để có biện pháp xử lý.
Thu hoạch
Cá hô nuôi đơn trong ao đất, mật độ nuôi 0,5 con/m2, sau 28 tháng nuôi đạt trọng lượng 3 - 4 kg/con và chiều dài 50 - 60 cm/con. Cá hô nuôi ghép trong ao đất, mật độ nuôi 0,2 con/m2, sau 28 tháng nuôi đạt khối lượng 3,5 - 4,5 kg/con và chiều dài 55 - 65 cm/con. Giá bán hiện nay khoảng 250.000 đồng/kg trở lên tùy từng loại, cỡ cá càng lớn giá càng cao và ngược lại. Cá hô nuôi ghép tăng trưởng nhanh hơn cá hô nuôi đơn.
Ông Ngô Hữu Phước, một trong những người đầu tiên nuôi cá hô thương phẩm thành công ở Vĩnh long chia sẻ, ông đã trải qua nhiều năm nuôi cá trê, tra, chép, chạch lấu, bống tượng… nhưng không có loại cá nào hấp dẫn bằng cá hô. Loại cá này không những mau lớn mà giá cả thị trường lúc nào cũng ổn định và luôn ở mức cao; đặc biệt cá nuôi càng lâu lời càng nhiều.
Related news
Cá dầm xanh hay còn gọi là cá bỗng chỉ sống được ở môi trường nước sạch, có dòng chảy.
Bệnh herpesviral hematopoietic necrosis (HVHN) do virus Cyprinid herpesvirus 2 (CyHV‐2) gây ra là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhiễm cao
Vào mùa hè, nắng nóng kéo dài hoặc mưa gió bất thường sẽ khiến các yếu tố môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột, dẫn đến thủy sản nuôi bị sốc hoặc phát sinh bệnh