Home / Cây công nghiệp / Cây mía

Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 3)

Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 3)
Author: Vũ Thị Thủy
Publish date: Friday. March 1st, 2019

Chu kỳ luân canh cây mía thường là chu kỳ 4 - 5 năm tùy vào loại đất. Cây trồng luân canh với cây mía nên sử dụng cây họ đậu để nhằm mục đích cải tạo đất. Chỉ lưu gốc những ruộng mía có năng suất cao, ít bị sâu bệnh...

1.5. Phòng trừ cỏ dại: 

Cần tiến hành làm cỏ sớm, đặc biệt là ở giai đoạn mía dưới 4 tháng tuổi, phải đảm bảo ruộng mía luôn sạch cỏ dại.

a) Biện pháp thủ công: Dùng cuốc, tay hoặc trâu, bò cày xới giữa hàng để diệt cỏ trong hàng mía.

b) Biện pháp hóa học:

+ Ngay sau khi trồng: Nếu đất có nguồn cỏ nhiều có thể phun một trong các loại thuốc tiền nảy mầm như: Gesapax 500FW (3-4 lít/ha), Ansaron 80WP (2-3 kg/ha), Mizin 80WP (3-6 kg/ha) hoặc Dual Gold 906EC (0,5-0,6 lít/ha), tiến hành phun phủ toàn bộ ruộng, trong phạm vi từ 2-5 ngày sau khi trồng. Chú ‎ý khi phun thuốc đất phải đủ ẩm.

+ Giai đoạn 30-40 ngày sau trồng: Có thể sử dụng thuốc Gesapax 500FW (3 -4 lít/ha), phun vào giữa các hàng mía (tránh phun vào ngọn, lá mía).

+ Giai đoạn 2-4 tháng sau khi trồng: Nếu thấy cỏ xuất hiện nhiều do làm cỏ không kịp hoặc do trước đó không trừ cỏ, có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiếp xúc Gramoxone 20SL, liều dùng từ 2-2,5 lít/ha (trừ cỏ lớn), trộn với 2-2,5 lít thuốc Gesapax 500FW hoặc 2-2,5 kg thuốc Ansaron 80 WP (trừ cỏ non và hạn chế cỏ mọc trở lại) phun vào giữa các hàng mía, tránh phun lên mía.

+ Giai đoạn trên 4 tháng sau khi trồng: Nếu thấy có nhiều cỏ xuất hiện trở lại, có thể sử dụng thuốc Gramoxone 20SL để phun trừ như trên, với lượng dùng từ 2-2,5 lít/ha, nếu ruộng mía có nhiều cỏ 2 lá mầm, có thể trộn thêm khoảng 1 lít thuốc 2,4 D (Zico 48 SL). Ở giai đoạn này cần phải làm sạch cỏ để tránh lây lan sang vụ mía gốc.

1.6. Phòng trừ một số loài sâu bệnh hại mía chủ yếu

a) Sâu đục thân:

- Dùng thuốc Basudin 10G hoặc Diaphos 10H với liều dùng 20-30 kg/ha hoặc Padan 4G với liều dùng 30 kg/ha rải vào rãnh mía trước khi đặt hom hoặc rải vào sát gốc mía trước khi vun.

- Cắt bỏ cây mầm bị sâu và làm sạch cỏ.

- Khi có điều kiện thì thả ong mắt đỏ từ tháng thứ 3-8 sau trồng hoặc thu hoạch, định kỳ 15 ngày thả 1 lần với liều lượng thả là 50.000 ong/ha/lần.

b) Rệp bông trắng:

- Làm sạch cỏ, bóc và cắt lá già cho ruộng mía thông thoáng.

- Khi thấy rệp xuất hiện, cần tổ chức diệt trừ dứt điểm không để lây lan bằng thuốc Trebon 10EC hoặc Supracide 40EC, pha nồng độ 0,1-0,15%, mỗi héc-ta sử dụng từ 1-1,5 lít thuốc, phun ướt đẫm đều khắp mặt lá, phun thật kỹ, tập trung những nơi có ổ rệp.

c) Bọ hung đục gốc: Khi có nhiều bọ hung xuất hiện, trước khi vun gốc lần 1 rải thêm 25 – 30 kg thuốc Sago Super 3G vào gốc mía rồi vun đất.         

d) Bệnh than:

- Kịp thời nhổ bỏ và tiêu huỷ cây mía bị bệnh.

- Ruộng mía bị bệnh nặng không nên để mía lưu gốc và phải luân canh cây họ đậu từ 1- 2 năm.

đ) Bệnh thối ngọn:

- Cắt lá bệnh và tiêu huỷ.

- Dùng thuốc boóc-đô hoặc sun-phát đồng trộn với vôi bột và đất bột theo tỷ lệ 10:40:50, rắc vào ngọn mía.

e) Bệnh chồi cỏ, bệnh trắng lá:

- Tổ chức hệ thống sản xuất, cung ứng và hoàn toàn sử dụng hom giống sạch bệnh 3 cấp.

- Phun thuốc trừ sâu hoặc dùng bẫy đèn thu bắt, diệt côn trùng môi giới truyền bệnh.

Lưu ý: Các loại thuốc bảo vệ thực vật thường thay đổi hàng năm. Do vậy việc sử dụng cần tham khảo theo Danh mục thuốc được phép sử dụng hiện hành và hướng dẫn cụ thể trên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất.

1.7. Luân, xen canh:

a) Chu kỳ luân canh:

- Với đất tốt, cơ cấu chu kỳ luân canh 5 năm:  1 tơ + 3 gốc + 1 luân canh.

- Với đất đồi, đất xấu chu kỳ luân canh 4 năm: 1 tơ + 2 gốc + 1 luân canh.

Cây trồng luân canh với cây mía: sử dụng cây họ đậu để nhằm mục đích cải tạo đất.

b) Xen canh:

- Ngay sau khi trồng mía, tiến hành rạch 1-2 hàng dọc giữa 2 hàng mía, bón phân lót, gieo hạt, lấp đất đủ kín hạt.

- Sau khi thu hoạch các cây trồng xen, nhanh chóng nhổ hết thân lá cây trồng xen, rải dọc theo chiều dài hàng mía, kết hợp bón phân thúc cho mía, xới giữa hai hàng mía để vùi lấp phân bón và thân lá cây trồng xen vào đất.

- Cây trồng xen canh với cây mía: Sử dụng cây ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng < 3 tháng như cây ớt, cây họ đậu, cây mè, dưa hấu,… ưu tiên cây họ đậu.

Trồng xen lạc tại mô hình trồng thâm canh mía có tưới tại xã Thọ Lâm (huyện Thọ Sơn, tỉnh Thanh Hóa)


Related news

Phát hiện và phòng trừ bệnh thối đỏ hại mía Phát hiện và phòng trừ bệnh thối đỏ hại mía

Mía là cây trồng chứa nhiều dưỡng chất rất hấp dẫn đối với sâu bọ và các loài nấm gây hại. Bệnh thối đỏ, do nấm Colletotrichum falcatum Went gây ra

Thursday. August 2nd, 2018
Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 1) Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 1)

Cây mía không yêu cầu khắt khe về đất, tuy nhiên để thâm canh đạt năng suất cao yêu cầu về đất có tầng canh tác sâu, tơi xốp, giàu dinh dưỡng...

Friday. March 1st, 2019
Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 2) Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp (Phần 2)

Tuỳ điều kiện đất đai và loại giống mía để bố trí mật độ, lượng hom giống cần từ 35.000 - 40.000 hom/ha (mỗi hom có 3 mắt), tương đương 8 - 10 tấn giống/ha.

Friday. March 1st, 2019