Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây nhãn Phần 2
II. Sâu, bệnh hại trên cây nhãn
1. Sâu hại trên cây nhãn.
1.1. Sâu đục gân lá Nhãn (Conopomorpha litchiella Bradley)
Họ: Gracillariidae - Bộ: Homoptera
- Ðặc điểm hình thái
+ Là một loài ngài có mầu nâu, kích thước rất nhỏ với chiều dài thân khoảng 2,7-2,8 mm, chiều dài sải cánh 8-9 mm, chiều dài cánh 3,5-4 mm. Trên cập cánh trước có một đốm mầu vàng sáng hiện diện trên chóp cánh. Rìa cánh trước và cánh sau có hàng lông dài, đen rất mịn. Cánh sau rất hẹp. Chân dài, mỏng mảnh. Râu đầu dài, hướng về phía trước khi thành trùng ở trạng thái nghĩ .Ấu trùng rất nhỏ mầu xanh nhạt, đốt bụng rất dài và có nhiều lông. Khi phát triển đầy đủ dài khoảng 5mm. Nhộng rất nhỏ lúc đầu có mầu xanh nhạt, khi sắp vũ hóa chuyển sang mầu vàng nâu, thời gian nhộng 5-6 ngày.
- Đặc điểm sinh học và gây hại
+ Trứng được đẻ rải rác trên lá Nhãn non, gần gân chính. Ấu trùng mới nở thường tấn công và đục vào phần gân chính của lá còn non (lá còn mầu đỏ). Sự thiệt hại trở nên trầm trọng khi lá chuyển mầu xanh vì vào lúc này lá bị khô, biến dạng.
+ Khi mật số cao, toàn thể chồi non trên cây đều bị nhiễm từ đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và ra bông trái của cây. Giai đoạn ấu trùng kéo dài khoảng 14-15 ngày. Sau khi phát triển đầy đủ, ấu trùng chui ra khỏi gân lá, nhả tơ kết thành một lớp màng trắng đục, hình hơi tròn hoặc bầu dục trên lá và hóa nhộng phía dưới lớp màng trắng này.
+ Trong điều kiện tự nhiên, loài này thường bị nhiều loài Ong ký sinh tấn công, có nhiều vườn tỷ lệ ký sinh lên đến 65%. Giai đoạn nhộng: 6-7 ngày. Thời gian sống trung bình của thành trùng khoảng 5-7 ngày trong điều kiện phòng thí nghiệm. Chu kỳ sinh trưởng kéo dài khoảng 24-25 ngày.
- Biện pháp phòng trừ
+ Tỉa cành để các đợt ra cành tập trung.
+ Tạo điều kiện cho ong kí sinh phát triển.
+ Điều tra phát hiện sâu gây hại cần phun thuốc sớm có thể dùng các loại thuốc như Fenbis, Polytrin, Hopsan, Cypermethrin (Cyperin …).
1.2. Bọ xít nhãn ( Tessaratoma papillosa)
- Hình thái và đặc điểm gây hại:
+ Dùng vòi chích đọt non, cuống hoa và chùm quả chưa chín.
+ Trưởng thành màu nâu đen có hình lục giác, thường đẻ trứng trên lá thành từng ổ màu xanh lục 10 – 12 trứng, bọ xít mới nở sống tập trung xung quanh ổ trứng.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Dùng vợt bắt lúc sáng sớm hoặc chiều tối
+ Tháng 12- 1 dương lịch bắt bọ xít qua đông, những đêm thời tiết lạnh, rung cây cho bọ xít rớt xuống để bắt.
+ Ngắt, đốt các lá có ổ trứng và phun thuốc như: Dipterex 0,3%, Tornado, Bassa, Trebon 1,5-2% phun vào 2 đợt cách nhau 20 ngày.
1.3. Sâu đục thân hại nhãn
- Hình thái và đặc điểm sinh sống của sâu
+ Sâu trưởng thành là 1 loại xén tóc dài 30-33 mm. Đầu, chân, đốt râu thứ 2 đến râu thứ 4 có màu đen. Hai cánh trước có màu vàng và các vân đen, cắt chéo nhau, được sắp xếp đối xứng như trên mai rùa. Trứng có màu vàng nhạt, hình bầu dục và được phủ bằng một lớp keo vàng nhạt do cây tiết ra. Sâu non có màu trắng ngà, đầu đen cứng và có miệng nhai rất phát triển. Nhộng có màu vàng nhạt, đầu gập xuống mặt bụng, mầm cánh trông rất rõ. Các con trưởng thành thường xuất hiện vào cuối tháng 4, tháng 5. Sau khi ăn thêm và giao phối, chúng gặm vỏ thân cây ở các góc nối giữa nhánh cây và cành cây mỗi đoạn dài 1 cm rồi đẻ trứng vào đó.
+ Thời gian phát triển của trứng là 10-25 ngày. Sau đó sâu non nở ra. Chúng đục vào phần gỗ thân cây và sống ở đó khoảng 2-3 tháng. Khi sâu non đẫy sức, chúng đục ra phía vỏ cây rồi đùn phân mùn gỗ bịt kín lỗ đục trước khi hóa nhộng. Thời gian phát triển của nhộng là 20-35 ngày.
- Biện pháp phòng trừ
+ Sau khi thu hoạch quả, cắt tỉa, vệ sinh vườn, dùng nước vôi đặc quét lên gốc cây ngăn không cho trưởng thành đẻ trứng vào các kẽ hở cuả thân.
+ Dùng bông thấm nước thuốc nhét vào lỗ sâu đục hoặc dùng thuốc Polytrin, Sumicidin, Bi 58, ....bơm vào trong lỗ đục để tiêu diệt sâu bên trong.
1.4. Rệp hại hoa quả (Pseudococcidae sp)
- Đặc điểm và triệu chứng gây bệnh:
+ Trưởng thành không cánh, dài 3-3,5 mm. rìa mỗi bên cơ thể có các sợi tua sáp trắng, phần đuôi cũng có một đôi tua trắng. Cơ thể phủ đầy chất sáp như phấn.
+ Rệp dùng vòi hút dịch cây làm cho ngọn cây bị khô, bông khô và trái non bị rụng hàng loạt. Khi mật độ rệp cao thường thấy có nấm bồ hóng xuất hiện, khả năng quang hợp cuả cây trồng kém. Nếu cây bị rệp gây hại trong vòng 5 – 7 ngày hoa, quả rụng nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Giai đoạn cây ra lộc non nên kiểm tra phát hiện để phòng trừ hợp lý.
+ Sau thu hoạch, xén tỉa cành cho vườn thông thoáng, đồng thời loại bỏ những cành bị nhiễm rệp gây hại.
+ Khi phát hiện rệp gây hại có thể dùng dầu khoáng PC Tron Plus nồng độ 0,5%
+ Dùng các thuốc như: , Actara, Lancer, Tornado, Confido,...phun lên bộ phận rệp gây hại, có thể phun thuốc lại lần 2 cách lần 1 từ 5 –7 ngày để tiêu diệt rệp một cách hiệu quả hơn.
1.5. Câu cấu xanh hại nhãn (Hypomeces squamosus)
- Đặc điểm và triệu chứng:
+ Bọ trưởng thành cánh cứng, hình bầu dục, cơ thể dài 10 - 12 mm, màu xanh vàng có ánh kim nhũ, đầu kéo dài như một cái vòi phía ngọn ống đầu là miệng nhai, hai bên ống đầu có đính đôi râu hình gấp khúc. Sâu non màu trắng sữa, mình hơi cong, không có chân ngực và chân bụng, đẫy sức dài 13 - 15mm. Đẻ trứng trong đất. Sâu non sống trong đất ăn xác hữu cơ và rễ cây.
+ Thành trùng cắn thủng các lá non thành từng lỗ, ăn phần lá giữa các gân, không ăn rìa lá làm ảnh hưởng đến phát triển, năng suất của cây. Thành trùng ăn phá chủ yếu về đêm, ban ngày trốn dưới đất, đẻ trứng trong đất.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Vệ sinh vườn thông thoáng, không nên trồng quá dày.
+ Hạn chế nơi trú ẩn của thành trùng đến đẻ trứng trong vườn.
+ Ơ giai đoạn ra lá non nếu thấy khoảng 5-10% lá bị hại sử dụng thuốc như: Bi 58, Cypermethrin, Tornado, Padan,.... Ngoài ra có thể kết hợp bón rải vào gốc nhãn sẽ tiêu diệt thành trùng sống trong đất.
Related news
Biện pháp kỹ thuật tạm thời hướng dẫn phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn, giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất nhãn theo hướng sản xuất
Nhãn thích hợp với nhiều loại đất khác nhau tuy nhiên đất trồng thích hợp cho cây nhãn là đất cát, cát pha, cát giồng, đất cồn và phù sa ven sông
Bệnh “chổi rồng” còn gọi là bệnh “chùn ngọn”, “xù ngọn”, “đầu lân”… xuất hiện từ năm 2003), gây hại rải rác ở Đông Nam bộ.