Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Quy trình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai

Quy trình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai
Author: Ths. Nguyễn Hải Tiến
Publish date: Tuesday. August 10th, 2021

Quy trình mang tính tham khảo, được tổng hợp dựa trên các mô hình canh tác hữu cơ giống dưa lê vàng lai (f1) Happy 6, Hapyy 7 (gọi chung là dưa lê vàng).

Đây là quy trình tham khảo tại một số mô hình đã đạt hiệu quả cao tại một số địa phương miền Bắc nước ta.

1. Đất trồng

Vùng sản xuất phải phù hợp theo quy hoạch của địa phương, không bị ảnh hưởng bởi tác nhân gây hại như nước thải thành phố, nước thải bệnh viện và nước thải các khu công nghiệp... Cần chọn các chân ruộng cao, giàu mùn, giàu dinh dưỡng, độ pH từ 6,0-7,0, hàm lượng kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép theo quy định.

2. Nhà trồng

Nhà trồng dưa lê vàng cần xây dựng như các nhà trồng rau quả công nghệ cao khác, bao gồm khung ống thép, kẽm không gỉ, mái vòm lợp nilon trắng, có hệ thống tưới nước và bón phân tự động,...

3. Thời vụ và cơ cấu gieo trồng

Dưa lê vàng (tháng 2 đến tháng 5) – dưa lê vàng (tháng 6 đến tháng 8) – cà chua (tháng 9 đến tháng 1 năm sau).

4. Sản xuất cây giống

Lượng hạt giống gieo trồng cho 1ha khoảng 250 - 300g. Ngâm hạt trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh) 2 - 3 giờ, vớt ra rửa sạch nhớt rồi ủ trong khăn bông ẩm. Cứ 24 giờ ủ lại đem hạt ra rửa nhớt, giặt sạch khăn và đưa vào ủ tiếp. Khi hạt nứt nanh thì đem gieo trong khay.

Giá thể gieo hạt gồm: Đất bột, phân chuồng hoai mục trộn tỷ lệ 1:1. Mỗi lỗ khay gieo 1 hạt theo hướng lá mầm lên trên, rễ quay xuống. Gieo xong rắc giá thể phủ kín hạt. Tưới nước dưỡng ẩm hàng ngày.

Khi cây ra 1 - 2 lá thật mới đem trồng. Nên trồng bằng cây giống ghép (ngọn dưa lê vàng ghép trên gốc giống bí ngô chuyên dụng), sẽ tăng khả năng chống chịu, tăng năng suất, chất lượng.

5. Phân bón và chế phẩm vi sinh

Lượng bón/sào (360 m2): Phân trâu/bò hoai mục 2.200 - 2.500 kg, phân gia cầm 120 - 130 kg, hạt đậu tương 30 - 40 kg, cá tạp các loại 40 - 45 kg, chế phẩm vi sinh Emuniv 4 kg, chế phẩm vi sinh IMO tự chế.

Cách ủ phân: Toàn bộ lượng cá nước ngọt + 50% lượng hạt đậu tương đưa vào ngâm ủ trong bể kín, sau 5 tháng lọc lấy dung dịch, pha loãng bón cho cây trồng. Số đậu tương còn lại ủ kín với 50% lượng phân trâu/bò trước trồng dưa 5 tháng.

Phân gà, chế phẩm Emuniv và 50% số phân trâu/bò còn lại trộn đều trong đất cùng với lên luống (trồng dưa), rồi dùng màng phủ nông nghiệp bao kín luống và rãnh luống. Khoảng 20 ngày sau tiến hành đục lỗ trồng 1 hàng cây giống giữa luống (luống trồng dưa rộng 1,1 - 1,3 m, cao 25 - 30 cm, rãnh rộng 50 - 60 cm). Mật độ trồng 15.000 - 16.000 cây/ha (cây x cây = 30 cm).

Làm chế phẩm IMO: Lấy 2 hộp sữa chua, 5 quả men rượu, 20 quả chuối chín, 50g cám gạo và 1 lít rỉ mật. Chà mịn các nguyên liệu vừa nêu trong thùng với 10 lít nước mưa, đậy nắp kín và khuấy đảo ngày 2-3 lần. Khoảng 20 ngày sau chắt lấy dung dịch, pha tỷ lệ 1/20 bón kết hợp với nước chắt từ cá ngâm đậu tương rồi bón cho ruộng dưa.

6. Chăm sóc

Bón lót 70% lượng phân bò và đậu tương (đã ủ trước đó). Bón nốt số phân này khi cây dưa kết thúc đậu quả. Cây dưa ra 4 - 5 lá thật thì tiến hành bấm ngọn. Sau đó tỉa hết các nhánh ra từ lá thứ 5 - 7, chỉ để lại 2 nhánh khỏe cho treo lên giàn.

Lấy quả đậu tại các nhánh ra từ lá thứ 7 - 13, mỗi nhánh lấy 1 - 2 quả, sau chọn để lại mỗi cây 4 - 6 quả cân đối, sạch bệnh. Ngắt bỏ kịp thời các quả dưa còi cọc, sâu vẹo kết hợp với cắt tỉa hết các nhánh ra từ lá thứ 13 trở lên. Đến lá thứ 20 thì bấm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Tưới nước khi độ ẩm đất vườn dưới 70% sức giữ ẩm đồng ruộng. Bón dung dịch IMO và nước phân cá (ngâm đậu tương) định kỳ 3 ngày/lần, mỗi lần 2 - 3 lít hòa tan cùng nước sạch tưới cho cây qua hệ thống nhỏ giọt tự động.

Lưu ý, sau mỗi lần chắt lấy dung dịch IMO hoặc nước cá ngâm đậu tương, cần bổ sung thêm chuối tiêu chín hoặc cá tạp và hạt động đậu tương vào ngâm ủ để bón cho cây dưa vào các lần kế tiếp.

Thụ phấn cho cây dưa: Thụ phấn bằng tay với vườn dưới 1.200 m2 (ngắt lấy hoa đực, bỏ hết cánh hoa, chấm nhẹ nhị hoa đực lên đầu nhụy hoa cái). Thụ phấn bằng ong với vườn dưa rộng trên 1.200 m2, giúp giảm thiểu côn trùng gây hại theo người lao động ra vào vườn dưa (mật độ nuôi thả ong, cần 1 thùng/8 cầu ong mật/1.200-1.500 m2 nhà màng).

7. Phòng trừ sâu, bệnh hại

Sâu bệnh hại cây dưa lê vàng chủ yếu gồm bọ trĩ, sâu vẽ bùa, bọ phấn trắng và các bệnh, lở cổ rễ, phấn trắng, thán thư. Phòng trừ bằng chăm sóc cho cây khỏe, tưới nước hợp lý, thu dọn sạch tàn dư từ vụ trước, khép kín cửa sau mỗi lần ra vào nhà gieo trồng, vệ sinh khử trùng trong và nhà màng trước khi trồng dưa, phun chế phẩm vi sinh Nấm xanh định kỳ 25-30 ngày/1 lần.

Phun thuốc trừ sâu sinh học tự chế, gồm gừng, tỏi, ớt, xả mỗi loại 20kg cùng 60 lít rượu nhạt ngâm 45 ngày. Sau lọc lấy dung dịch pha tỷ lệ 1:10, định kỳ 15 ngày/lần phun kỹ bên trong và xung quanh nhà màng. 

8. Thu hoạch

Thu hoạch khi vỏ quả chuyển sang màu vàng đậm, sọc trắng sáng bóng, sản phẩm có mùi thơm nhẹ. Quả dưa sau thu hoạch nên bảo quản nơi thoáng mát thêm 1 - 2 ngày cho dậy mùi, sẽ tăng chất lượng, tăng giá bán.

Nhà nông có thể học hỏi thực tế tại các mô hình canh tác dưa lê vàng hữu cơ thành công như, trang trại Nguyễn Danh Khương (Ngũ Hùng, Thanh Miện, Hải Dương), DFARM Lại Văn Song (Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội), HTX Nông nghiệp Xanh (Tà Phìn, Sa Pa, Lào Cai).


Related news

Không chủ quan nguy cơ bệnh lùn sọc đen Không chủ quan nguy cơ bệnh lùn sọc đen

Các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ lúa mùa và hè thu muộn giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh lùn sọc đen.

Monday. August 9th, 2021
Đậu đen xanh lòng trên vùng đất cát Đậu đen xanh lòng trên vùng đất cát

Đậu đen xanh lòng chịu hạn cực tốt, ít sâu bệnh, ít đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn, hiệu quả kinh tế cao, rất phù hợp cho vùng đất cát.

Tuesday. August 10th, 2021
Bangladesh tìm ra giống lúa chống chịu mặn, bão Bangladesh tìm ra giống lúa chống chịu mặn, bão

Những nghiên cứu từ lúa hoang của nông dân vùng Shyamnagar đã cho ra những giống phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương, năng suất cao hơn

Tuesday. August 10th, 2021