Quảng Ngãi: Nuôi cá bớp phát triển nhờ chủ động được giống
Người dân Quãng Ngãi đã tiếp cận với nghề nuôi cá bớp thông qua chương trình khuyến ngư triển khai một số mô hình tại các huyện Bình Sơn, Đức Phổ vào năm 2013 và đã có sức lan tỏa nhanh. Từ một vài hộ nuôi quy mô nhỏ, đến năm 2016, nhiều địa phương phát triển mô hình này, với quy mô lớn ở các huyện Lý Sơn (60 hộ), Bình Sơn (25 hộ), Đức Phổ (15 hộ). Do vậy, nhu cầu về giống cá bớp tăng mạnh, từ vài nghìn con năm 2013 đến nay ước hơn 100.000 con/năm và sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.
Ương giống cá bớp tại Quảng Ngãi
Tuy nhiên, trong tỉnh chưa có nơi nào nuôi sinh sản hoặc ươm nuôi giống cá bớp. Để cung cấp cho người dân, nguồn cá bớp giống phải nhập từ các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận với chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển dài, chất lượng cá giống thường không đảm bảo, tỷ lệ sống trong thời gian đầu rất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro… Nhằm khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Giống Thủy sản Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) đã triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thử nghiệm ươm giống cá bớp giai đoạn từ trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi”; thời gian từ tháng 7/2016 - 12/2018 từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học. Mục tiêu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thử nghiệm ương giống cá bớp tại Quảng Ngãi nhằm chủ động tổ chức sản xuất cá giống tại địa phương để cung ứng cho người nuôi, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Kế hoạch trong 3 năm, Dự án sản xuất thành công 30.000 con giống cá bớp đủ tiêu chuẩn nuôi thương phẩm.
Trong năm 2017, Dự án đã sản xuất thành công và triển khai nuôi thương phẩm 10.000 con cá bớp tại 3 huyện Đức Phổ, Bình Sơn và Lý Sơn. Sau 7 - 8 tháng thả nuôi, bình quân hộ nuôi 1.000 con, sau khi trừ chi phí lãi 200 - 250 triệu đồng.
Mới đây, trong tháng 5/2018, Trung tâm đã hỗ trợ cho người nuôi cá bớp của huyện Bình Sơn và Lý Sơn 20.000 con giống đảm bảo chất lượng. Ngoài hỗ trợ con giống, Trung tâm còn hỗ trợ kỹ thuật giúp người nuôi an tâm trong quá trình nuôi. Việc hỗ trợ giống cá bớp và chuyển giao kỹ thuật cho người nuôi ở Lý Sơn và Bình Sơn sẽ kéo dài đến hết năm 2018.
Related news
Mô hình nuôi cá hô trong ao đất do Chi cục Thủy sản Vĩnh Long triển khai từ tháng 9/2017, quy mô 10 hộ tham gia.
Việt Nam đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống cua biển tạo thuận lợi cho sự phát triển của nghề nuôi này
Nuôi cá chép ứng dụng công nghệ sông trong ao với nhiều ưu điểm vượt trội hứa hẹn sẽ mang lại sản phẩm chất lượng, đảm bảo ATTP.