Home / Tin tức / Tin thủy sản

Quản lý thức ăn tôm

Quản lý thức ăn tôm
Author: Lê Loan
Publish date: Tuesday. June 22nd, 2021

Sử dụng thức ăn chất lượng tốt và quản lý phù hợp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Thức ăn trong nuôi tôm đóng vai trò quan trọng đến sự phát triển của vật nuôi, nên việc sử dụng thức ăn chất lượng tốt và quản lý phù hợp góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Cùng Thủy sản Việt Nam tham khảo cách Quản lý thức ăn tôm phù hợp và hiệu quả trong ao nuôi.

Lượng thức ăn

Nếu không đủ thức ăn, tôm sẽ chậm lớn, kích thước đàn tôm không đồng đều và đặc biệt là kéo dài thời gian nuôi. Tôm thẻ chân trắng có nhu cầu đạm thấp hơn tôm sú nhưng lại là loài ăn liên tục nên kiểm soát lượng thức ăn là một trong những yếu tố giúp vụ nuôi thành công hơn.

Tôm là loài ăn chậm nên thỏa mãn việc cho tôm ăn là khó. Trong 24 ngày đầu, cho tôm ăn theo hướng dẫn của công ty sản xuất thức ăn hoặc người tư vấn kỹ thuật có kinh nghiệm tại địa phương. Thức ăn cần được rải đều trong ao để tôm bắt mồi dễ dàng. Thời gian sau, người nuôi thường cho ăn dựa trên hoạt động bắt mồi của tôm và sử dụng sàng ăn để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Sau khi cho tôm ăn 1 – 2 giờ, kiểm tra sàng ăn để xác định lượng thức ăn cho ăn vào ngày tiếp theo nên tăng hay giảm. 

Thời gian cho ăn

Do tôm ăn chậm và liên tục nên cần cho ăn nhiều lần trong ngày. Tại Thái Lan, nhiều người nuôi áp dụng số lần cho tôm ăn là 3,5 lần trong một ngày. Bữa ăn cuối trong ngày (vào ban đêm) chỉ bằng 30 – 50% so với lượng thức ăn trung bình. Nhìn chung, nên chia thức ăn trong ngày ra nhiều lần, tháng thứ nhất từ 2 – 3 lần, các tháng sau từ 4 – 5 lần là phù hợp để tôm có thể sử dụng hết lượng thức ăn, tránh lãng phí và giảm thiểu khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Một số lưu ý khi quản lý thức ăn tôm

Không như cá, tôm thường khu trú cố định và không bơi đi xa để bắt mồi; do vậy, việc phân phối thức ăn khắp đều trên mặt ao hoặc nơi tôm khu trú là rất quan trọng. Đồng thời, khi bơi tôm thường bơi ngược dòng nước, chính vì thế mà cần rải thức ăn theo dòng nước chảy. Nếu không rải đều thức ăn và theo dòng nước chảy, tôm sẽ không ăn hết và dẫn đến hiện tượng cỡ tôm không đồng đều, hệ số chuyển hóa thức ăn kém và chất lượng nước giảm rõ rệt. Có thể điều khiển dòng nước chảy bằng các máy quạt nước sắp xếp theo hệ thống sao cho có thể gom chất thải vào giữa ao. Khu vực chất thải gom này được đánh dấu bằng tre hoặc phao để tránh việc rải thức ăn vào những vị trí này. Cũng nên tránh rải thức ăn vào nơi nước chảy yếu, nơi có nền đáy ao không được sạch.

Lúc trời mưa lớn nên tránh cho ăn vì sẽ xảy ra hiện tượng dao động nhiệt độ và độ mặn ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi của tôm.

Khi ao xảy ra hiện tượng tảo tàn nên tránh cho Tôm thẻ chân trắng ăn do hàm lượng khí độc trong ao tăng cao. Những khí độc như ammonium/nitrate (NH4,NO3) sẽ rất dễ gây stress và ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, gan tụy, khả năng bắt mồi.

Trong suốt giai đoạn tôm lột xác nên giảm lượng thức ăn và bổ sung thêm khoáng.

Đối với ao nhỏ có thể cho tôm ăn bằng tay, đối với các ao lớn thì có thể sử dụng máy cho ăn tự động. Cho ăn thủ công bằng tay chỉ kéo dài trong vài giờ; theo bản năng sinh tồn tôm sẽ giành giật nhau thức ăn, con mạnh ăn nhiều, con yếu ăn được ít nên dễ dẫn đến tình trạng chênh lệch trọng lượng, phân đàn phân cỡ.

Sử dụng máy cho tôm ăn trên diện rộng thì có thể cho tôm ăn nhiều lần trong ngày và rất đúng giờ. Việc cho ăn mỗi lần nhiều hay ít hoàn toàn có thể kiểm soát và điều tiết bằng chương trình cài đặt sẵn. Sử dụng máy làm giảm chi phí thức ăn, thức ăn được vung đều trong ao tăng cơ hội tôm ăn đồng đều nên làm giảm hiện tượng phân đàn. Máy cho ăn tự động có thể đồng thời thực hiện được “4 giảm (chi phí, giá thành, thức ăn, thời gian nuôi) và 1 tăng (độ đồng đều) cho sản phẩm”.

Ngoài ra, việc quản lý thức ăn và cho ăn được thực hiện với nguyên tắc 4 định: định chất (loại thức ăn), định lượng (lượng thức ăn sử dụng hàng ngày), định thời gian (số lần cho ăn), định địa điểm (phương pháp cho ăn). Tùy mỗi giai đoạn của tôm đồng thời kết hợp với chú ý theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường, thời tiết, sức khỏe tôm… mà cần áp dụng 4 định một cách linh hoạt. Cho tôm ăn phù hợp, đủ lượng, đủ chất sẽ giúp tôm lớn nhanh, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi và tăng lợi nhuận cho người nuôi.


Related news

Kiểm soát dòng dinh dưỡng trong ao nuôi Kiểm soát dòng dinh dưỡng trong ao nuôi

Nước thải phát sinh từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc đã được xử lý hoặc đổ thẳng vào môi trường. Xử lý nước thải đòi hỏi sự đầu tư lớn và thiết bị

Monday. June 21st, 2021
Một ví dụ về hệ thống nuôi biofloc hoàn chỉnh quy mô nhỏ Một ví dụ về hệ thống nuôi biofloc hoàn chỉnh quy mô nhỏ

Hệ thống nuôi theo công nghệ biofloc quy mô nhỏ nhưng vẫn đảm bảo sản lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Monday. June 21st, 2021
Phát hiện cá nhiễm thủy ngân bằng Polymer huỳnh quang Phát hiện cá nhiễm thủy ngân bằng Polymer huỳnh quang

Trong chuỗi thức ăn, thủy ngân hiện diện ở dạng hữu cơ (methylmercury - MeHg+) hoặc ở dạng vô cơ (cation Hg2+).

Monday. June 21st, 2021