Quản lý nuôi cá rô phi trên bè ở Brazil
Tóm tắt:
Mặc dù loại lồng lớn hơn cũng được sử dụng, hầu hết các lồng tại trang trại có sức chứa nhỏ khoảng 20 m3 phù hợp chăn nuôi mật độ cao và thu hoạch liên tục mà không làm tăng áp lực cho cá. Ao làm bằng đất có thể được sử dụng cho các trang trại ươm cá bột, nhưng các ngăn trong lồng là phổ biến hơn. Phân loại kích thước là một điểm quan trọng trong quản lý.
Cá rô phi đã được đưa đến Brazil lần đầu tiên vào năm 1953, nhưng chỉ trong một thập kỷ qua đã được phát triển với quy mô thương mại. Từ năm 1999, ngành công nghiệp nuôi cá rô phi đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 18%. Trong năm 2009, Bộ Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản Brazil báo cáo thu hoạch cá rô phi là 133.000 tấn.
Trong những năm qua, nông dân Brazil đã sử dụng một số chủng loại cá rô phi khác nhau, bắt đầu với loại cá rô phi đỏ vùng Florida và gần đây nhất là cá rô phi đực biến đổi gen. Được nhập về từ Thailand từ năm 1995, cá rô phi sông Nin, cá rô phi Oreochromis niloticus và Chitralada đã trở thành những chủng loại chính trong các trang trại tại đây.
Phần lớn các vùng chăn nuôi cá rô phi diễn ra trong lồng nổi, gần nhiều khu vực ven biển của Brazil.
Đặc điểm của lồng
Đất nước Brazil chứa khoảng 10 triệu ha nước ngọt trong các đập, sông, hồ, hồ chứa nhân tạo. Lồng nổi đã trở thành hệ thống phổ biến nhất để nuôi cá rô phi ở Brazil trong khu vực với chất lượng nước, tỷ lệ xả và độ sâu của nước thích hợp.
Lồng nuôi cá rô phi |
Lồng cá rô phi được xây dựng đơn giản, ít tốn kém (US$400 cho một lồng 6m3) và dễ quản lý. Lồng thường được xây dựng với lưới cố định hay linh hoạt làm từ nhựa bọc thép mạ kẽm, thép không gỉ hoặc sợi tổng hợp như polypropylene. Lưới thép phổ biến rộng rãi hơn vì chúng chống lại loài cá săn mồi như cá piranha có trong một số khu vực nội địa trong nước tốt hơn. Khung lồng được làm từ thép không gỉ hoặc bằng thép mạ kẽm. Khung polyethylene với sức chứa cao tuy ít phổ biến và tốn kém hơn nhưng lại lại chắc chắn và bền hơn, đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các trang trại sử dụng lồng khối lượng trung bình.
Đối với các địa điểm gần bờ, lồng cố định được bố trí cách nhau 2 đến 4m theo nhóm và được neo bằng các cọc cố định ven bờ. Hoặc được gắn với vật nặng bằng bê tông nhờ dây thừng và xích chìm dưới nước như hệ thống neo. Nhằm tạo thuận lợi cho việc quản lý hàng ngày, các lối đi giữa các lồng được tạo ra từ các thanh gỗ và các thùng nhựa rỗng.
Hầu hết các lồng nuôi cá rô phi được sử dụng có khối lượng nhỏ 4-20 m3 dưới dạng hình tròn hoặc hình vuông với chiều cao không lớn hơn 2 m. Lồng có thể hoạt động một cách an toàn với mật độ cao (từ 120 kg cá rô phi / m3) nhờ vào việc trao đổi nước nhanh chóng.
Thị trường tiêu thụ cá rô phi của Brazil chủ yếu là trong nước và bán lẻ nên lồng khối lượng nhỏ cho phép mỗi lần thu hoạch số lượng ít mà không gây áp lực lên mật độ cá trong ao. Nếu khối lượng lồng lớn hơn 10m3 và khối lượng cá thu hoạch mỗi tháng vượt 10 tấn, trang trại cá đó cần có nguồn tiền mặt và nguồn vốn vừa phải với quy trình sản xuất và doanh số bán hàng phù hợp.
Ghi chú: Lối đi giúp tiếp cận các lồng cá dễ dàng hơn và thuận tiện hơn trong việc cho ăn và chăm sóc cá.
Trang trại nuôi cá rô phi hoạt động với lồng có khối lượng vượt quá 300 m3 đôi khi được tích hợp từ khâu sản xuất cá giống đến phân phối cá theo mô hình chiều dọc. Chúng hoạt động cùng với nhà máy chế biến và theo các hợp đồng đòi hỏi phải thu hoạch lượng lớn cá rô phi tại một thời điểm.
Trong lồng khối lượng lớn hơn, mật độ thả giống cuối cùng được giảm còn 60 kg cá / m3. Bất lợi của loại lồng này là tính linh hoạt và cơ động kém, nhưng mặt khác, có thể tiết kiệm đáng kể lực lượng lao động.
Uơm cá
Cá rô phi được chuyển đổi giới tính thường được bán cho các trang trại nuôi cá thương phẩm để làm cá giống với cân nặng tươi là 0.2 – 0.5g. Một ngàn con cá bột có giá từ 30 – 45 USD tùy vào chất lượng, địa điểm và nguồn cung. Khi có nguồn hàng với khoảng cách gần, các chủ trại nuôi cá thường thích mua cá có trọng lượng từ 10 – 30g, mặc dù chúng có giá lên đến 80USD cho 1 ngàn con. Ở giai đoạn này, tỷ lệ tử vong được giảm đáng kể và chu kỳ nuôi thương phẩm rút ngắn.
Ao đất có thể được sử dụng để ươm cá Chitralada trước khi thả giống trong lồng. Tuy nhiên, lồng được trang bị với lưới 5mm linh hoạt thường phổ biến hơn vì chúng tạo điều kiện chăm sóc và chuyển giao qua các lồng cá thương phẩm dễ dàng hơn. Trong lồng, phải mất 5-8 tuần để phát triển cá bột nặng 0.5 g thành cá con trọng lượng 30g phụ thuộc vào mật độ thả giống, thức ăn và chất lượng nước.
Phân loại kích thước
Hình 1. Ví dụ về một chiến lược phân loại kích thước cho cá rô phi trong một chu kỳ sản xuất bình thường. |
Mức độ tăng trưởng cá rô phi có thể rất khác nhau trong cùng một đợt thả, đặc biệt là khi cá được thả với mật độ cao. Nguyên nhân của hiện tượng này một phần là do do sự khác biệt di truyền và một phần là do sự tương tác cạnh tranh giữa cá trong ao. Có một số con cá ăn nhiều hơn hẳn những con còn lại và do đó phát triển nhanh hơn. Vì thế, việc phân loại kích thước chính là một nhân tố quan trọng trong việc quản lý và chăm sóc cá rô phi trong lồng.
Khi cá rô phi được chuyển tới các lồng khác nhau, cá có điều kiện được nuôi thả trong một môi trường sạch hơn với kích thước mắt lưới lớn thuận tiện cho việc trao đổi nước trong lồng hơn. Từ kích thước mắt lưới 5 mm, cá 10g thường được chuyển đến lồng với kích thước mắt lưới lên tới 15 mm. Sau đó, cá rô phi trọng lượng 30 - 200g được thả trong lưới từ 15 - 25 mm. Lưới dùng cho cá lớn hơn 200 g có mắt lưới là 25 mm hoặc lớn hơn.
Tần số phân loại phụ thuộc vào một số điều kiện, bao gồm kích thước cá mong muốn khi thu hoạch, số lượng lồng hiện có, kích thước khác nhau lúc thả con giống, mức độ căng thẳng thường có và tình trạng sức khỏe của đàn cá lúc thả. Nhiều nông dân nhắm mục tiêu nuôi cá rô phi đạt trọng lượng trên 900 g để đạt được giá cao. Đối với trọng lượng cá này, việc phân loại có thể được thực hiện 2-3 lần trong một chu kỳ sản xuất (Hình 1).
Trong mùa mưa, khi cá trở nên nhạy cảm hơn với dịch bệnh, mật độ thả cá rô phi cũng như tần số phân loại giảm lại. Khi việc phân loại kích thước được thông qua, trọng lượng cuối cùng của cơ thể cá ở thời điểm thu hoạch có thể giảm từ 40% đến 15% so với lúc đầu. Cá rô phi thường được phân loại thành bốn loại kích thước, với các con cá nhỏ nhất, người nuôi cần loại bỏ chúng càng sớm càng tốt vì mức độ tăng trưởng chậm của chúng là không thể phục hồi trong chu kỳ sản xuất. Thường thì công việc này được thực hiện thủ công, nhưng đối với các trang trại quy mô lớn, quá trình này có thể được cơ khí hóa.
Chế độ cho ăn
Cá rô phi nuôi trong lồng ở Brazil chỉ được chăm sóc theo chế độ ăn ép cân. Kích thước thức ăn, hàm lượng protein có trong thức ăn và tỷ lệ cho ăn có thể khác nhau tùy theo nhà sản xuất. Thức ăn cho cá thường có hàm lượng protein cao trong giai đoạn đầu và giảm dần khi kích thước cá lớn hơn (bảng 1). Nuôi cá thương phẩm và cho ăn hoàn thiện thì hàm lượng protein thường chiếm tới 32% và chiếm 80% chi phí cho ăn ở một trang trại nuôi cá trong lồng.
Bảng 1. Bảng cho ăn của cá rô phi khi nuôi lồng sâu.
Trọng lượng cá | Protein (thô) | Kích thước hạt | Tỷ lệ cho ăn |
40-45% | 10.0-18.0% | ||
5.0-30.0 g | 40-45% | 1-2 mm | 6.0-10.0% |
30.0-100.0 g | 35-40% | 2-4 mm | 3.0-6.0% |
100.0-200.0 g | 30-35% | 4-6 mm | 2.5-3.0% |
200.0-500.0 g | 30-32% | 6-8 mm | 2.0-2.5% |
500.0 g-1.2 kg | 28-32% | 6-8 mm | 1.5-2.0% |
Để xác định được khẩu phần ăn tối đa phù hợp với kích thước, người nuôi thường tuân theo tỷ lệ từ các bảng thức ăn thương mại. Tuy nhiên, khẩu phần ăn thường được điều chỉnh hằng ngày tùy theo lượng thức ăn cá tiêu thụ. Trong các lồng có khối lượng nhỏ, khẩu phần ăn không bao giờ được rải toàn bộ. Ban đầu, cá có thể được cho ăn 1 nửa khẩu phần tính toán. Phần còn lại sẽ được cung cấp nếu khẩu phần đầu tiên được tiêu thụ hết trong vòng 30 phút sau khi phân phối. Sau khoảng thời gian này, thức ăn thừa có thể được bão hòa với nước, và thức ăn dạng viên nặng hơn sẽ thoát khỏi khu vực cho ăn hạn chế, dẫn đến tổn thất nguồn thức ăn. Lồng được trang bị với lối đi cho phép việc kiểm tra về tiêu thụ thức ăn được chi tiết hơn. Các lối đi tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý và lưu trữ thức ăn, hỗ trợ việc cho ăn thường xuyên tới 8 lần/ngày khi trong giai đoạn nuôi thương phẩm, nhiều gấp 3 lần so với việc cho ăn bằng thuyền. Chúng còn cho phép thu gom mảnh vụn thức ăn và chùi rửa cửa thả thức ăn và tấm lưới.
Triển vọng
Lồng nuôi cá rô phi sẽ tiếp tục được phát triển nhanh chóng trong những năm tới ở Brazil để giảm thâm hụt ngày càng tăng của các sản phẩm thủy sản trong nước. Cá rô phi tươi thường được bán với trọng lượng 700-900 g tại chợ. Giá tại trang trại khoảng US $ 2,00-2,80 / kg.
Ngày nay, phần lớn sản phẩm cá rô phi của Brazil được tiêu thụ ở nông thôn nhưng cũng được tìm thấy trong các chuỗi siêu thị lớn, nhà hàng, chợ cá trên cả nước. Khi khai thác thủy sản trong tự nhiên tiếp tục giảm ở Brazil và người dân ở các thành phố nhận ra được giá trị của cá rô phi, nhu cầu tăng cao sẽ thúc đẩy nhiều doanh nhân đầu tư vào việc nuôi cá rô phi. Trong viễn cảnh mới mẻ này, lồng với khối lượng trung bình và vận hành cơ khí hóa trong trang trại nuôi sẽ giúp hoạt động sản xuất có hiệu quả hơn trên quy mô lớn hơn.
Chú ý: Các hoạt động có quy mô lớn hơn sẽ trở thành tiêu chuẩn khi việc sản xuất cá rô phi tiếp tục mở rộng.
Nguồn: Global Aquaculture Alliance, November/December 2010
Tác giả: Alberto J. P. Nunes, Ph.D.
Instituto de Ciências do Mar – Labomar
Av. da Abolição, 3207 – Meireles
Fortaleza, Ceará, 60.165-081 Brazil
Biên dịch: VÂN ANH
Tags: nuôi cá rô phi, nuôi cá rô phi trên lồng bè, kỹ thuật nuôi cá rô phi trên lồng
Related news
Cá rô phi vằn nuôi trong ao thành thục sinh dục sau 4-5 tháng tuổi và trọng lượng cá đạt trung bình 100- 150 g/con (cá cái).
Trong khi nuôi vỗ cá bố mẹ và ương nuôi cá con, không sử dụng phân bón hữu cơ chưa qua xử lý và các hóa chất, kháng sinh bị cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Ao rộng từ 300 - 500 m2, mức nước trong ao 0,8 - 1 m, không cớm rợp, có bờ chác chắn. Đáy ao phẳng đều, hơi dốc về phía cống thoát nước, cống cáp và thoát nước.