Pú Nhung Chuyển Hướng Trồng Cây Sắn

Trước đây, nhắc đến Pú Nhung (huyện Tuần Giáo), là người ta nghĩ ngay đến vùng trọng điểm trồng đậu tương. Nhưng vài năm trở lại đây, cây sắn đang dần thay thế vị trí của đậu tương, bởi những lợi thế về đầu ra, quá trình chăm sóc, thu hoạch.
Đến Pú Nhung những ngày tháng 7, trên con đường rải nhựa từ quốc lộ 6 vào trung tâm xã, hai bên đường xanh mướt màu ngô, sắn. Ông Sùng Dũng Phía, Phó Chủ tịch UBND xã Pú Nhung cho biết: Nếu như trước đây, Pú Nhung nổi tiếng là vùng trồng ngô, đậu tương, thì giờ đây sắn đang dần chiếm ưu thế.
Tận dụng diện tích đất sản xuất manh mún trong vườn đến những vạt đồi ven suối, bà con đều trồng sắn. Gia đình trồng ít 2.000 - 3.000m2, gia đình trồng nhiều 1 – 2ha, có hộ trồng tới 5 - 6ha, chủ yếu là giống sắn cao sản, năng suất từ 80 - 90 tạ/ha. Mỗi năm bà con trồng 2 vụ, sau 6 tháng cho thu hoạch.
Loại cây trồng này không kén đất, chi phí đầu tư thấp, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đơn giản, đầu ra khá ổn định lại được giá nên bà con tích cực đưa cây sắn vào trồng với diện tích ngày càng lớn (toàn xã đạt trên 350ha/vụ). Với giá thu mua sắn tươi 2.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi héc ta lãi trên 30 triệu đồng/năm. Đầu ra ổn định chính là lợi thế để cây sắn dần thay thế đậu tương ở Pú Nhung.
Nông dân xã Pú Nhung chăm sóc sắn.
Gia đình ông Sùng Pá Chu, bản Phiêng Pi có hơn 1ha sắn chuẩn bị thu hoạch. Ông Chu cho biết: Trước đây phần lớn diện tích này gia đình tôi trồng đậu tương vụ xuân hè, nhưng do thu hoạch đậu tương vào đúng mùa mưa nên rất vất vả, khó bảo quản, đậu tương thường bị thối, mốc, bán không được giá, nên gia đình tôi chuyển sang trồng sắn.
Cây sắn dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, đầu tư phân bón cũng ít, trong khi cho giá trị kinh tế cao, là cơ sở để nông dân lựa chọn làm cây trồng thay thế đậu tương và ngô. Cũng như ông Chu, ông Sùng A Thu cùng bản cũng tận dụng đất ngô, đậu tương bạc màu để trồng sắn với diện tích 1ha mỗi vụ, đem lại nguồn thu khá ổn định.
Trao đổi với chúng tôi về việc người dân mở rộng diện tích trồng sắn trong những năm gần đây, bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Có "cầu" ắt có “cung”. Khi đầu ra cho cây sắn ổn định, giá thành cao thì việc người dân phát triển loại cây trồng này là tất yếu.
Không chỉ ở Pú Nhung mà các xã khác, như: Mùn Chung, Mường Mùn, Nà Tòng... cây sắn được người dân đưa vào trồng theo hướng hàng hóa với diện tích lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu canh tác nhiều năm liên tiếp, nhất là trên đất đồi, độ phì nhiêu thấp, hàng năm thường bị rửa trôi, trồng sắn sẽ là một trong số những nguyên nhân gây suy thoái dinh dưỡng đất trồng.
Vì vậy, giúp người dân nâng cao năng suất, sản lượng sắn, phát huy được tiềm năng của cây sắn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc, vận động nhân dân trồng sắn xen canh với cây họ đậu (đậu tương, đậu xanh, lạc...). Đây là giải pháp tối ưu vừa tăng thu nhập, đồng thời duy trì và phục hồi độ phì nhiêu cho đất.
Related news

Mỗi năm, ĐBSCL có khoảng 23 triệu tấn rơm, 4,6 triệu tấn trấu và 2,3 triệu tấn cám được thải ra trong quá trình sản xuất, chế biến gạo. Tuy nhiên, chỉ phần nhỏ phụ phẩm này được tận dụng trồng nấm, làm thức ăn gia súc, còn lại nông dân thường bỏ đi, lãng phí tiền tỷ mỗi năm.

Không chỉ hỗ trợ nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương, Công ty Kato Hitoshi General (Nhật Bản) còn cam kết giúp ngư dân Bình Định xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ.

Năm nay, sản lượng vải thiều Lục Ngạn tuy tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng vải không bị bán đổ, bán tháo do ngoài thị trường Trung Quốc chỉ còn chiếm tỷ lệ khoảng 1/2 lượng xuất khẩu thì vải Lục Ngạn đã tìm được một số thị trường mới như Úc, Nhật, Hàn Quốc.

Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT để nâng cao năng suất cây trồng thì ngành Nông nghiệp huyện Quang Bình đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa, gắn với nhu cầu thị trường tiêu thụ; trên cơ sở những điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc đưa các loại giống cây trồng cho năng suất cao vào sản xuất.

Những ao tôm thẻ chân trắng mới thả nuôi hơn một tháng ở 3 xã bãi ngang là Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải, thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bỗng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.