Phương pháp chăm sóc heo con
Sau khi heo con được đẻ ra, ta thả heo con bú ngay, vừa tranh thủ bú được nhiều sữa đầu, vừa kích thích heo nái đẻ nhanh hơn. Nếu để lâu không cho heo con bú sẽ dễ bị cảm lạnh hoặc bị cứng hàm.
2. Cần phải úm cho heo con:
Heo con sau khi sinh thân nhiệt của heo giảm xuống 37 độ C, khả năng điều tiết thân nhiệt kém trong những ngày đầu mới sanh nên heo con rất dễ cảm lạnh và bị tiêu chảy. Do đó heo con đẻ ra phải được úm để giữ ấm. Đặc biệt là heo con được đẻ vào mùa mưa, thời tiết lạnh nên dùng đèn điện úm cho heo con trong thời gian 2 tuần đầu, nhiệt độ chuồng úm từ 30 - 35 độ C.
Chuồng heo nái phải khô ráo, ấm áp tránh mưa tạt vào.
3. Chích sắt cho heo con:
Sắt là thành phần cấu tạo máu, thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu làm cho heo con bị tiêu chảy, da nhợt nhạt, sức kháng kém. Heo con cần nhu cầu sắt rất cao (7 mg/ngày/con) trong khi đó sữa heo mẹ chỉ cung cấp được bình quân: 2-3 mg/ngày/con. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sắt nếu ta không cấp trực tiếp sắt cho heo con.
Vì vậy, ta phải chích sắt cho heo con lần đầu vào ngày thứ 3 là tốt nhất với liều chích: 1 ml/con (1ml chứa 100 mg sắt). Đến 10 ngày tuổi ta tiếp tục chích: 1ml/ con.
Vị trí chích: 3 ngày tuổi nên chích ở đùi sau hay mông, 10 ngày tuổi nên chích ở sau gốc tai.
4. Cai sữa sớm heo con và những vấn đề cần chú ý:
Tùy theo điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nuôi mà nên tiến hành cai sữa sớm heo con, có thể cai sữa sớm heo con vào lúc 4 tuần tuổi, với điều kiện heo con đã tự ăn, uống bình thường và phải đạt trọng lượng trên 5 kg/con. Cai sữa sớm heo con có nhiều lợi ích:
- Heo nái sẽ lên giống sớm từ đó tăng lứa đẻ của nái trong năm.
- Hao mòn cơ thể heo nái ít.
- Giảm được thức ăn của heo nái.
- Heo con sẽ lớn nhanh, đồng đều.
Tuy nhiên, khi cai sữa sớm heo con cần lưu ý những vấn đề sau:
- Phải cai sữa từ từ, tránh đột ngột bằng cách giảm lần bú trong ngày.
- Trong ngày heo con cai sữa nên giảm lượng thức ăn xuống còn 50% so với khẩu phần thức ăn hàng ngày sau đó mới tăng dần lên và nên trộn kháng sinh để phòng bệnh tiêu chảy cho heo con, có thể dùng Enro- Colistin: liều lượng 100 gr/60 kg thức ăn.
- Cung cấp đầy đủ nước cho heo con, giữ chuồng khô, ấm.
5. Tập cho heo con ăn sớm:
Heo con theo mẹ nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng để đáp ứng cho đòi hỏi sự phát triển của cơ thể. Trong khi đó sản lượng sữa của heo mẹ chỉ tăng dần sau khi đẻ cho đến 21 ngày sau đó giảm dần xuống. Vì vậy phải tập cho heo con ăn sớm để đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của heo con, đồng thời tập cho heo con quen dần với thức ăn cung cấp từ bên ngoài vào. Khi khả năng tiết sữa heo nái giảm thì heo con đã ăn khỏe nên không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của heo con. Không những thế, còn cai sữa sớm được heo con để heo nái giảm hao mòn cơ thể, heo nái lên giống sớm để tăng lứa đẻ trong năm.
Tuy nhiên, thức ăn tập cho heo con phải đầy đủ dinh dưỡng dễ tiêu hóa để phù hợp với bộ máy tiêu hóa của heo con.
Nên tập ăn cho heo con theo mẹ vào lúc 7-10 ngày tuổi, tập ăn cho heo con bằng cách: dùng thức ăn tập ăn nhét vào miệng heo hoặc bôi thức ăn lên vú mẹ, hoặc để thức ăn trong máng tập ăn của heo con để heo con liếm. Chỉ sau 2-3 ngày heo con sẽ quen dần.
Để hấp dẫn cho heo con ăn, thức ăn tập ăn phải đạt 3 yêu cầu: dễ tiêu hóa, giá trị dinh dưỡng cao, ngon miệng và sạch.
6. Thiến heo đực:
Những heo đực không chọn để làm giống thì nên thiến vào lúc 12 -15 ngày tuổi. Vì lúc đó heo con ít bị chảy máu, dễ giữ, heo mẹ còn khả năng tiết sữa cao nên heo con mau lành vết thương. Không nên thiến heo đực vào lúc tiêm phòng vaccin hoặc khi cai sữa. Cách thiến heo đực:
+ Heo con được giữ chặt , rửa sạch dịch hoàn bằng nước xà phòng.
+ Sát trùng dịch hoàn bằng cồn.
+ Dùng dao thật bén, đã được sát trùng rạch một đường 2 cm dọc theo đường trắng giữa 2 dịch hoàn, sau đó nặn mạnh tay thì dịch hoàn sẽ lòi ra ngoài.
+ Dùng kìm kẹp chặt đoạn trong dịch hoàn và dùng kìm khác xoắn dịch hoàn cho đến đứt, không được cắt máu sẽ chảy nhiều hơn.
+ Tiếp tục thiến dịch hoàn thứ 2 theo cách trên.
+ Cuối cùng phải sát trùng cẩn thận vết mổ bằng cồn Iốt và giữ vết mổ thật sạch, khô để không bị nhiễm trùng.
7. Ghép đàn cho heo:
Việc ghép đàn heo con nhằm bảo đảm cho việc tăng tỷ lệ nuôi sống heo con, tăng trọng lượng cai sữa và bảo đảm độ đồng đều.
- Nên ghép heo con ở ổ nái đẻ trước sang nái đẻ sau thì có hiệu quả hơn, nếu ghép heo con từ nái đẻ sau sang nái đẻ trước thì ít hiệu quả hơn.
- Trước khi ghép sang đàn mới nên cho heo con bú được sữa đầu của heo mẹ cũ.
- Khi ghép heo con thì chọn thời điểm heo nái vừa hết ra nhau, dính nước nhau hay nước tiểu của heo mẹ bôi lên những con mới nhập để heo mẹ khó phân biệt, không nên cho những con ghép đi về phía mũi của heo nái trong thời gian mới ghép.
Related news
Đối với tất cả các giống lợn, không bao giờ cho phối giống ngay ở lần động dục đầu tiên, vì cơ thể lợn phát triển chưa hoàn thiện, số trứng rụng trong lần động dục đầu tiên ít... nếu phối giống thì số con đẻ ra sẽ ít.
Mục tiêu của nhà chăn nuôi là hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của heo con khi chuyển thức ăn từ sữa mẹ sang cám. Theo các tài liệu nghiên cứu về tầm quan trọng của tuần đầu tiên cai sữa đến việc xuất chuồng, nếu thời gian này heo không giảm trọng lượng thì khoảng 178 ngày tuổi heo đạt đủ trọng lượng xuất chuồng. Nếu tuần đầu tiên sau cai sữa tăng trọng trên 115g/ngày thì ngày tuổi xuất chuồng giảm được 15 ngày,xuống còn 163 ngày. Nếu trọng lượng 1 tuần đầu sau cai sữa chênh lệch 900g thì trọng lượng xuất chuồng sẽ chênh lệch tới 12kg.
Người chăn nuôi nên quan tâm đúng mức để có thể biết được heo khỏe mạnh hay ốm yếu và tìm được nguyên nhân.