Phú Yên triển vọng nuôi hàu Thái Bình Dương
Hàu sinh trưởng nhanh
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, từ tháng 8/2015, đơn vị này đã triển khai mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương thương phẩm cho 11 hộ dân ở các xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) và Xuân Hải (TX Sông Cầu) với 730 lồng nuôi. Mỗi lồng nuôi có khoảng 120 con, kích cỡ lồng 30x30cm. Hàu Thái Bình Dương được nhập từ cơ sở sản xuất giống Thiên Phước ở tỉnh Khánh Hòa. Các hộ nuôi được hỗ trợ 100% con giống và được hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Mô hình triển khai trong vòng 8 tháng.
Ông Nguyễn Thanh Tú ở thôn 2, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu), cho biết: Tham gia mô hình, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư hỗ trợ gần 17.000 con hàu giống. Gia đình tự trang bị lồng nuôi theo yêu cầu. Vì đây là lần đầu tiên gia đình tôi nuôi giống hàu mới này nên chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó tỉ lệ hàu bị hao hụt khá cao, khoảng 25%. Sau 8 tháng nuôi, bình quân mỗi ký hàu có từ 11-12 con, 140 lồng nuôi của gia đình thu hoạch được khoảng 100kg hàu thịt (chưa tách vỏ), bán với giá 25.000 đồng/kg.
Còn theo ông Nguyễn Chí Quang, một trong những hộ tham gia mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương ở thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), so với giống hàu bản địa thì hàu Thái Bình Dương có nhiều điểm nổi trội hơn hẳn. Thời gian sinh trưởng chỉ 8 tháng, trong khi đó, giống hàu bản địa lại mất từ 15-16 tháng mới thu hoạch được. Chất lượng hàu Thái Bình Dương cao hơn, ruột lớn nên được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra, nuôi hàu Thái Bình Dương rất khỏe, ít tốn kém vì không phải chạy lo thức ăn từng bữa như nuôi tôm, cá. Hàu tự tìm kiếm thức ăn có trong môi trường nuôi. Thức ăn chủ yếu của hàu là các loài sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ có trong môi trường nước. Khi nuôi hàu, người nuôi chỉ cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi và theo dõi nguồn nước để có cách điều chỉnh lồng nuôi phù hợp là được. Cách nuôi hàu trong lồng (chi phí 15.000 đồng/lồng) như mô hình hướng dẫn giúp con hàu nhanh lớn, lại đảm bảo vệ sinh, chất lượng hàu không bị ảnh hưởng như nuôi trên tấm tôn fibro lâu nay.
Nhân rộng mô hình
Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, mô hình này cho kết quả khá khả quan, tổng sản lượng hàu thương phẩm đạt 5,8 tấn, giá bán 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí về nhân công, giống và lồng nuôi, bình quân mỗi lồng nuôi cho lợi nhuận 67.000 đồng. Tuy nhiên, đây là cách hạch toán chi tiết trong mô hình. Trên thực tế, các hộ nuôi hàu có thể tận dụng lồng nuôi cho nhiều vụ tiếp theo, đồng thời lấy công làm lời… thì mỗi lồng nuôi có thể cho lãi trên 100.000 đồng. Khi bà con nhân rộng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương với quy mô lớn thì lợi nhuận sẽ tăng cao. Nhờ những kết quả này, sau khi mô hình kết thúc đã có khá nhiều hộ nuôi tiếp tục nhân rộng, phát triển nghề nuôi hàu Thái Bình Dương trong lồng.
Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Thanh Tú, hiện gia đình ông Tú vừa thả 600 dây hàu giống Thái Bình Dương cho vụ mới. Ông Tú cho hay: Sau 3 tháng nữa tôi sẽ tách các dây hàu này cho vào lồng nuôi để giúp hàu mau lớn, lại dễ dàng vệ sinh. Nếu tỉ lệ hao hụt thấp thì với 600 dây hàu này tôi có thể tách được 550 lồng để nuôi thương phẩm. Còn theo ông Nguyễn Văn Hoàng ở thôn 2, xã Xuân Hải, mặc dù vừa qua ông không được tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai, nhưng qua tham quan, tìm hiểu, thấy mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương khá khả quan nên vụ này gia đình ông Hoàng đầu tư làm lồng và đang thả 600 dây hàu giống để nuôi.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Nguyễn Khắc Tân cho biết: Ngoài việc phát triển kinh tế, hàu Thái Bình Dương còn là đối tượng có thể nuôi ghép trong lồng bè với nhiều đối tượng nuôi khác tại các vùng nuôi trồng thủy sản của địa phương. Khi nuôi ghép, hàu sẽ ăn các loại mùn bã hữu cơ do thức ăn thừa phân hủy ra trong môi trường nuôi, giúp vệ sinh khu vực nuôi trồng thủy sản, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển mạnh nghề nuôi hàu là con giống tại địa phương khá khan hiếm, người nuôi phải nhập giống từ tỉnh ngoài về nên tốn kém chi phí vận chuyển. Ngoài ra, vì là đối tượng nuôi mới nên hầu hết ngư dân chưa có nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi hàu Thái Bình Dương. Thời gian tới, đơn vị sẽ tìm kinh phí để triển khai thêm nhiều mô hình, tập huấn kỹ thuật nuôi hàu Thái Bình Dương cho bà con. (Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư)
Related news
Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sản lượng nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh đạt 7.510,6 tấn, tăng 9,41% so với vùng kỳ năm 2015.
Anh vũ, Dầm xanh, Lăng, Chiên và Bỗng là năm loại cá quý của các dòng sông phía Bắc mà người dân vùng sông nước thường gọi là “ngũ quý hà thủy". Ở tự nhiên, những loại cá này đã được đưa vào sách đỏ nhằm bảo tồn giống gen quý. Để khôi phục các giống cá quý, từ năm 2011 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ đã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống và thử nhiệm thành công nuôi thương phẩm cá Lăng chấm, cá Anh vũ, cá Bỗng trên địa bàn.
Theo số liệu Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh Hòa Bình tích cực triển khai chính sách phát triển nuôi cá lồng, nhờ vậy, số lồng nuôi cá trên hồ sông Đà tăng mạnh tại các vùng nuôi tập trung.