Phú Yên Sản Xuất Đại Trà 3 Giống Lúa Lai

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Phú Yên tiến hành trồng khảo nghiệm 10 giống lúa lai. Sau 3 vụ khảo nghiệm cơ bản và 2 vụ khảo nghiệm sản xuất theo quy định của Bộ NN-PTNT, ngành đã tuyển chọn được 3 giống lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, chất lượng gạo tốt, để đưa vào sản xuất đại trà trong vụ đến. Đây là một trong những giải pháp xây dựng cánh đồng lúa chất lượng, thu nhập cao.
LÚA LAI NĂNG SUẤT CAO
Vụ hè thu năm 2014, ông Huỳnh Vinh, nông dân ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) trồng 2 sào lúa lai Nam ưu 1202, năng suất đạt trên 80 tạ/ha. Ông Vinh phấn khởi nói: “Giống lúa lai này gié dài hơn gang tay người lớn, tôi gánh một đầu 4 bó lúa đi không nổi. Cũng trên đám ruộng này, trước đây tôi trồng giống lúa thuần năng suất chỉ đạt 60 tạ/ha”.
Đám ruộng rộng 2,5 sào của ông Nguyễn Tấn Lộc nằm cạnh con đường nội đồng thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng) trồng giống lúa lai ZZD001. “Cánh đồng này thời gian qua trồng nhiều giống lúa khác nhau, từ lúa lai đến lúa thuần, nhưng giống lúa lai này vượt trội hơn, đẻ nhiều nhánh, phơi gié hạt sáng trưng, gié lúa dài đóng thóc dày, chiều cao cây trung bình, cuối vụ năng suất đạt 82 tạ/ha. Vụ đến tôi quyết định làm giống này”, - ông Lộc nói.
Cũng tại xã Hòa Thắng, thửa ruộng của ông Võ Đình Thăm trồng giống lúa Xuyên Hương 178, từ khi lúa vừa ra lá non đến khi làm đòng lá xanh mượt. Ông Thăm cho biết: “Vụ lúa năm nay trên các cánh đồng đều chịu chung yếu tố thời tiết bất lợi, đó là nắng nóng, khô hạn kéo dài.
Thế nhưng với giống lúa lai tôi trồng suốt vụ, lúa không bị bệnh, lá xanh mượt, ít bón phân so với giống lúa thuần, trổ đều, hạt sáng. Qua đó cho thấy, giống lúa này phù hợp với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Kết quả, năng suất đạt 80 tạ/ha, trong khi các giống lúa thuần khác sản xuất lân cận chỉ đạt 60 tạ/ha.
Không chỉ ở các xã đồng bằng mà vụ hè thu này trên cánh đồng xã Đức Bình Tây, huyện miền núi Sông Hinh, cũng tiến hành trồng khảo nghiệm sản xuất 5 giống Nam ưu 1202, Nam ưu 1051, Đắc ưu 11, Xuyên Hương 178 vàZ ZD001. Sản xuất lúa lai, người dân ở đây đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sạ hàng 2,5 kg/sào.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Thời gian lúa sinh trưởng trung bình từ 98 đến 102 ngày, đẻ nhánh khỏe, độ đồng đều cao, bông to, dài, cứng cây nên chống đổ ngã tốt; hạt mẩy, ít lép, gạo ngon cơm, nếu thâm canh năng suất đạt từ 80 đến 100 tạ/ha. Tính toán các chỉ tiêu cấu thành năng suất cho thấy lúa lai cho năng suất rất cao, chống chịu được các loại sâu bệnh hại so với giống lúa thuần.
ĐƯA VÀO SẢN XUẤT ĐẠI TRÀ
Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khoa học và công nghệ tỉnh Phú Yên, Sở NN-PTNT đã tiến hành trồng khảo nghiệm giống lúa lai từ năm 2013, với 10 giống lúa lai F1 tốt nhất được du nhập từ các viện, trường, các công ty nghiên cứu sản xuất lúa lai và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống Miền Trung và Tây Nguyên.
Qua trồng 3 vụ khảo nghiệm cơ bản, cuối vụ hè thu năm 2014, sở đãtuyển chọn được 3 giống triển vọng gồm Nam ưu 1202, Xuyên Hương 178 vàZZD001, đưa vào sản xuất đại trà trong vụ đến.
Ông Nguyễn Đức Thắng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT), chủ nhiệm đề tài cho hay: “Hạt gạo của giống lúa lai có phẩm chất tốt nên giá cao. Các giống lúa lai được tuyển chọn đưa vào sản xuất đại trà vụ đến đều sinh trưởng, phát triển khỏe, có tiềm năng năng suất và năng suất thực thu cao trên 80 tạ/ha; thời gian sinh trưởng ngắn ngày, phù hợp với sản xuất ở Phú Yên”.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu giống tiến tới sử dụng các loại giống chất lượng cao để sản xuất đại trà nhằm mục đích nâng cao giá trị hạt gạo và đem lại lợi ích cho nông dân.
Lúa lai có khả năng thích nghi rộng và chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao hơn lúa thuần từ 15% đến 30%, thâm canh tốt có thể đạt năng suất bình quân 80 tạ đến 120 tạ/ha. Đây là chương trình thuộc dự án xây dựng cánh đồng lúa chất lượng, thu nhập cao.
Tỉnh Phú Yên có diện tích trồng lúa nước tập trung lớn trong khu vực Nam Trung Bộ. Mỗi vụ gieo sạ từ 24.000 ha đến 26.000 ha, trong đó có 40% diện tích đã được nông dân áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa hợp lý. Tuy nhiên, giống lúa thuần tại địa phương hiện đã thoái hóa, tỉ lệ lẫn tạp chiếm 85%, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp vì năng suất bão hòa. Do vậy, việc nhân rộng các mô hình áp dụng giống lúa mới hoặc lúa lai vào sản xuất đại trà là rất cần thiết.
Related news

Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.

Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.

Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.

So với cùng kỳ năm trước, giá lươn thu mua tại bồn thời điểm này tuy có thấp hơn chút đỉnh nhưng người nuôi lươn vẫn phấn khởi vì lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn trong bồn không sử dụng nhiều vốn, không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần chịu khó chăm sóc là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng sau 5 - 7 tháng thả nuôi.

Theo kết quả đánh giá về phát triển kinh tế của UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) về phát triển nông nghiệp đến tháng 7/2012 thì khả quan nhất vẫn là chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt là hươu.