Phòng Trừ Và Trị Bệnh Chết Nhanh, Chết Chậm Hại Cây Tiêu
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 500 hécta tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Với loại bệnh này nếu không phòng trừ kịp thời sẽ làm cho vườn tiêu chết hàng loạt. Theo Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm nông dân nên áp dụng các biện pháp sau:
1/ Bệnh chết nhanh (bệnh thối rễ)
Do nấm Phytophthora sống trong đất gây nên. Nấm này có thể tấn công riêng lẻ, song đa số có sự kết hợp của các loài nấm khác như: Fusarium, Pythium, Rhizoctonia cùng tấn công làm cây tiêu chết nhanh chóng.
* Triệu chứng:
Cây tiêu đang sinh trưởng xanh tốt, bị nấm tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất sẽ làm cho các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt, biến thành màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất có dấu hiệu héo. Phần lớn lá sẽ rụng hết trong 1-2 tuần, để lại các cành trơ trụi. Sau đó toàn dây bị héo và chết khô. Cũng có khi lá rụng một lượt với lóng (còn gọi là bệnh tiêu sầu), hiện tượng rụng lá và đốt thường bắt đầu từ ngọn trở xuống. Bệnh xảy ra khá nhanh, sau một vài tháng cả cây tiêu chết. Nhổ cây tiêu lên thấy bộ rễ tiêu bị thối đen, gốc thân cũng bị thối.
Nấm gây bệnh chết nhanh phát triển mạnh trong mùa mưa, xâm nhập phân hủy bộ rễ và gây chết hàng loạt vào cuối mùa mưa. Những vườn tiêu bị nhiễm bệnh đa số là ẩm thấp, bị đọng nước trong mùa mưa và chăm sóc kém. Bệnh này có thể lây lan qua đất, nước, dụng cụ canh tác... Bệnh chết nhanh trên cây tiêu rất khó trị, vì khi thấy triệu trứng héo dây thì bộ rễ đã bị nấm bệnh tấn công từ 1,5-2 tháng trước đó. Vì vậy, bà con phải thường xuyên thăm vườn, phát hiện bệnh sớm để xử lý kịp thời.
* Cách phòng trừ:
- Không để vườn tiêu đọng nước trong mùa mưa.
- Bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai và bón cân đối phân NPK.
- Tỉa lá già, các dây lươn ở gốc tạo thông thoáng cho gốc tiêu. Đồng thời, hạn chế làm tổn thương rễ tiêu.
- Cây bị bệnh nặng nên đào bỏ và nhặt hết rễ để tiêu hủy. Sau đó, rắc vôi vào gốc tiêu vừa đào bỏ để diệt nấm bệnh, tránh lây lan ra diện rộng.
- Dùng thuốc gốc đồng tưới gốc tiêu vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa để hạn chế nấm bệnh phát triển. Nếu trong vùng thường xuất hiện bệnh, vào mùa mưa phun thuốc Ridomin Gold, Acrobat, Alpine... định kỳ 1-2 tháng/lần cả vườn.
2/ Bệnh chết chậm
Do nấm Fusarium sp, Pythium sp, Rhizoctonia sp... xâm nhập vào bộ rễ và gây lên.
* Triệu chứng:
Đào mương thoát nước hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây tiêu.
Cây tiêu bị bệnh có biểu hiện sinh trưởng chậm, lá nhỏ lại, nhạt màu hoặc chuyển vàng giống như thiếu phân, thiếu nước. Sau đó, các lá, hoa, quả rụng dần từ dưới gốc lên ngọn.
Kiểm tra các gốc, thân cây thấy nhiều vết màu nâu đen, dần dần vết bệnh lan rộng làm thối lớp vỏ gốc, phần lõi thân bên trong màu nâu nhạt. Lâu ngày, toàn bộ rễ và gốc thâm đen thối mục và cây chết khô dần.
Từ khi cây tiêu có biểu hiện bị bệnh đến khi bị nặng hoặc chết có thể kéo dài một năm. Bệnh chết chậm có thể làm chết 1-2 dây hoặc cả nọc tiêu. Bệnh này thường xảy ra ở các vườn tiêu đất chua, ẩm ướt, bị đọng nước và bón ít phân hữu cơ.
* Cách phòng bệnh:
- Bón nhiều phân hữu cơ và bón đủ phân NPK và bón thêm vôi cho các gốc tiêu. Đồng thời không để gốc tiêu đọng nước trong mùa mưa.
- Tiêu hủy các cây bị bệnh và rắc vôi vào gốc diệt mầm bệnh.
- Hàng năm dùng thuốc gốc đồng, hoặc thuốc Kozuma 8SL, Funguran-OH 50WP tưới 1-2 lần vào đầu và cuối mùa mưa.
Related news
Ông Dương Hùng Đỗ, Chủ tịch Viện cho biết: “Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu nguyên nhân không do Phytopthora mà là chủ vườn đã bón quá nhiều phân hóa học và thuốc BVTV làm mất tính chất vật lý của đất”.
Tự ủ phân cá để bón cho cây, vườn tiêu của ông Lực đã trở thành vườn kiểu mẫu, mô hình tham quan, học hỏi, chia sẻ cho nhiều bà con nông dân.
Mô hình trang trại tổng hợp theo tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Trần Thái ở thôn Phú Lâm, xã miền núi Tây Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định mỗi năm lãi hơn 500 triệu
Tại Việt Nam, việc sử dụng các loại cây trụ sống trong sản xuất hồ tiêu của nông dân phụ thuộc vào đặc điểm của từng vùng và nguồn vật liệu có sẵn ở địa phương.
Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất.