Phòng trừ sâu bệnh hại lúa Nhật (Japonica)
Vụ xuân năm 2020 nắng mưa thất thường, từ đầu tháng 3, trời nồm ẩm kèm sương mù, mưa phùn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sâu bệnh. Để hạn chế cần lưu ý:
Kiểm tra sâu bệnh trên lúa Nhật ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.
1. Các biện pháp phòng
Đến nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái, cần lưu ý:
- Vệ sinh đồng ruộng, thường xuyên làm cỏ bờ và vùng lân cận ven làng để không cho sâu bệnh cư trú, ký sinh trên cỏ, sẽ hạn chế nguy cơ lây lan sang lúa.
- Điều tiết nước hợp lý theo công thức nông - lộ - phơi (tưới nông và giữ ẩm xen kẽ). Khi lúa đẻ nhánh nên tháo cạn nước đến rạn chân chim giúp cây lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, rễ ăn sâu sẽ tăng tỷ lệ bông hữu hiệu, chống đổ, hạn chế một số đối tượng sâu bệnh hại.
- Phân bón: Bón phân cân đối N, P, K, vừa đủ, không lai rai. Khi cây lúa bị bệnh, tuyệt đối không bón phân, đặc biệt là đạm, không phun phân bón lá và thuốc kích thích sinh trưởng. Giai đoạn lúa phân hóa đòng, tùy điều kiện cụ thể (như thời tiết, nhu cầu của cây (mầu sắc của lá), chân đất,…) có thể bón bổ sung theo khuyến cáo của chuyên môn.
2. Các biện pháp trừ
2.1 Chuột hại
Chuột có thị giác kém nhưng các giác quan khác lại phát triển rất tốt, thường đi lại theo một đường cố định, hoạt động mạnh vào chập tối và gần sáng, leo trèo, bơi lội giỏi, di chuyển xa, đa nghi, sinh sản nhanh…Để phòng trừ đạt hiệu quả cao cần phát động toàn dân diệt chuột, tập trung trên toàn cánh đồng bằng nhiều biện pháp bẫy, bả. Khi diệt chuột bằng bả nên chọn các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc thuộc nhóm chết chậm, ít độc hại cho người và động vật máu nóng, bảo vệ được thiên địch.
Cách làm bả với thuốc có hoạt chất Warfarin như Ran part 2% DS, Rat K 2% DP, Rat-kill 2% DP...:
+ Sử dụng thóc luộc nứt vỏ trấu hoặc thóc ngâm mọc mầm làm mồi. Trộn đều 10g thuốc với 400 – 500g mồi: Mồi khi trộn phải đủ ẩm để thuốc ngấm vào mồi. Trung bình 100g bả chia thành 4 – 5 phần rải trên 1 sào Bắc Bộ (Tùy theo mức độ hoạt động của chuột để tăng hoặc giảm lượng bả). Cho bả vào túi nilon nhỏ để hở 1 đầu để tránh rửa trôi thuốc do mưa hoặc sương hoặc nước thấm lên từ đất. Nên rải vào xế chiều.
2.2 Bệnh đạo ôn
Thường xuất hiện từ giai đoạn đẻ nhánh đến trỗ bông. Bệnh phát sinh và lây lan mạnh trong điều kiện thời tiết âm u, mưa phùn, ruộng cấy dày, bón phân không cân đối, bón nhiều đạm, bón phân muộn, ruộng trũng đặc biệt giống Japonica đều nhiễm nặng bệnh đạo ôn… Bệnh do nấm Pyricularia oryzae gây ra, có thể gây hại trên lá, thân, cổ bông hoặc cổ gié lúa.
Bệnh hại lá, ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng, bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô; bệnh hại cổ bông, cổ gié ban đầu cũng có màu xám xanh sau chuyển sang nâu.
+ Đối với bệnh đạo ôn lá: Khi phát hiện ruộng có nhiễm bệnh đạo ôn trên lá tỷ lệ bệnh > 5% lá, cắm tiêu khoanh vùng, hướng dẫn nông dân không được bón phân đạm và các loại phân bón khác, chủ động phun phòng trừ bệnh đạo ôn bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Filia 525SE, NinJa 35EC, Bump gold 40SE, Beam 75WP…
+ Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: Những diện tích lúa đã bị bệnh đạo ôn hại nặng trên lá; diện tích có tỷ lệ >1% số lá đòng, cổ áo lá đòng, lá áp đòng bị bệnh cần phải phun phòng trừ bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như Filia 525SE, NinJa 35EC, Bump gold 40SE, Beam 75WP…
Khi lúa thấp thoi trỗ (trỗ được 1-3% bông), nếu thời tiết nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí cao, kèm theo mưa, đặc biệt mưa vào chiều tối hoặc ban đêm cần phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5-6 ngày (khi lúa trỗ thoát). Không được để đến khi phát hiện có vết bệnh gây hại trên bông, trên gié mới phun sẽ không hiệu quả.
2.3 Bệnh khô vằn
Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra hại từ bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già dưới gốc rồi lan dần lên trên; tốc độ lây lan ở các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng quá cao, cấy quá dầy.
Bệnh làm giảm tới 30% năng suất khi vết bệnh xuất hiện ở lá đòng. Thường gây hại mạnh từ giai đoạn lúa phân hóa đòng đến cuối vụ, trong điều kiện nóng ẩm (có nắng mưa xen kẽ).
Phun khi bệnh chớm xuất hiện, nên lưu ý các ruộng trũng bón nhiều đạm, cấy to cấy dầy, chọn một trong các loại thuốc trừ phổ rộng như: Nevo 330EC, Tilt super 300EC, Newsuper 330EC, Superone 300EC, Validacin 5SL,…
2.4 Sâu cuốn lá, sâu đục thân
+ Sâu cuốn lá: Thường xuyên kiểm tra đồng, khi sâu non có mật độ từ 40 con/m2 (giai đoạn lúa đẻ nhánh), từ 20 con/m2 (giai đoạn lúa làm đòng) cần phun thuốc để phòng trừ. Sử dụng một trong các loại thuốc như: DuPontTM Prevathon® 35WG, Virtako 40WG, Taisieu 5WG, Chief 520 WP, Regent 800WP,... Phun khi sâu non tuổi 1-2.
+ Sâu đục thân bướm 2 chấm: Sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp bằng cách bố trí thời vụ thích hợp, bảo vệ thiên địch, tập trung ngắt ổ trứng, gom lại và đem tiêu huỷ. Sử dụng biện pháp hóa học, thường xuyên theo dõi mật độ sâu trên đồng ruộng, chỉ phun thuốc khi đến ngưỡng phòng trừ: giai đoạn đẻ nhánh: 0,5 ổ trứng/m2; đòng già - bắt đầu trỗ: 0,3 ổ trứng/m2; phun thuốc khi lúa thấp thoi trỗ (trỗ được 1-3% bông), nếu mật độ ổ trứng cao phải phun 2 lần (lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày hay ngay sau khi lúa trỗ thoát). Sử dụng một trong các loại thuốc để phòng trừ như: DuPontTM Prevathon® 35WG, Virtako 40WG, Taisieu 5WG, Chief 520 WP, Regent 800WP,...
2.5 Rầy các loại
Vụ xuân rầy thường tập trung hại ở lứa 2 - 3 vào tháng 4 – 5. Trước khi phòng trừ cần điều tra xác định mật độ, diện tích cần phun, thời gian rầy cám nở rộ, giai đoạn sinh trưởng và tình trạng của cây, phun khi rầy chủ yếu ở tuổi 1,2. Các loại thuốc có thể sử dụng gồm: Chess 50WG, Winter 635EC, Penatyold 50EC, Hichespro 50WP, ...
Lưu ý: Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, hướng dẫn cụ thể của chuyên môn và nồng độ, liều lượng trên bao bì.
Related news
Cây lúa rất mẫn cảm với đất phèn. Vì vậy, khi trồng lúa trên nền đất phèn, nông dân phải có giải pháp canh tác thông minh trước khi xuống giống.
Tổn thất sau thu hoạch của ngành lúa gạo khoảng 14% tương đương với hàng nghìn tỷ đồng bị mất mỗi năm, chủ yếu ở các khâu thu hoạch, phơi và sơ chế, bảo quản
Năm 2020 Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội làm mô hình 300 ha lúa Japonica chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn, chất lượng đồng thời gia tăng