Phòng trừ rầy nâu cuối vụ
Đến nay, lúa xuân trên địa bàn tỉnh Nam Định đã trỗ bông xong, một số diện tích gieo cấy sớm đã chắc xanh, đỏ đuôi.
Rầy lứa 3 (rầy nâu) nở rộ với mật độ cao, diện phân bố rộng. Ảnh: Mai Chiến.
Theo đánh giá chung của ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định, vụ lúa xuân 2020 gặp không ít khó khăn về thời tiết, dịch bệnh “bủa vây” đồng ruộng; nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc nên dịch bệnh hại lúa được đẩy lùi, các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, cuối tháng 3, đầu tháng 4, thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều ngày nắng ẩm, mưa phùn kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ gây hại và có nguy cơ bùng phát rộng.
Trong đó, sâu cuốn lá nhỏ đáng lo ngại nhất. Theo đó, mật độ sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 cao hơn so với TBNN (gấp 3 lần so với năm 2019, gấp 5 - 7 lần so với TBNN; những năm trước hầu như không phải phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 1). Mật độ sâu trung bình 3 - 7 con/m2, cao 50 - 70 con/m2, cá biệt 100 - 150con/m2.
Giai đoạn sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 cũng nguy hiểm không kém, mật độ sâu phổ biến 50 - 70 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, cục bộ > 600 con/m2.
Thời điểm đó, Chi cục nhận định đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, có mật độ cao, lứa kéo dài, nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Dự kiến toàn tỉnh cần phun trừ khoảng 68.000ha (chiếm 93% diện tích).
“Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nhất là sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 vũ hóa rộ với mật độ cao, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương tổng phòng trừ từ ngày 22 - 30/4. Nhờ đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 bị chặn đứng, không có nguy cơ bùng phát.
Vị này cho biết thêm, đến nay, lúa toàn tỉnh đã trỗ bông xong, một số diện tích gieo cấy sớm đã chắc xanh, đỏ đuôi.
Dự kiến, đầu tháng 6, các địa phương trong tỉnh bắt đầu thu hoạch lúa chín.
Mặc dù, thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã chặn đứng sâu cuốn lá nhỏ, đẩy lùi bệnh khô vằn; đạo ôn; rầy lứa 1, lứa 2 trên lúa xuân.
Tuy nhiên, hiện nay rầy lứa 3 (chủ yếu rầy nâu) đang bắt đầu nở rộ với mật độ rất cao, diện phân bố rộng hơn so với cùng kì năm trước; mật độ phổ biến 500 - 700 con/m2, nơi cao 2.000 - 4.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 1 vạn con/m2.
Những nơi có mật độ cao như xã Giao Yến, Giao Tân, Giao Thịnh (huyện Giao Thủy); Hải Phương, Hải Giang, Hải Lộc (huyện Hải Hậu); Nghĩa Phong, Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng); Xuân Kiên (huyện Xuân Trường); Nam Thanh, Nam Tiến, Nam Hải (huyện Nam Trực); Hiển Khánh, Tam Thanh (huyện Vụ Bản)…
“Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng để xác định và khoanh vùng những nơi, những diện tích nhiễm rầy mật độ cao. Đối với diện tích lúa chín ≥ 80% mà có mật độ rầy cao, nên gặt “chạy rầy”, Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh (Giao Thủy) cho hay, vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 501ha lúa với cơ cấu giống chủ yếu là Đài thơm 8, Bắc thơm 7…
Năm nay, dịch bệnh gây hại trên lúa xuân rất phức tạp, đặc biệt là sâu cuốn lá (đã phun trừ, sạch bệnh) và rầy nâu cuối vụ. Hiện, một số diện tích chưa kịp phun trừ rầy nâu cuối vụ, mật độ có thể lên đến 10.000 con/m2. Nếu không phun nhanh sẽ có nguy cơ cháy.
“Trước tình hình này, địa phương đã phát động phun trừ những diện tích bị nhiễm, phấn đấu phun trừ xong trước ngày 25/5. Đến ngày 27/5, địa phương sẽ rút nước lộ ruộng để chuẩn bị cho việc thu hoạch lúa xuân”, ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, thời điểm này, rầy nâu chủ yếu xuất hiện trên đồng ruộng ở phía Nam tỉnh như Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường; mật độ nhiễm cao hơn các huyện phía Bắc tỉnh.
“Thực hiện chỉ đạo của tỉnh cũng như hướng dẫn của ngành nông nghiệp, những ngày vừa qua, bà con nông dân các huyện đã tập trung phòng trừ, đạt hiệu quả cao. 1 - 2 ngày tới, bà con sẽ phun trừ hết và xử lí triệt để các ổ rầy trên đồng ruộng để đảm bảo vụ xuân thắng lợi”, ông Hoan nhấn mạnh.
Dự kiến, khoảng 10 - 15 ngày nữa là vào vụ thu hoạch rộ, ông Hoan yêu cầu các địa phương chuẩn bị nhân lực, phương tiện… để thu hoạch tập trung, nhanh và gọn trong thời gian ngắn nhất với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Năng suất lúa xuân năm nay ước đạt khoảng 69 tạ/ha.
Related news
Bạch đàn Caman (còn có tên khác là bạch đàn trắng Caman) là cây gỗ lớn, chiều cao có thể đạt tới 60 m, đường kính đạt tới 3,6 m.
Giai đoạn sâu non đục cuống quả là giai đoạn sâu gây hại mạnh nhất. Đặc điểm sâu non sau khi nở sẽ trực tiếp đục từ vỏ quả
Hồng xiêm là cây ăn quả nhiệt đới, nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển tốt từ 23-34 độ C; lượng mưa 1.000 - 1.500 mm và phân bố tương đối đều