Phòng trị sâu nhớt và dòi đục nụ hại cam
Theo điều tra của ngành BVTV, sau thời kỳ rét đậm, rét hại kéo dài, vào cuối tháng 2 tới thời tiết ấm dần lên, các đối tượng gây hại chính trên các vườn cây ăn quả có múi như sâu nhớt, dòi đục nụ, đục hoa sau khi ngủ đông sẽ phát triển mạnh,...
Chúng có thể trở thành dịch gây thiệt hại lớn cho sản xuất nếu không có các biện pháp dự tính, dự báo và phòng trị hữu hiệu và kịp thời.
Sâu nhớt (Clitea metallica Chen) thường xuất hiện rất sớm, từ giữa tháng 2, sinh nở rất nhanh, dễ trở thành dịch lớn, phá trụi hết lộc non, lá non và quả non. Nếu không được phòng trừ đúng cách và kịp thời, sâu nhớt có thể gây thiệt hại lớn, thậm chí làm thất thu cả vụ thu hoạch.
- Sâu trưởng thành có cánh cứng màu xanh đen, ánh kim loại. Thân dài khoảng 4 cm. Con trưởng thành thường nghỉ đông ở các kẽ nứt của vỏ gốc cây. Từ tháng 1 đến tháng 3, khi lộc xuân bắt đầu phát triển thì chúng bay ra, đẻ từng đôi trứng một vào các lá còn non. Con cái có thể đẻ tới 500-700 quả trứng. Trứng có hình ô van, dài 0,6 mm màu trắng, sau chuyển thành màu vàng rồi vàng nâu là lúc trứng sắp nở thành sâu non. Đẻ xong trứng, con trưởng thành tiết ra một chất dịch phủ toàn bộ trứng để bảo vệ.
- Sâu non các lứa nở ra vào tháng 2, 3 và tháng 4. Sâu non ở tuổi cuối dài khoảng 6 mm, thường hoạt động mạnh, phá hại lớn. Sâu non ưa ăn các mô mềm trên lộc, lá non và quả non. Nếu sâu ăn từ mặt trên lá xuống dưới thì gây thủng lỗ chỗ; nếu ăn từ mặt dưới lá lên trên thì chừa lại một màng trắng. Sâu non ăn đến đâu tiết ra một chất dịch nhầy và dính làm cho các lá héo khô và rụng. Nếu gây hại nhẹ trên quả non thì tạo thành những vết sẹo làm cho quả bị dị hình khi lơn; nếu gây hại nặng thì làm cho quả non bị rụng sớm.
- Sau 20 ngày, sâu non bò dọc theo thân cây xuống đất hoặc các kẽ nứt ở gốc cây để làm nhộng. Sau 7 ngày nữa nhộng sẽ vũ hoá thành con trưởng thành bay đi.
Dòi đục nụ, đục hoa (Contarina sp.) là một trong những đối tượng gây hại khá nghiêm trọng các vườn cây ăn quả có múi, chủ yếu vào thời kỳ cây đang ra hoa. Con trưởng thành có cánh phấn màu trắng rất nhỏ, thường sống trong các nách lá, tán lá rậm hoặc ở gốc cây. Đầu tháng 2, chúng đẻ trứng vào các mầm hoa.
Vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi mầm hoa đã phát triển thành nụ hoa thì trứng nở thành những con dòi (sâu non) nhỏ 0,1 - 0,2 mm màu trắng trong. Những con dòi này bắt đầu đục phá bầu nhị cái trong hoa làm cho các hoa đó trương to lên một các bất bình thường. Sau đó hoa bị thối và rụng. Người ta gọi những nụ hoa không nở này là "nụ bộp", nếu bóc các nụ bộp này ra sễ thấy dòi non nhảy ra rất nhiều. Con trưởng thành đẻ rất nhiều trứng (từ 400 đến 500 quả) nên khi nắng ấm lên (vào cuối tháng 3) dòi nở rất nhiều và rất nhanh nên mức độ gây hại rất lớn.
Biện pháp phòng trừ:
- Sâu nhớt rất dễ diệt trừ, thậm chí mưa to sâu cũng bị rửa trôi và chết hàng loạt. Kinh nghiệm một số nơi như ở Nghệ An, nông dân dùng tro bếp vấy lên tán lá, sâu cũng chết hàng loạt do bị dính tro. Tuy nhiên, do sâu nhớt có tốc độ sinh sôi nẩy nở rất nhanh và mức phá hại khá lớn, nhiều khi phòng trừ không kịp, do đó cần lưu ý:
+ Những vùng nào năm trước đã bị hại nặng thì ngay từ tháng 12 cần làm vệ sinh xung quanh gốc cây và phun các loại thuốc trừ sâu dạng tiếp xúc để diệt con trưởng thành.
+ Lứa phá hại nghiêm trọng nhất của sâu nhớt là vụ xuân, cần phun một trong các loại thuốc trừ sâu như Selecron 500 ND, Ofatox 400 EC, Regent 800 WG… pha nồng độ 0,1% (10 cc/bình 10 lít ) kịp thời khi lộc non mới nhú bằng hạt gạo; phun lần thứ 2 vào 15 ngày tiếp theo. Có thể phun thêm một lần nữa vào tháng 4 khi thấy sâu non gây hại trên quả non. Các lứa sâu nhớt phát sinh trong vụ hè không đáng kể vì có thể do bị các thiên địch ăn thịt hoặc không còn lộc non để ăn nên không cần phải phun thuốc nữa.
- Đối với dòi đục nụ, đục hoa: có thể phun kỹ vào 2 lần: lần 1 vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 để diệt con trưởng thành; lần 2 vào khoảng 25 - 2 đến 5 - 3 trước khi hoa nở để diệt sâu non gây hại nụ và hoa.
Chú ý: Khi hoa đang nở rộ phải ngừng phun thuốc để tránh làm rụng hoa và ảnh hưởng đến sự thụ phấn của hoa. Sau khi hoa rộ, nếu thấy vẫn còn nhiều dòi thì có thể phun thêm một lần nữa.
Related news
Kết quả theo dõi ở các điểm thử nghiệm cho thấy: Cây khoẻ, sinh trưởng phát triển khá, phân cành đều, lá hình ô van cong đều và phồng ở bản lá, hoa bất dục đực
Cây cam sau thu hoạch cần được chăm sóc, vệ sinh, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh để cây tiếp tục phát triển và cho mùa bội thu sau.
Ngoài việc được yêu thích nhờ hương vị thơm ngon thì quả cam còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường thể lực, tăng cường thị lực, chống ung thư, kháng viêm,