Cam
Home / Cây ăn trái / Cam

Phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ cam quýt

Phòng, trị bệnh vàng lá thối rễ cam quýt
Author: TS Nguyễn Minh Tuyên
Publish date: Wednesday. August 25th, 2021

Cam, quýt là cây trồng có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên thường bị dịch hại tấn công, nhất là bệnh vàng lá thối rễ hết sức nguy hiểm.

Biểu hiện nhiễm bệnh vàng lá thối rễ của vườn cam, quýt. Ảnh: Minh Tuyên.

Tác nhân: Bệnh do các loại nấm sống dưới đất gây bệnh như Fusarium, Phytophthora, Pythium, Rhizoctonia… gây ra. Bên cạnh đó, các yếu tố gây thương tổn rễ trong mùa khô như tuyến trùng, rệp sáp, nhện, sùng, ve sầu..., hoặc trong mùa mưa ở các vùng trũng thấp, rễ non dễ bị hư do ngâm nước cũng tạo cửa ngõ để vi sinh vật dễ dàng xâm nhập gây bệnh.

Triệu chứng và tác hại: Khi cây bị bệnh, lá bị vàng cả phiến và gân lá, lá già vàng trước, sau đó đến các lá bánh tẻ và lá non, lá toàn cây bị vàng hoặc có khi chỉ một số cành bị vàng. Các lá vàng dễ bị rụng, thường thì rụng từ tầng dưới lên tầng trên. Thường bên trên có cành bị vàng lá, thì tương ứng bên dưới đất cùng hướng đó, rễ đã bị thối hoặc không còn rễ tơ (rễ trắng).

Tùy theo mức độ thương tổn của bộ rễ mà bộ lá cây sẽ vàng hoặc héo tạm thời tương ứng. Khi khá nhiều các rễ tơ bị hư thối, cây sẽ có biểu hiện lá nhỏ và vàng do không hút được dinh dưỡng. Khi hầu hết các rễ tơ bị hỏng đồng loạt, cây sẽ có hiện tượng héo tạm thời do không hút được nước, cho dù ẩm độ đất đang cao.

Nếu không được chữa trị, hiện tượng thối sẽ lan lên các rễ lớn, cây suy kiệt dần và rồi bị chết. Trái của cây đang bị bệnh thường có màu sắc nhạt và không tươi mọng, ruột quả xốp và khô nước, hương thơm kém, vị nhạt…

Phòng trị:

- Trồng cao: Đào hố bón phân, sau đó lấp đất đầy để trồng, đảm bảo gốc cây sau này cao hơn mặt vườn, để không bị đọng nước ở gốc, ứ nước trong đất sau mưa hay tưới (vùng đất nặng, rất dễ bị ứ nước, rễ tơ sẽ bị hư thối do yếm khí).

- Chế độ nước: Cần có hệ thống tưới và tiêu để quản lý nước thật tốt. Gốc cây phải được đắp cao để đảm bảo luôn được khô ráo. Không tưới nước thẳng vào gốc cây, mà chỉ tưới quanh tán cây. Cần thoát nước triệt để trong mùa mưa, không để nước chảy tràn từ vườn này sang vườn khác. Mùa khô cần tưới thường xuyên để đất đủ ẩm, không cho đất nứt nẻ, tránh đứt rễ và tránh được các loại côn trùng và nhện…xâm nhập hại rễ.

- Chế độ ánh sáng: Trước khi vào vụ mới hoặc trước mùa mưa, nên tỉa cành lá sâu bệnh, tỉa bớt  cành khuất trong tán cây để cả vườn thông thoáng. Chú ý phần gốc cam cần thông thoáng, không được che phủ rơm rác, hay cỏ dại mọc, cắt bỏ cành sát mặt đất...trong mùa mưa.

- Chế độ dinh dưỡng: Chủ yếu dựa vào nền phân hữu cơ hoai mục, có ủ với sản phẩm có nấm đối kháng Tricoderma. Ở vùng đất sét, phân hữu cơ giúp đất không nứt nẻ trong mùa nắng, không nê nước trong mùa mưa.

Bón bổ sung NPK khi cần, tránh dư đạm. Bổ sung các loại vi lượng tối cần thiết như phân bón lá TANO 601 để cây khỏe mạnh, quả đẹp, thơm, ngọt. Sử dụng SPC-CAL để giảm độ chua đất, giúp rễ phát triển và hấp thụ được phân lân. Chỉ xới, bón phân ở vùng quanh tán cây.

- Bảo vệ bộ rễ khỏi bị thương tổn: Khi chăm sóc, bón phân cần hạn chế làm sây sát hay làm đứt rễ cam; xử lý sâu, nhện hại trong đất (như tuyến trùng, rệp sáp, nhện, sùng, ve sầu...), nhất là trong mùa khô. Tiêu nước triệt để vùng trũng thấp, tránh cho rễ non khỏi bị hư do ứ nước trong mùa mưa.

- Không dùng các chất kích thích ra hoa trái liên tục trong năm, sẽ làm cây suy kiệt, dễ bị bệnh. Có loại chất kích thích trực tiếp gây thương tổn rễ. Khi cần cây có trái quanh năm, cần đầu tư thâm canh cao độ và khoa học để cây không bị suy kiệt. Vùng ĐBSCL trong những năm gần đây, bà con thường kích thích ra trái quanh năm nên cây bị bệnh nhiều hơn.

- Thuốc phòng trị:

+ Sử dụng thuốc sâu dạng hạt để diệt các loại sâu hại dưới đất và tuyến trùng nhằm hạn chế thương tổn rễ như GÀ NÒI 4GR phối hợp với COMDA GOLD 5WG, HẠT VÀNG… trong mùa khô.

+ Sử dụng luân phiên một trong các sản phẩm ALPINE 80WG, TREPPACH BUL 607SL, MEXYL MZ 72WP và HẠT VÀNG 250SC để tưới vào vùng gốc rễ. Có thể phối hợp với thuốc có gốc đồng để tăng phổ phòng trừ. Nên tưới phòng ngừa và luân phiên các loại thuốc nấm ít nhất 3 lần/năm cho toàn vườn, nhất là khi vườn đã xuất hiện cây bị bệnh.

+ Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu phát hiện cây chớm bị bệnh thì áp dụng tổng hợp ngay các biện pháp vừa nêu trên, như vừa xử lý tuyến trùng và sâu, nhện hại sống trong đất, kết hợp phun phân vi lượng qua lá loại giàu lân và bón SPC-CAL. Đồng thời tưới các thuốc nấm nêu trên 5 - 7 ngày/lần cho đến khi cây phục hồi. Chú ý xử lý thuốc cho các cây đứng gần cây bị bệnh, đặc biệt các cây đứng ở vị trí đất thấp hơn.


Related news

Cách bón '4 đúng' cho cây cam bằng phân bón Lâm Thao Cách bón '4 đúng' cho cây cam bằng phân bón Lâm Thao

Trước tình hình nhiều vùng trồng cam đang bị bệnh, sa sút do nhiều nguyên nhân như giống, kỹ thuật chăm sóc. Nay NNVN xin giới thiệu cách bón phân theo 4 đúng .

Friday. September 25th, 2020
Bón phân khép kín nâng năng suất, chất lượng cam sành Hàm Yên Bón phân khép kín nâng năng suất, chất lượng cam sành Hàm Yên

Ở nhiều nơi nông dân vẫn thường có thói quen bón phân đơn vì nghĩ nó rẻ nhưng không ngờ nó lại hóa đắt vì khiến cho cây trồng thiếu cân đối về dinh dưỡng…

Wednesday. December 2nd, 2020
Sâu vẽ bùa hại cam, quýt Sâu vẽ bùa hại cam, quýt

Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistic citrella, họ Gracillariidae, bộ Lepidoptera. Sâu có nguồn gốc Châu Á và gây hại các vùng trồng cây có múi

Monday. December 21st, 2020