Phòng, trị bệnh cho cá nuôi lồng bè
Hỏi: Cá lăng nuôi lồng không bơi lội, trên da xuất hiện những vết nhỏ, vây đuôi rách. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Trịnh Hoài Nam, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình)
Trả lời:
Theo mô tả, cá lăng có thể đã mắc bệnh gan thận mủ. Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella Ictaluri gây ra. Hầu hết các loài cá nước ngọt, thường gặp nhất ở các loài cá da trơn như cá lăng, cá nheo, cá trê đều dễ nhiễm bệnh. Cá bị bệnh sẽ xuất hiện những vết thương nhỏ trên da (phía mặt lưng), đường kính khoảng 3 – 5 mm, những vết thương này sẽ phát triển thành những khối u rỗng bên trong cơ, da bị mất sắc tố, vây đuôi tưa rách. Cá bỏ ăn, bơi lờ đờ. Đây là bệnh nguy hiểm gây chết cá hàng loạt và rất khó điều trị. Giai đoạn gây hại nặng nhất từ cá hương lên giống và từ giống đến dưới 600 g/con. Mổ khám cá chết quan sát trên gan thận xuất hiện các đốm mủ màu trắng lấm tấm.
Khi cá nhiễm bệnh, có thể sử dụng Florphenicol hoặc Doxycycline liều lượng 3 – 5 g/100 kg cá/ngày, cho ăn liên tục 7 ngày; bổ sung thêm Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá với liều lượng 2 – 3 g/100 kg cá/ngày, ăn liên tục 5 ngày. Thuốc được trộn vào thức ăn viên có áo dầu hoặc chất kết dính.
Để phòng bệnh cho cá, cần lựa chọn con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh. Sát trùng các dụng cụ như lưới, vợt, sọt, ống dây bằng Chlorine 10 – 15 g/m3 trong 30 phút, rửa nước sạch và phơi khô sau khi sử dụng.Cá chết được vớt ra khỏi lồng càng sớm càng tốt. Không vứt cá chết bừa bãi ra sông, trên mặt đất, cần được chôn vào hố cách ly có rải vôi bột để tiệt trùng.
Cá chết được vớt ra khỏi lồng càng sớm càng tốt. Không vứt cá chết bừa bãi ra sông, trên mặt đất, cần được chôn vào hố cách ly có rải vôi bột để tiệt trùng.
Thức ăn cần được nấu chín hoặc sử dụng thức ăn viên.
Hỏi: Biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá biển nuôi lồng bè? (Nguyễn Đức Minh, xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang)
Trả lời:
Cá biển nuôi lồng bè thường mắc một số loại bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio spp và Flexibacter maritimus gây ra, hoặc một số loại nguyên sinh động vật ký sinh trên toàn thân làm tổn thương da, mang như Benedenia spp., Neobenedenia spp., Diplectanum spp., Pseudorhabdosynochus spp… gây ra. Dấu hiệu nhận biết chung các bệnh phổ biến này là cá bị xuất huyết, da và các phần bị bệnh sưng tấy, lở loét. Những bệnh này thường xuất hiện khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường, vệ sinh lưới, lồng nuôi cũng khiến cá bị stress, sức đề kháng của cá thuyên giảm khiến dịch bệnh bùng phát. Ngoài các bệnh trên thì cá nuôi lồng cũng có thể mắc các bệnh nguy hiểm do virus gây ra như bệnh hoại tử thần kinh, bệnh “cá ngủ” do Iridovirus. Một số cách phòng trị bệnh hiệu quả đối với nuôi cá lồng bè như sau:
Chọn vị trí đặt lồng bè thích hợp, tránh đặt nơi vùng nước bị ô nhiễm.
Chọn cá giống khỏe mạnh, không xây xát, dị hình, bệnh tật, không thả mật độ quá dày.
Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực, kỹ thuật cho các trại nuôi. Quy định cho người nuôi cá thực hiện 1 số quy tắc của hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Nguồn thức ăn chính được sử dụng trong nuôi cá biển là cá vụn, cá tạp. Đây chính là nguồn lây bệnh trực tiếp cho cá và làm ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa gây ra. Cần quản lý thức ăn thật tốt và không sử dụng thức ăn đã ươn, thối.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, vệ sinh lồng, bè, lưu thông dòng chảy, đảm bảo lượng ôxy hòa tan. Khi môi trường thay đổi, nước biển nhớt hoặc có váng, người nuôi cần có biện pháp vệ sinh, phòng ngừa bệnh ngay; Sử dụng thuốc và hóa chất để phòng ngừa bệnh cũng là phương pháp hiệu quả. Có thể sử dụng từng loại hóa chất hoặc kết hợp với nhiều loại.
Ngoài ra, các hộ nuôi có thể định kỳ treo túi thuốc tím hoặc TCCA đầu dòng chảy. Đây là phương pháp tốt giúp hạn chế bệnh cho cá nuôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn cho cá, giúp cá khỏe và tăng sức đề kháng chống lại môi trường và bệnh tật.
Khi phát hiện cá chết do dịch bệnh, cần vớt cá chết ra khỏi lồng bè và xử lý cẩn thận; tránh vứt cá chết ra khu vực nuôi để tránh lây lan dịch bệnh.
Related news
Tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định,... người dân đã sẵn sàng chuẩn bị những mẻ cá chép đỏ lớn phục vụ thị trường Tết ông Công, ông Táo.
Bài viết cung cấp những biện pháp quản lý tảo sợi hiệu quả và một số lưu ý khi dùng hóa chất diệt tảo.
Giới thiệu mô hình cải tiến ao nuôi tôm đáy đất và thiết kế cách đưa chất thải ra ngoài rất đơn giản, không tốn kém và đem lại hiệu quả rất tốt từ thiết kế ao