Phòng trị bệnh cá chim vây vàng
Do vi khuẩn
Bệnh do vi khuẩn Vibrio sp và Vibrio anguillarum gây ra.
Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, chết rải rác, bụng trương to, thức ăn không tiêu.
Cá hoạt động kém, bơi chậm chạp, màu sắc cá chuyển từ sáng nâu sang xám đen.
Bệnh xuất hiện nhiều ở cá giống và giai đoạn nuôi cá thương phẩm mật độ cao, khi nước bị nhiễm bẩn.
Biện pháp phòng trị: Nước nuôi luôn phải sạch, không ô nhiễm.
Thức ăn cho cá nên bổ sung thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng.
Khi phát hiện cá bị bệnh cần thay nước liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày thay 50% lượng nước và trộn thuốc kháng sinh Tetracycline vào thức ăn, liều lượng 3 – 5 g/kg thức ăn/ngày.
Cho ăn 5 ngày liên tục, mỗi ngày cho ăn một lần vào buổi sáng.
Bệnh đốm trắng nội tạng trên cá chim vây vàng vừa được phát hiện bởi Khoa Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang.
Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Nocardia sp.
Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, cơ thể xuất hiện nhiều nốt phồng rộp nhỏ dưới da, sau đó, vỡ tạo nên các điểm thương tổn nhỏ màu nâu.
Mang cá xuất hiện nhiều dịch nhầy cùng các vùng thương tổn và các hạt nhỏ màu trắng đục.
Phía trên xương sống xuất hiện một số khối u làm xương sống bị vẹo gây dị dạng cho cá.
Quan sát trong ổ bụng cá thấy các hạt trắng nhỏ xuất hiện ở thận, lá lách và gan.
Bệnh thường gặp trên cá ở giai đoạn đầu thả nuôi (cỡ 6 – 10 cm), xuất hiện ở thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 7 – 8) tỷ lệ cá chết lên đến 50%.
Biện pháp phòng trị: Thả cá mật độ vừa phải (nuôi ao 1 – 2 con/m2, lồng 3 – 5 con/m3).
Đối với cá nuôi ao, cần cải tạo ao kỹ và xử lý nước trước khi thả cá.
Duy trì độ mặn > 10‰ trong quá trình nuôi.
Thay nước và bón vôi định kỳ hàng tháng, liều lượng 2 kg/100 m3 nước.
Cung cấp đủ lượng thức ăn tránh dư thừa.
Cá nuôi lồng bè cần định kỳ 3 tháng/lần di chuyển lồng bè đến chỗ mới, vệ sinh lồng hàng ngày và bổ sung thêm vitamin, men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng và giúp cá tiêu hóa tốt.
Khi phát hiện cá bị bệnh nên giảm 50% lượng thức ăn, thay nước 30 – 50% nước ao hàng ngày và san bớt cá (cá nuôi lồng).
Dùng kháng sinh Clindamycin (thuốc thú y) với liều lượng 4 – 5 g/kg cá, cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.
Do ký sinh trùng
Trùng Cryptocaryon
Trùng Cryptocaryon rất nguy hiểm vì khi chúng ký sinh có thể gây chết hàng loạt cá nuôi.
Trùng hình quả lê, kích thước 0,5 mm, thường ký sinh bề mặt thân và mắt cá.
Khi cá nhiễm bệnh, trên da và mang xuất hiện các chấm trắng nhầy, cá ngứa ngáy, hay cọ mình vào các vật cứng khi bơi.
Bệnh thường xuất hiện khi nhiệt độ nước hạ thấp.
Phòng, trị bệnh: Nuôi cá đúng thời vụ, đảm bảo độ sâu nước ao từ 1,2 m trở lên, cá nuôi lồng sâu 3 – 4 m để ổn định nhiệt độ nước.
Dùng phèn xanh (CuSO4) để tắm cho cá với nồng độ 0,5 ppm trong nước ngọt 5 – 10 phút, sục khí mạnh hoặc sử dụng formol 100 ppm kết hợp với nước ngọt để tắm cho cá trong thời gian 5 – 10 phút.
Trùng bánh xe Trichodina
Trùng bánh xe dạng hình tròn, kích thước 100 mm (đường kính thân), thường ký sinh trên mang, vây và bề mặt thân cá.
Cá nhiễm bệnh, cơ thể yếu, mang có màu nhợt nhạt, hay nhao mình lên mặt nước, cọ mình vào vật cứng, xuất hiện nhiều niêm dịch trên mang và bề mặt thân.
Khi ký sinh vào cá, trùng sẽ vận động quanh mang, phá hủy mô của cá, sinh ra nhiều dịch nhầy bám trên mang gây ngạt thở cá.
Điều trị: tắm cá với dung dịch formol 200 ppm với thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh.
Trùng miệng lệch Brooklynella
Trùng có hình quả thận, kích thước 60 mm, trên thân có những hàng lông tơ mọc song song.
Trùng thường ký sinh trên mang, bề mặt thân cá.
Khi bị nhiễm bệnh cá ngứa ngáy khó chịu, bơi không định hướng.
Trên da và mang bị tổn thương nhiều và bị nhiễm trùng, khi bệnh nặng cá bị chết nhiều.
Điều trị: Tắm cá với dung dịch formol nồng độ 200 ppm thời gian 30 – 60 phút, sục khí mạnh hoặc tắm formol 30 ppm trong 1 – 2 ngày, sục khí mạnh.
Trùng quả dưa Ichthyopthirius multifiliis
Trùng có hình dạng giống quả dưa, đường kính cơ thể 0,5 – 1 mm, ký sinh ở da, mang, đầu và vây cá, chúng hút chất dinh dưỡng cá, đồng thời kích thích cơ thể cá tạo ra đốm mủ trắng quanh vị trí bám.
Trùng bám nhiều ở mang nên làm suy giảm chức năng hô hấp gây ngạt thở cá.
Cá bị bệnh nặng sẽ bơi lội chậm chạp, lờ đờ.
Khi yếu chúng chỉ ngoi đầu lên mặt nước để thở, đuôi bất động, chìm dần xuống đáy và chết.
Điều trị: Quản lý tốt chất lượng nước nuôi, khi cá bị bệnh có thể bắt cá lên tắm formol với nồng độ 50 ppm trong thời gian 10 phút, hoặc phun xuống ao với liều lượng 7 – 8 ppm trong liên tục trong 3 ngày (cách ngày phun ngày).
Bệnh rận cá
Rận cá thường có màu sắc giống màu da cá, khi bám vào cá chúng cào rách lớp da và mang gây viêm loét và dùng tuyến độc qua ống miệng để tiết chất độc gây hại cá.
Khi bị rận ký sinh, cá gầy yếu và lở loét trên thân, cá bị nhiễm nặng sẽ chết hàng loạt.
Điều trị: dùng nước ngọt tắm cho cá 2 – 3 ngày, mỗi ngày 15 phút.
>> Cá chim vây vàng có giá trị dinh dưỡng cao, được tiêu thụ nhiều trên thị trường.
Cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, đặc biệt trong 3 năm đầu, nên rất thích hợp cho nuôi tăng sản và được xem là loài nuôi phù hợp trong các ao nuôi tôm bị dịch bệnh.
Related news
Trong sinh sản nhân tạo cá, việc nuôi vỗ cá bố mẹ có ý nghĩa quyết định đến sự thành thục tuyến sinh dục cá, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sinh sản.
Cá chim trắng lần đầu tiên được đưa về nuôi tại tỉnh Bình Định năm 2003, do Trung tâm Khuyến ngư tỉnh triển khai tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh.