Home / Tin tức / Tin nông nghiệp

Phòng chống thiếu nước cho vật nuôi

Phòng chống thiếu nước cho vật nuôi
Author: Thanh Hiếu
Publish date: Saturday. July 6th, 2019

Thời tiết nắng nóng kéo dài thường khiến vật nuôi mệt mỏi, tăng tỷ lệ mắc bệnh, giảm lượng sữa, trứng… Vì vậy, cần có kế hoạch đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước.

Đảm bảo nước sạch

Trong số những chất dinh dưỡng cho động vật nuôi, nước là chất dinh dưỡng rẻ nhất nhưng lại quan trọng nhất. Con vật nếu không được uống nước sẽ chết nhanh hơn so với khi không được ăn. Vì một lý do nào đấy khiến con vật bị thiếu nước thì sẽ giảm ăn, chậm lớn, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm đi. Nếu thiếu nước trầm trọng hơn thì sự chuyển hóa trong cơ thể bị rối loạn và có thể chết.

Nguồn nước uống có thể lấy từ giếng khoan, giếng đào, nước máy công cộng. Không sử dụng nguồn nước từ sông, suối, ao hồ. Lý tưởng nhất là nước phải sạch mà người có thể uống được bình thường. Nước giếng phải được kiểm tra phân tích để đảm bảo nước sạch không có vi khuẩn gây hại như E coli, Coliform và không có kim loại nặng gây độc như thủy ngân, chì, thạch tín và sắt. Nếu sử dụng thì phải có các thiết bị lọc kim loại nặng và sát khuẩn.

Nước phải đủ mát, đảm bảo nhiệt độ khoảng 20 - 240C, có áp lực vừa đủ và phù hợp với lứa tuổi, loại vật nuôi.

Số lượng núm uống nước, vị trí đặt núm uống nước phải phù hợp. Thường xuyên kiểm tra việc hoạt động của các núm uống nước này.

Nước dùng phải chứa trong bồn hoặc trong bể có nắp đậy và dẫn vào chuồng nuôi bằng hệ thống ống nhựa đảm bảo chắc chắn, an toàn.

Nước rửa chuồng, làm mát chuồng, rửa dụng cụ phải sử dụng nước giếng hoặc nước máy, không sử dụng nước từ ao hồ bên ngoài.

Chế độ dinh dưỡng

Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và chế biến các loại phụ phẩm sau khi thu hoạch (đặc biệt là rơm khô) làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trước và trong mùa khô hạn.

Những ngày nắng nóng, cần thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin… Tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm.

Định kỳ bổ sung thêm Vitamin C, điện giải, đường glucose vào nước uống cho vật nuôi.

Chăm sóc, quản lý

Đảm bảo thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và khống chế lượng nước uống cho đàn gia súc, gia cầm vừa đủ để tránh lãng phí. Lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống nếu có điều kiện. Thường xuyên kiểm tra tốc độ dòng chảy của các nước và khoảng cách giữa các lần sử dụng vòi nước.

Trường hợp trâu, bò, dê cừu chăn thả, cần lưu ý những ngày trời nắng nóng, buổi sáng đi chăn thả sớm và về sớm; buổi chiều chăn thả muộn, về muộn, đặc biệt chú ý chăm sóc gia súc non. Nếu có điều kiện nên di chuyển đàn gia súc đến nơi có nguồn nước bổ sung và thức ăn tại chuồng.

Đối với gia cầm, nuôi nhốt với mật độ vừa phải. Gà con 1 - 4 tuần tuổi là 10 - 40 con/m2, gà 0,5 - 1 kg là 6 - 9 con/m2, gà 1 - 2 kg/con là 4 - 5 con/m2, gà 2 - 3 kg là 3 - 4 con/m2. Tùy nhiệt độ môi trường, đặc tính của gà và mục đích chăn nuôi để điều chỉnh mật độ cho phù hợp. Nếu nóng quá có thể thả ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Đối với gà đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh.

Đối với heo, mật độ nuôi nhốt của heo nái là khoảng 3 - 4 m2/con, heo thịt là 2 m2/con, cho uống đủ nước và tiết kiệm. Người nuôi nên ứng dụng đệm lót sinh học bởi việc này có thể giúp tiết kiệm 80% nước tắm heo và nước rửa chuồng trại kết hợp với các biện pháp chống nóng. Thu gom định kỳ chất thải rắn từ chăn nuôi để ủ phân compost, có thể sử dụng nuôi giun quế, giun đỏ. Từ đó có nguồn đạm bổ sung cho vật nuôi và tiết kiệm nước để làm sạch nền chuồng... Cần tắm cho heo 2 lần/ngày (buổi sáng thời gian khoảng 8 - 9 giờ, buổi chiều từ 15 - 16 giờ không nên tắm cho heo vào lúc trời nắng to vào khoảng thời gian từ 11 - 14 giờ), ngoài ra cho uống đủ nước, chất điện giải (đặc biệt là Vitamin C) để giải nhiệt.

Biện pháp chống nóng

Các hộ chăn nuôi cần đảm bảo chuồng trại cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát thích hợp với từng đối tượng vật nuôi; phủ lá cọ, rơm, trồng cây dây leo lên mái chuồng trại để chống nóng trực tiếp; chuẩn bị đầy đủ phên, lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và chống mưa tạt gió lùa vào chuồng nuôi; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định.

Làm mát cho vật nuôi bằng cách lắp đặt hệ thống quạt gió, hệ thống phun sương trong chuồng, hệ thống nhỏ giọt (nhỏ nước lên lưng heo nái). Những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi; hạn chế quạt thổi trực tiếp vào vật nuôi, đặc biệt là vật nuôi non.

Trồng cây xanh hoặc dùng lưới đen che nắng cho khu vực sân chơi.

Bồn nước cần được che tránh nắng làm nóng nước.

Cung cấp đủ nước cho động vật nuôi là cần thiết và đặc biệt là chất lượng nước phải sạch. Một nghiên cứu thực hiện trong một số trại gà cho thấy: khi nước uống được lấy mẫu ở đầu nguồn, số lượng vi khuẩn chỉ có khoảng 600 - 2.700 CFU/ml, nhưng cùng loại nước uống đó mà lấy ở cuối nguồn (đầu vòi ra), thì số lượng vi khuẩn đã tăng lên đến 26.600 - 4.775.000 CFU/ml.


Related news

Làm giàu nhờ trồng sen Làm giàu nhờ trồng sen

Với sự nhiệt huyết, cần mẫn và đảm đang, bà Nguyễn Thị Thủy khuyến nông viên cơ sở xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ đã năng động, sáng tạo và tiên phong trên con đường

Saturday. July 6th, 2019
Bệnh giả lao trên chim bồ câu Bệnh giả lao trên chim bồ câu

Bệnh xuất hiện trên chim bồ câu được biết đến từ lâu, nhưng đến năm 1904, Kynyoun (1904) mới phân lập được vi khuẩn gây bệnh, gọi là Yersinia pseudotuberculosis

Saturday. July 6th, 2019
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước của vật nuôi Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu nước của vật nuôi

Nhu cầu nước trung bình hàng ngày là khoảng 30 kg đối với tất cả các loại bò và khoảng 4 kg đối với cừu và dê.

Saturday. July 6th, 2019