Phòng bệnh tổng hợp cho cá mùa nóng
Tác hại của nắng nóng
Mỗi loài cá nuôi có một ngưỡng nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng, phát triển, sinh sản. Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất của cá, sự tiêu hao ôxy trong ao. Nhiệt độ cao trong mùa nóng còn ảnh hưởng đến chất lượng nước, hoạt lực của một số khí độc, chất độc trong ao.
Nhiệt độ cao cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, nấm… phát triển và gây bệnh cho cá. Hơn nữa, khi nóng kéo dài, nhiệt độ cao làm cho cá nuôi dễ bị sốc khiến cá dễ mắc bệnh hơn.
Nhiệt độ nước cao làm cho quá trình phân hủy chất hữu cơ tăng lên khiến ao nuôi bị tiêu hao nhiều ôxy và thải ra nhiều khí độc có hại cho cá.
Cách phòng bệnh tổng hợp
Thông thường, nhiệt độ nước trong ao thường cao nhất khoảng 11 - 16 giờ hàng ngày. Để giảm tác động của nhiệt độ đến ao nuôi, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nâng cao mực nước: Luôn giữ mực nước ao nuôi từ 1,2 m trở lên.
- Tạo vùng mát cho cá bằng cách dùng các khung lồng sau đó thả bèo lục bình, rau muống… (cách làm này tương tự như chống rét cho cá).
- Đối với những ao nuôi cá biển thì có thể sử dụng những vật liệu như lốp xe, ngói... thả xuống ao làm hang trú cho cá tránh nắng. Với những ao có diện tích nhỏ có thể dùng lưới tản nhiệt để giảm tác động của ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi.
- Trồng một số loại cây trên bờ ao.
- Với cá nuôi lồng bè, có thể hạ lồng lưới sâu hơn.
Phương pháp phòng bệnh chung
Nhiệt độ càng cao thì khả năng hòa tan ôxy từ tự nhiên vào ao nuôi càng thấp, nhất là với ao nuôi cá nước lợ, mặn. Vì vậy, cần phải đảm bảo ao nuôi cá luôn đầy đủ ôxy. Có thể tăng cường ôxy cho cá bằng cách thêm nước hoặc sử dụng máy bơm tạo mưa cho ao nuôi.
Quản lý bùn đáy và chất lượng nước bằng chế phẩm sinh học. Tránh để hiện tượng tảo tàn, tảo độc phát triển trong ao nuôi khi nhiệt độ nước cao và nắng kéo dài. Tảo tàn sẽ bám vào mang cá làm cá mắc bệnh về hô hấp. Một số chất độc do tảo tàn phân hủy có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cá nuôi.
Quản lý thức ăn: Nhiệt độ cao khiến cá giảm khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn. Nên giảm lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng 30 - 40%, giảm vào bữa trưa hoặc bỏ cữ ăn trưa. Điều này rất quan trọng nhất là đối với một số loại cá nuôi sử dụng thức ăn tươi sống như: cá tạp, don, dắt… Những loại thức ăn tươi sống này bị ôi thiu nhanh khi nhiệt độ cao sẽ gây ô nhiễm nước và làm cho cá nuôi bị mắc bệnh.Bổ sung dinh dưỡng, vitamin: Trộn Vitamin C vào thức ăn sẽ giúp cá tăng sức đề kháng và chống stress. Sử dụng một số loại chất dẫn dụ, kích thích tiêu hóa sẽ giúp cá nuôi bắt mồi và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.Riêng đối với cá giống: Nắng nóng kéo dài có thể làm cho cá dễ mắc bệnh, thậm chí bị chết. Vì vậy, cần che và chống nắng cho cá tốt, nhất là cá giống ương trong vèo, giai.
Lưu ý, không đánh bắt, kiểm tra cá lúc trời nắng nóng.
Tags: phong benh tong hop, ca mua nong, nuoi thuy an