Phòng bệnh Marek ở gà
Vi rút gây bệnh được nhà bệnh lý học người Hungary (Jozsef Marek) mô tả lần đầu tiên ở Hungary vào năm 1907.
Ở Việt Nam bệnh đã xuất hiện từ năm 1978 và xảy ra nặng những năm 1980, do chăn nuôi gà công nghiệp phát triển.
1. Căn bệnh
Vi rút gây bệnh thuộc nhóm herpes gây ra. Đến nay người ta đã phân lập được 3 týp vi rút herpes (trong đó chỉ có týp 1 là týp có độc lực).
2. Cách truyền lây
Vi rút có trong các nang lông, có thể lan truyền rất xa trong không khí. Bệnh lây lan trực tiếp từ gà ốm sang gà khoẻ bằng con đướng hít thở.
Ngoài ra bệnh còn lây lan gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi và cơ sở ấp trứng có chứa mầm bệnh.
Căn bệnh truyền theo phân không có vai trò lớn, tuy nhiên trên lớp độn chuồng sau 4 tháng vẫn còn tìm thấy vi rút có độc lực.
3. Triệu chứng
Bệnh Marek thường ủ bệnh sau khi nhiễm 3- 4 tuần ,tiến triển chủ yếu ở hai thể cấp tính và mãn tính:
a) Thể cấp tính chủ yếu ở gà 4 – 8 tuần tuổi, có thể sớm hơn. Bệnh ít có triệu chứng điển hình, ngoài hiện tượng chết đột ngột.
Tỷ lệ chết thường cao, có khi tới 20 – 30%, thường thể hiện triệu chứng ủ rũ và gầy yếu trước khi chết.
Gà thường bỏ ăn, ỉa phân lỏng và giảm tỷ lệ đẻ, đi lại khó khăn, bại liệt, xã cánh một bên do viêm dây thần kinh vận động.
b) Thể mãn tính hay thể cổ điển chủ yếu xảy ra ở gà 4 – 8 tháng tuổi thường ở hai thể, thể thần kinh và thể mắt.
- Thể thần kinh: gà bệnh đi lại khó khăn, liệt nhẹ rồi dần dần bại liệt hoàn toàn. Đuôi gà có thể bị rủ xuống hoặc lệnh sang một bên. Cánh sã xuống một bên hoặc cả hai bên.
- Thể viêm mắt: Trong nhiều ổ dịch gà thường viêm mắt. Bệnh bắt đầu bằng hiện tượng viêm mắt nhẹ.
Con vật tỏ ra rất mẫn cảm với ánh sáng, chảy nước mắt trong.
Dần dần viêm màng tiếp hợp rồi viêm mống mắt. Mủ trắng đóng dầy khoé mắt, khả năng nhìn kém dần, không mổ trúng thức ăn và cuối cùng có thể bị mù.
4. Bệnh tích
- Thể cấp tính: bệnh tích chủ yếu là hình thành các khối u ở nội tạng. U thường có ở gan, lách, thận, phổi, buồng trứng, túi fabricius, dịch hoàn … gan, lách sưng to hơn nhiều lần so với bình thường, nhạt màu và bở.
-Thể mãn tính: bệnh tích chủ yếu là hiện tượng viêm tăng sinh các dây thần kinh ngoại vi. Dây thần kinh hông, thần kinh cánh bị sưng to, có khi to hơn 4 – 5 lần so với bình thường và có thể bị phù thũng.
5. Chẩn đoán
Chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, mổ khám bệnh tích bằng việc phát hiện các khối u ở da, gan, thận, phổi, buồng trứng, lá lách, trong cơ các tổ chức mềm khác của gà bị bệnh Marek.
6. Phòng, trị bệnh
Bệnh không có thuốc chữa đặc hiệu.
Cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh sau đây :
Khi chưa có dịch xảy ra:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh Marek bắt buộc cho gà con 1 ngày tuổi dùng để sinh sản (gà ông bà, bố mẹ, gà nuôi lấy trứng) tại cơ sở ấp trứng.
- Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh thú y, chăm sóc nuôi dưỡng để ngăn chặn bệnh Marek lây lan trong khu chuồng nuôi. Hàng ngày quét, nhặt thu dọn lông và đốt hết lông vì vi rút tồn tại lâu trong chân lông.
- Đối với các trại gà chăn nuôi công nghiệp nhất thiết phải có khu riêng biệt nuôi gà mái đẻ và khu nuôi gà con, phải tuyệt đối chấp hành nguyên tắc: cùng nhập, cùng xuất (gà đưa vào nuôi cùng một lúc, xuất ra cùng một lúc).
Sau khi xuất chuồng phải tiến hành tổng tẩy uế chuồng trại, dụng cụ và môi trường chăn nuôi bằng các loại thuốc khử trùng.
Sau đó chuồng trại phải để trống ít nhất 1 tháng. Riêng đối với đàn đã nhiễm bệnh trước đó để trống chuồng ít nhất 3 tháng và thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng.
- Thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Chú ý không nuôi gà lớn, gà con lẫn lộn.
Khi có bệnh xảy ra:
- Giám sát phát hiện sớm;
- Cách ly đàn mắc bệnh, không được vận chuyển gà trong đàn nhiễm bệnh ra ngoài;
- Tiêu huỷ toàn bộ đàn mắc bệnh (bằng cách đốt, sau đó chôn giống như đối với bệnh cúm gia cầm), đồng thời xử lý các chất tồn dư (phân, rác vv..);
- Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ 1 – 2 lần/1 tuần;
- Cấm nhập gà giống về nuôi trong thời gian xử lý đàn gà bệnh;
- Để trống chuồng ít nhất 3 tháng.
Related news
Gà rừng rất nhút nhát, mặc dù đã được thuần dưỡng nhưng bản tính này của chúng không hề thay đổi, vì vậy cần chú trọng đến khâu chăm sóc nhằm giúp cho đàn gà dần thích nghi với con người và dễ thuần dưỡng. Gà rừng rất khó nuôi và rất khó sinh sản, vì thế chúng ta nên nuôi gà rừng đã thuần chủng từ đó nhân rộng thêm. Mỗi năm gà mái chỉ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 trứng nên khó nhân giống, tuy nhiên để có thể tự sản xuất con giống, cần chăm sóc kỹ và kiểm tra nhiệt độ khi gà ấp trứng. Ổ đẻ cho gà đẻ được lót bằng rơm hoặc trấu, nhằm tránh cho gà đẻ và ấp tự nhiên làm cho trứng dễ hư hỏng, không đạt hiệu quả.
Thức ăn đậm đặc là loại thức ăn có tỷ lệ protein cao, giàu khoáng, vitamin, có chất kích thích ngon miệng, mùi vị thơm để phối trộn với bột ngũ cốc theo tỷ lệ phù hợp thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh nuôi các loại gà.