Phòng bệnh do Perkinsus ở ngao, nghêu
Cho đến nay, ký sinh trùng Perkinsus sp. đã gây ra tỷ lệ chết cao và hàng loạt cho nhiều loại nhuyễn thể có giá trị trên toàn thế giới. Do đó, người nuôi cần phát hiện bệnh sớm và có các biện pháp xử lý kịp thời để giảm thiệt hại về kinh tế.
Perkinsus sp. gây chết hàng loạt ở ngao, nghêu Ảnh: CTV
Nguyên nhân
Tác nhân gây bệnh cho các nhuyễn thể hai mảnh vỏ chủ yếu là do nhóm ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp. Trong đó, hai loài hay gây bệnh là Perkinsus marinus và Perkinsus olseni. Đây là bệnh được Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đưa vào danh sách các bệnh bắt buộc phải khai báo và kiểm dịch trên động vật nhuyễn thể. Perkinsus marinus là ký sinh trùng đầu tiên được phát hiện trên nhuyễn thể nuôi.
Chu kỳ sống của Perkinsus sp. gồm ba giai đoạn chính: Giai đoạn dinh dưỡng (trophozoite), giai đoạn tăng trưởng (hypnospore), giai đoạn bào tử động (zoospores).
Ký sinh trùng Perkinsus sp. có thể biến thái từ giai đoạn thể dinh dưỡng sang bào tử nghỉ trong khoảng nhiệt độ nước 20 - 350C. Trong đó, nhiệt độ 30 - 350C được xem là tối ưu cho quá trình biến thái từ thể dinh dưỡng sang bào tử nghỉ vì thời gian biến thái xảy ra nhanh nhất (sau một ngày ủ). Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, đây là một loài rộng muối vì bào tử nghỉ được phát hiện ở tất cả các nghiệm thức độ mặn khác nhau, kể cả ở mức 0‰. Tuy nhiên, quá trình hình thành bào tử nghỉ diễn ra nhanh hơn ở mức độ mặn >15‰ (xuất hiện bào tử nghỉ trong 1, 2 ngày đầu ủ).
Tác hại
Perkinsus sp. thường ký sinh trên mang, màng áo, tế bào biểu mô ruột, các tổ chức mô liên kết của tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục của động vật nhuyễn thể. Perkinsus sp. có thể tồn tại dai dẳng suốt vòng đời vật chủ. Trên thế giới, loại tác nhân này đã được nghiên cứu trên nhiều đối tượng nhuyễn thể hai mảnh như hàu, vẹm, trai, điệp, ngao và gần đây là trên nghêu lụa. Ở Việt Nam, Ngô Thị Thu Thảo (2008) đã phát hiện ký sinh trùng Perkinsus sp. trên nghêu lụa (Paphia undulata) ở vùng biển Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 2007, Perkinsus olseni cũng đã được phát hiện trên trai tai tượng (Tridacna crocea) của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để làm cảnh (Sheppard và Phillips, 2008).
Các báo cáo cho thấy, Perkinsus đã gây ra tỷ lệ chết cao lên tới 95% và hàng loạt cho nhiều loại nhuyễn thể có giá trị trên toàn thế giới. Villalba và ctv (2004) cho biết, Perkinsus sp. gây hoại tử mô, giảm tăng trưởng, giảm khả năng sinh sản, giảm sự tích trữ năng lượng của mô vật chủ và gây ra tỷ lệ chết cao cho vật chủ của nó.
Cơ chế lây truyền Perkinsus sp. xảy ra trực tiếp giữa động vật thân mềm mà không cần vật chủ trung gian. Giai đoạn lây nhiễm là lúc bào tử động có 2 roi chuyển sang giai đoạn cơ thể dinh dưỡng sau khi xâm nhập vào các mô của vật chủ; nhuyễn thể hai mảnh vỏ có tỷ lệ nhiễm bệnh cao, với tỷ lệ chết lên đến 95% khi điều kiện môi trường bất lợi đối với vật chủ.
Triệu chứng lâm sàng
Biểu hiện chủ yếu của bệnh là nhuyễn thể hai mảnh vỏ sinh trưởng chậm; Tuyến sinh dục chậm phát triển, giảm sức sinh sản và làm chậm chu kỳ sinh sản; vật nuôi nổi lên cát, mở vỏ và chết hàng loạt. Bệnh xảy ra ở đối tượng nhuyễn thể hai mảnh vỏ như hàu, vẹm, nghêu, trai ngọc, trai tai tượng, bào ngư... Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung vào mùa hè và đầu mùa thu khi nhiệt độ tăng cao trên 150C. Sau đó giảm dần vào mùa đông và đầu mùa xuân khi nhiệt độ từ 90C đến 100C. Vì vậy tỷ lệ nhiễm bệnh và tỷ lệ chết cao nhất thường xảy ra vào đầu mùa thu; Perkinsus sp. phát triển mạnh ở độ mặn 25‰ và không chịu được độ mặn thấp hơn 15‰.
Bệnh tích
Kiểm tra bệnh tích thấy: Nhuyễn thể hai mảnh vỏ gầy rạc, mô chảy nước, co màng áo, tuyến tiêu hóa nhợt màu; Đôi khi có tổn thương tạo thành áp xe ở tuyến sinh dục.
Sự tăng sinh của Perkinsus sp. gây ra phá vỡ các mô liên kết và biểu mô, trên một số vật chủ có tạo thành áp xe ngẫu nhiên, các mụn mủ đường kính cỡ 8 mm; Bào tử Perkinsus sp. xuất hiện từng đám trên màng áo, mang, mô liên kết tuyến tiêu hóa và tuyến sinh dục biểu hiện là những nốt sần màu nâu trắng hoặc những cái nang trên mặt của màng áo, mang, chân, ruột tuyến tiêu hóa, thận, tuyến sinh dục.
Chẩn đoán
Có thể chẩn đoán bệnh bằng cách sử dụng phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction) hoặc bằng phương pháp nuôi cấy (Thu mẫu tùy thuộc vào kích cỡ của nhuyễn thể hai mảnh vỏ: Nhuyễn thể hai mảnh vỏ giống lấy từ 10 con/mẫu đến 15 con/mẫu; trưởng thành lấy từ 5 con/mẫu đến 10 con/mẫu).
Phòng bệnh
Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, để phòng bệnh do ký sinh trùng Perkinsus sp. gây ra, người nuôi cần thực hiện các biện pháp sau:
- Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường và thời tiết, người nuôi tuyệt đối không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi;
- Duy trì mật độ thả thích hợp 180 - 200 con/m2, cỡ giống nuôi 400 - 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi 500 - 800 con/kg và 250 - 300 con/m2 đối với cỡ giống 800 - 2.000 con/kg;
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn... ở bãi ngao để khuyến cáo, cảnh báo cho để khuyến cáo cho người nuôi;
- Trong trường hợp, ngao (nghêu) đạt kích cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra. Đối với ngao (nghêu) chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần chủ động san thưa mật độ không để mật độ quá dày;
- Nếu phát hiện ngao (nghêu) chết, lập tức thu gom, xử lý để tránh lây lan sang các cá thể còn sống, có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, tránh nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa.
Related news
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Tự trị Nayarit (UAN) đang nghiên cứu sản xuất thức ăn cho cá rô phi (Oreochromis niloticus) từ hạt mít giảm chi phí
Anh Trần Thanh Hùng, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, đã lập nghiệp thành công với mô hình nuôi cá chạch lấu
Thủy sản phục vụ con người chủ yếu là nuôi trồng chứ không phải đánh bắt và do đó, công nghệ thông minh nuôi trồng thủy sản là cơ hội đầu tư hứa hẹn nhất