Phí đè nông sản
Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả đáng buồn này là nông sản đang gánh trên mình hơn 1.000 khoản phí và lệ phí.
Nông dân phải nộp đến 17 loại phí cho hạt cà phê Hàng ngàn hộ nông dân, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk mới đây tiếp tục phản đối, khiếu nại các công ty cà phê trên địa bàn tỉnh thu đến 17 loại phí lên hạt cà phê.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết từ tháng 1.2015, Bộ đã có văn bản gửi các bộ ngành, địa phương đề nghị rà soát các loại phí, lệ phí. Qua nghiên cứu, rà soát ban đầu cho thấy lĩnh vực nông nghiệp hiện nay số lượng các loại phí và lệ phí là “rất lớn và rất phức tạp” .
Cụ thể, riêng lĩnh vực thú y còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí; lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có 16 khoản lệ phí và 95 khoản phí; lĩnh vực quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản có 7 loại lệ phí và hơn 180 khoản phí... Tính sơ bộ, riêng lĩnh vực nông nghiệp qua rà soát ban đầu có 90 lệ phí và 937 khoản phí.
Theo phản ánh của các hộ này, những rẫy cà phê họ tự bỏ vốn ra đầu tư trồng, chăm sóc, thu hoạch… nằm ngoài phần đất quản lý của các công ty từ 20 năm trước vẫn bị các công ty áp đặt thu sản lượng. Đặc biệt là bị “tròng” vào cổ các khoản thu lạ đời như: đi phép của cán bộ, tiền lãi vay trả lương, trợ cấp thất nghiệp, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, vật tư phân bón, dịch vụ tưới, khấu hao máy nông nghiệp nhỏ, khấu hao tài sản cố định khác…
Lạm thu tràn lan
Theo kết luận của Thanh tra Bộ NN-PTNT, Công ty TNHH MTV cà phê Ea Ktur (Đắk Lắk) đã thu của người nhận khoán 17 khoản mục giá thành đối với diện tích vườn cây của công ty, như: khấu hao vườn cây, khấu hao tài sản cố định khác, thuế, chi phí quản lý, bảo hiểm sản xuất, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí lao động, vật tư phân bón, dịch vụ tưới, khấu hao máy nông nghiệp nhỏ, dụng cụ sản xuất, bảo hộ lao động, nghỉ phép cán bộ…
Đối với diện tích người dân tự đầu tư trồng, chăm sóc, công ty thu một số khoản như: chi phí khảo sát, thiết kế khai hoang, nhà cửa các đội và công ty, máy móc thiết bị, sân phơi, kho chứa sản phẩm với tổng số tiền hơn 1,1 triệu đồng và hơn 4,2 triệu đồng tiền chi phí quản lý/héc ta/năm.
Không riêng gì ngành cà phê, rất nhiều mặt hàng nông sản cũng đang khổ vì nạn lạm thu kiểu này. Câu chuyện một con gà “cõng” 14 loại phí từng được đặt lên bàn nghị sự và chính các bộ ngành liên quan cũng không giải thích thấu đáo tại sao lại có lắm loại phí vậy.
Có thể nói, con gà khổ vì phí từ lúc sinh ra cho tới lúc lên bàn ăn, như phí kiểm dịch gà con mới nở, cấp giấy kiểm dịch xuất khẩu gà khỏi trang trại ra ngoài tỉnh, kiểm soát giết mổ, tiêu độc, khử trùng... Quá trình chăn nuôi, các cơ sở phải lấy mẫu nước để kiểm tra xem có bệnh gì trên gia cầm không cũng phải đóng phí...
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vissan (TP.HCM), người chăn nuôi heo
“không còn nhớ bao nhiêu loại phí họ phải đóng cho một con heo từ khi còn con giống đến khi xuất chuồng”. “Chỉ biết là khâu nào cũng đều đóng phí. Có thể kể ra như phí kiểm dịch, phí môi trường, phí kiểm soát giết mổ, phí tiêu độc, phí sát trùng phương tiện, phí chì niêm phong, phòng chống dịch bệnh…
Giết mổ xong, vận chuyển trên đường cũng có đóng phí, mức phí vận chuyển trong tỉnh khác ngoài tỉnh, người bán thịt tại chợ lại đóng tiếp phí môi trường, an ninh…”, ông Mười nói.
Theo rà soát của Bộ Tài chính công bố trong phiên họp Thường vụ Quốc hội đầu tháng 8 vừa rồi, nông nghiệp đang gánh phí nhiều nhất với con số hơn 1.000 khoản phí và lệ phí.
"Thu thừa còn hơn bỏ sót"
Nhận xét về số phí, lệ phí mà ngành nông nghiệp đang phải oằn lưng gánh, chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần tỏ ra kinh ngạc và khó hiểu.
Ông nói: “Nông nghiệp được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ để phát triển ngành này, cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khu vực. Kiểu lạm thu, phí chồng phí thế này khiến doanh nghiệp khó có lợi nhuận và rất khó cạnh tranh trong hội nhập.
Gà Mỹ rẻ hơn gà Việt Nam, trứng gà Thái Lan rẻ hơn trứng gà Việt Nam là điều quá dễ hiểu khi sản phẩm của người ta ít chi phí hơn rất nhiều so với hàng trong nước”.
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng có một thực tế là các bộ, ngành đang “cài cắm” nhiều khoản phí trong các thông tư hướng dẫn, đẩy khó cho doanh nghiệp, người dân. Ngoài việc nhiều đơn vị tự tung tự tác thu chi tùy tiện, không loại trừ năng lực cán bộ kém nên “lạm thu”, không phân biệt được các khoản phí, tâm lý “thu thừa hơn bỏ sót”.
“Một nền kinh tế mà để người dân chịu quá nhiều thuế phí trong bối cảnh mức thu nhập bình quân còn quá thấp so với các quốc gia đang phát triển, sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách điều hành chung”, ông Thành nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cũng nhiều lần tỏ ra ngạc nhiên khi có quá nhiều khoản phí “trái với Hiến pháp” và cho rằng đó như những giấy phép con trá hình cần loại bỏ sớm.
Dự thảo luật Phí và lệ phí đang được lấy ý kiến để thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. PGS-TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết:
“Việc thảo luận góp ý sẽ khó khăn hơn do có quá nhiều khoản thu chồng chéo nhau mà ngay chính những người trong ngành còn lúng túng. Theo tôi, mọi cái cần được luật hóa, rõ ràng; bỏ ngay các khoản thu kiểu như giấy phép con của các bộ ngành giáng xuống doanh nghiệp, doanh nghiệp lại thu nhà nông… như hiện nay.
Nếu luật loại được nạn lạm thu này, tránh chồng chéo, Quốc hội mới bấm nút thông qua”.
Con gà gánh 14 loại phí
Một con gà từ khi mở mắt đến khi xuất thịt bán ra thị trường, có thể “cõng” 14 loại phí (đó là chưa tính các phí kiểm tra định kỳ, lấy mẫu nước phân chuồng trại kiểm tra hằng quý tại các trại nuôi gà):
- Phí kiểm dịch trứng thương phẩm 4,5 đồng/quả,
- Phí trứng giống 5,5 đồng/quả,
- Trứng đã ấp 5,5 đồng/quả,
- Phí con gà mới nở 100 đồng/con,
- Phí cấp giấy kiểm dịch khi xuất gà con ra khỏi trang trại trong nội tỉnh 5.000 đồng/tờ,
- Phí xuất gà con ra khỏi trại ra khỏi tỉnh 40.000 đồng/tờ,
- Giấy tiêu độc sát trùng cho xe vận chuyển gà con nội tỉnh 45.000 đồng/tờ,
- Giấy tiêu độc sát trùng xe vận chuyển gà ngoại tỉnh 75.000 đồng/tờ,
- Kiểm tra lâm sàng gà thịt nhập vào 100 đồng/con,
- Phí niêm phong xe 1.500 đồng/dây,
- Phí tiêu độc sát trùng 45.000 đồng/xe,
- Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất gà nội tỉnh 5.000 đồng/điểm giao hàng,
- Giấy kiểm dịch xuất gà ngoài tỉnh 30.000 đồng/điểm giao hàng,
- Phí kiểm soát giết mổ (200 đồng/con).
Related news
Là một trong những người đầu tiên mang loại dừa xiêm Mã Lai về trồng tại vùng đất Lê Minh Xuân, anh Lê Minh Đức (sinh năm 1973, ngụ ấp 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiện đang “sống khỏe” nhờ loại cây này.
Đầm Dơi là huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất trong tỉnh Cà Mau với trên 2.200 ha. Nếu như trước đây, những hộ giàu, hộ khá, hộ có đất nhiều mới nuôi, thì bây giờ, không ít hộ nghèo, cận nghèo, hộ có đất sản xuất ít vẫn mạnh dạn nuôi và bước đầu đã thành công.
Năm nay, nông dân xã Bằng Khánh, một trong những địa phương có diện tích khoai tây vụ đông lớn nhất huyện, xuống giống trên 30ha. Như đã thành nếp, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, nông dân trong xã bắt tay vào làm đất, trồng khoai tây vụ đông với phương châm “lúa thu hoạch đến đâu, làm đất trồng khoai tây đến đó”. Ở Bằng Khánh, nhà ít cũng trồng 1 - 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), nhà nhiều trồng 4-5 sào khoai tây.
Hồ thủy điện Sơn La có nhiều tiềm năng và điều kiện khí hậu phù hợp để nuôi cá tầm, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, gắn với công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu và góp phần giải quyết việc làm cho một bộ phận người dân TĐC thủy điện Sơn La.
Chủ nhân của ngôi vườn sạch này - ông Đoàn Văn Quỳnh, khẳng định rằng ông chỉ là một người mới đến với hoa địa lan (Cymbidium) vài năm nay thôi. Trước đó 6.000m2 vườn nhà ông trồng hồng môn và trước đó nữa thì ông chỉ buôn bán.