Phát triển nghề nuôi lươn không bùn
Được sự ủng hộ của lãnh đạo phường và hỗ trợ nhiệt tình của Hợp tác xã Thuận Thiên, tháng 7-2018, Hội Cựu chiến binh phường Thới An Đông, quận Bình Thủy thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn không bùn, có 14 thành viên tham gia. Sau hơn 1 năm triển khai mô hình, nhiều thành viên áp dụng kỹ thuật thành công, đã xuất bán lứa lươn đầu tiên, đem lại hiệu quả khả quan.
Lứa lươn được thả nuôi theo kỹ thuật nuôi không bùn của chú Mạnh (giữa) đạt hiệu quả cao, hứa hẹn đem lại thu nhập khá.
Ngày đầu tháng 9 này, ghé nhà chú Nguyễn Văn Mạnh, ở tổ 6, khu vực Thới Thuận, một trong các thành viên của Tổ hợp tác, nhiều người không khỏi trầm trồ với hồ lươn khoảng 900 con no tròn, khỏe mạnh. Chú Mạnh cho biết, đây là lứa lươn đầu tiên chú nuôi có tổng chi phí đầu tư khoảng trên 10 triệu đồng, gồm 4 triệu đồng tiền mua 1.000 con lươn giống; còn lại là chi phí thức ăn, xây hồ nuôi, lắp đặt hệ thống điện, nước, bồn chứa nước...
Qua 8 tháng chăm sóc, đến nay, mỗi con lươn đã đạt trọng lượng trung bình từ 300gram/con, một số con lớn nhất có thể nặng từ 400gram, dự kiến ngày 10-9 chú Mạnh sẽ xuất bán với giá khoảng 180.000 đồng/kg. Chú Mạnh phấn khởi chia sẻ: “Hồi mới nghe nói thành lập tổ hợp tác nuôi lươn, tôi chưa có ý định tham gia. Đến khi thấy Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh liên kết Hợp tác xã Thuận Thiên - chuyên sản xuất, cung cấp lươn giống và thu mua lươn thịt ở ngay trên địa bàn phường - tổ chức lớp tập huấn nghề chu đáo, tôi mới đăng ký tham gia học hỏi và ứng dụng nghề mới này”.
Lươn nuôi trong hồ xi măng, đáy hồ chỉ cần lót bạt hoặc gạch men, không cần bùn, chỉ cần chuẩn bị vài chùm dây ni lông làm chỗ trú ngụ cho lươn; mỗi ngày cho lươn ăn và thay nước 2 lần là được. “Khó nhất là việc cân đối lượng thức ăn sao cho vừa đủ cho lươn, không được thừa. Vì thức ăn thừa sẽ làm nước trong hồ nuôi ô nhiễm, lươn bị ngộp. Vì thế, người nuôi phải dành thời gian quan sát kỹ những ngày đầu và luôn tuân thủ thay nước đúng 2 lần/ngày”- chú Mạnh chia sẻ kinh nghiệm.
Với những yêu cầu trên, nuôi lươn không bùn được xem là nghề chăn nuôi ít vốn và nhẹ công chăm sóc, được nhiều lao động lớn tuổi quan tâm. Trong 14 thành viên Tổ Hợp tác nuôi lươn không bùn của Hội Cựu chiến binh phường Thới An Đông, người lớn nhất đã 74 tuổi. Tham gia Tổ hợp tác, các thành viên mới bắt tay vào nuôi đều được Hợp tác xã Thuận Thiên hỗ trợ kỹ thuật tận tình, hướng dẫn cách thả nuôi con giống đúng cách và thu mua lươn thương phẩm tận nơi.
Điều này giúp các thành viên rất an tâm. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số thành viên chưa triển khai mô hình được do thiếu nguồn lươn giống. Theo anh Ngô Văn Lạc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thới An Đông, để Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững, ngay từ khi mới thành lập,
Hội đã tranh thủ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hỗ trợ cho các thành viên có điều kiện trang trải chi phí đầu tư ban đầu với tổng số tiền 550 triệu đồng. Đồng thời, ký kết thỏa thuận hỗ trợ dạy nghề, tư vấn kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng và bao tiêu đầu ra với mức giá thu mua lươn thương phẩm từ bằng đến cao hơn thị trường. Hợp tác xã Thuận Thiên đang tăng năng suất ươm nuôi lươn bột để đủ cung cấp lươn giống cho các thành viên trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Văn Luân và anh Nguyễn Văn Hum, ngụ khu vực Thới Ninh cũng đầu tư nuôi lươn lứa đầu tiên được 7 tháng nay. Gia đình 2 anh đều thuộc diện khó khăn của phường, thu nhập chủ yếu nhờ làm thuê. Tham gia mô hình nuôi lươn không bùn, các anh được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư ban đầu. Anh Hum cho biết, mỗi hồ nuôi lươn xây trên khoảnh đất chừng 6m2 là đã có thể thả nuôi từ 1.000 con lươn giống, vì thế, với mô hình này, gia đình tôi tận dụng được khoảnh đất chừng 20m2 sát vách nhà trước đây bỏ trống.
Sau lứa lươn thịt đầu tiên, anh Hum dự định thử sức nuôi lươn bột để cung cấp lươn giống cho các hộ nuôi xung quanh. Còn anh Luân chia sẻ: “Sau khi xây bồn, lắp đặt hệ thống điện nước và mua được con giống, việc còn lại chỉ là bỏ công chăm sóc chừng 2 tiếng/ngày. Với tiền công nhật mỗi ngày khoảng 250.000 đồng/ngày, tôi có thể nhín ra lo đủ chi phí thức ăn cho lươn. Mô hình này được xem như bỏ ống có lãi. Rút kinh nghiệm, sau lứa lươn này được xuất bán, tôi sẽ đầu tư lứa mới với số lượng lớn hơn”. Chú Nguyễn Văn Mạnh cũng cho biết trong tháng tới sẽ đầu tư xây thêm bồn để nuôi được 5.000 con lươn giống.
Anh Ngô Văn Lạc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thới An Đông, cho biết: “Phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong 5 nội dung hoạt động chủ đạo của Hội Cựu chiến binh, nhằm tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, gương mẫu tham gia xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Với chỉ đạo của Hội cấp trên, Hội Cựu chiến binh phường chú trọng việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế nông nghiệp vẫn còn chiếm đa số trong các hội viên. Mô hình nuôi lươn không bùn bước đầu đã đạt kết quả khá tốt. Chúng tôi dự kiến vận động hội viên cùng tham gia thành lập thêm mô hình Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp, giúp nhiều hội viên tăng thu nhập”.
Related news
Người nuôi cần phải biết các nguyên tắc sử dụng cơ bản để tránh rủi ro, đảm bảo an toàn thực phẩm... Dưới đây là các cách dùng thuốc để phòng, trị các bệnh
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Scotland đang thực hiện một bước quan trọng trong việc phát triển một loại vaccine thương mại cho Hội chứng cá hồi vân bột
Cá bông lau - một loài thủy sản có giá trị kinh tế cao đang được người dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nuôi thành công, mở ra một hướng phát triển mới