Phát Triển Nghề Nuôi Cá Lồng Bè Trên Hồ Định Bình

Năm 2009, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-CN Bình Định thực hiện đề tài “Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá điêu hồng trong lồng năng suất cao” phù hợp trên các hồ chứa nước lớn của tỉnh. Kết quả của đề tài đã thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá điêu hồng lồng bè ở hồ Định Bình trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Hiện có 23 hộ nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè trên hồ Định Bình. Bà con đã được tập huấn kỹ thuật nuôi cá điêu hồng, áp dụng vào thực tế đạt hiệu quả khá cao. Ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, cho biết: “Gia đình tôi nuôi 2 bè cá điêu hồng gồm 16 lồng, vốn đầu tư ban đầu gần 150 triệu đồng, mỗi năm nuôi 2 vụ tôi có thu nhập gần 250 triệu đồng nên cũng có “của ăn của để”. Ông Huỳnh Hữu Trí, ở thôn Định Nhất, xã Vĩnh Hảo, nuôi 1 bè gồm 8 lồng cá, bộc bạch: “Trong vụ vừa rồi, các thương lái đến mua cá với giá cao, bà con nuôi cá trên hồ Định Bình rất phấn khởi. Với 8 lồng cá, đạt năng suất trung bình 1 tấn/lồng, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi trên 60 triệu đồng”.
Được biết, ông Trí nuôi cá điêu hồng từ năm 2009, những vụ đầu vì thiếu kinh nghiệm nên không đạt hiệu quả, năng suất thấp. Từ đầu năm 2012, việc nuôi cá điêu hồng bằng lồng bè ở đây cho năng suất cao và giá cá tăng khá nên ông có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu. Theo ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, sản lượng cá điêu hồng nuôi ở hồ Định Bình đạt khoảng 1 tấn/lồng, giá cá thương phẩm bán ra 46.000đ/kg (từ 0,5- 0,7 kg/con), người nuôi ít nhất là 6 lồng, nhiều nhất là 24 lồng, mỗi năm nuôi 2 vụ, thu nhập từ 90 triệu đến 300 triệu đồng/năm tùy theo nuôi nhiều hay ít. Hiện cá điêu hồng được tiêu thụ mạnh, giá cá tăng, người nuôi cá có thu nhập khá nên rất phấn khởi.
Kỹ sư Nguyễn Văn Chinh, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Nghề nuôi cá điêu hồng trên hồ Định Bình bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2012. Người nuôi cá đã có kinh nghiệm chăm sóc cũng như phòng ngừa và trị bệnh cho cá để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Tỉ lệ sống của cá điêu hồng nuôi trên hồ Định Bình khá cao, trên 80%. Độ sâu và dòng chảy phù hợp, nguồn nước trong sạch không bị ô nhiễm… là những điều kiện thuận lợi cho phép phát triển bền vững nghề nuôi cá điêu hồng ở hồ chứa nước Định Bình”.
Từ đầu tháng 7, các chủ lồng bè nuôi cá điêu hồng ở đây đã thả cá giống cho vụ 2 năm nay, với 23 hộ thả nuôi 280 ngàn cá giống/150 lồng. Hiện cá phát triển tốt, không có dịch bệnh, nguồn nước và môi trường đảm bảo cho cá sinh trưởng nhanh. Mới đây, Phòng NN-PTNT huyện cũng đã phối hợp với Công ty TNHH thủy sản Hải Long - Nha Trang tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính theo tiêu chuẩn Global G.A.P cho 75 nông dân của huyện, nhằm giúp nông dân nuôi đa dạng các giống cá nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao.
Related news

Cục Cảnh sát Môi trường phía Nam vừa phối hợp với Chi cục Kiểm lâm TPHCM kiểm tra hộ ông Trần Minh Thạch (phường Thới An, quận 12) và hộ ông Võ Quốc Quang (huyện Hóc Môn, TPHCM), phát hiện nhiều cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm được nuôi nhốt trái phép gồm: 1 sóc đen, 1 kỳ tôm, 7 gà lôi, 1 cầy gấm cực hiếm và nhiều sản phẩm ĐVHD khác như 27kg thịt gấu, chồn, dúi, heo rừng...

Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết đã nghiên cứu thành công giống lúa mới vụ Xuân 2014, kết quả thu hoạch lúa vụ Xuân đạt hiệu quả rất rõ rệt về chống đổ, khả năng chịu rét, chống nhiễm bệnh và năng suất đạt cao hơn giống lúa truyền thống từ 5-10 tạ/ha.

Những hộ đang trồng cây thầu dầu cho biết: Trong 4 năm đầu, bình quân mỗi ha chỉ cho mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/ha bởi năng suất còn thấp. Từ năm thứ 4 trở đi, cây thầu dầu phát triển mạnh cho năng suất cao và ổn định thì mức thu nhập đạt 35 - 40 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí). Nếu so với các loại cây trồng khác trên những vùng đất cằn khô nay đưa vào trồng cây thầu dầu thì hiệu quả cao hơn.

Mô hình thí điểm phục hồi, cải tạo vườn hồ tiêu suy yếu ở thôn Phú Ân, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (Quảng Trị) sau một năm thực hiện đã cho kết quả tốt. Từ kết quả ban đầu này đã giúp nông dân hiểu rõ các phương cách đầu tư trong trồng tiêu và lợi ích đầu tư thâm canh đưa lại.

Các tàu thuyền có công suất lớn của ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định vào vùng biển cách đảo Lý Sơn khoảng 1 hải lý dùng các thiết bị đánh bắt cá mang tính hủy diệt để khai thác thủy sản, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Quá bất bình, ngư dân Lý Sơn đưa tàu thuyền ra ngăn cản, dẫn đến xung đột.